Tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản và thủy sản Việt Nam

Thứ tư, 17/07/2013 16:37

(ĐCSVN) – Sáng 17/7, tại Hà Nội, Tổ chức hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) và Dự án truy xuất nguồn gốc điện tử phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản và thủy sản Việt Nam. Minh bạch thông tin – Con đường phát triển bền vững” theo hướng áp dụng mở rộng hình thức truy xuất nguồn gốc điện tử trong xuất nhập khẩu nông sản - thủy sản Việt Nam.

Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự của đại diện các Bộ: Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan cùng đông đảo đại biểu là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông – thủy sản, thực phẩm trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, các Hội sản xuất, thương mại, tiêu dùng, một số chuỗi bán lẻ.

 

 Hội thảo "Tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản và thủy sản Việt Nam. Minh bạch thông tin - Con đường phát triển bền vững" (Ảnh: HNV)


Hội thảo được triển khai nhằm mục đích đưa truy xuất nguồn gốc điện tử vào thực hiện rộng rãi cần vận động, thuyết phục nhằm thay đổi nhận thức của DN và các cơ quan quản lý. Trước hết cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước ban hành các qui định khuyến nghị áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử, đơn giản thủ tục đối với doanh nghiệp khi (thông quan, cấp CO, ưu tiên trong kiểm tra an toàn thực phẩm) nếu áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử. Nhân Hội thảo này, các đại biểu thảo luận và nhất trí cao về việc khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thương mại, Hải quan, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ NN&PTNT) ban hành các qui định khuyến khích áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử đồng thời xây dựng quan hệ hợp tác với các tổ chức tiêu chuẩn độc lập quốc tế.

Hơn nữa, Hội thảo cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức của DN xuất khẩu về truy xuất nguồn gốc điện tử, tác động của nó đối với sự nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế với nhiều thông tin cập nhật về hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử tại Việt Nam và cách thức triển khai và áp dụng.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NN&PTNT đánh giá cao sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Đan mạch (DANIDA) thông qua tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) đã tài trợ cho dự án xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông, thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Hệ thống này đã đưa đến cho DN một công cụ hiện đại để chuyển thông tin về sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đến với người mua/ người tiêu thụ trên thị trường thế giới. Bộ NN&PTNT hy vọng rằng Hội thảo này sẽ bước đầu làm thay đổi nhận thức của các DN, để thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử, coi việc đưa thông tin minh bạch và kịp thời về sản phẩm như một công cụ nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông và thủy sản Việt Nam, góp phần đưa ngành sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Cũng tại Hội thảo, ngài John Nielsen, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, việc triển khai Dự án truy xuất nguồn gốc điện tử là một phần của Chương trình hỗ trợ phát triển DN khối tư nhân trong các ngành xuất khẩu, cải thiện các hoạt động kinh doanh tốt hơn và phát triển các mô hình sáng tạo. Đại sứ đã bày tỏ sự thông cảm với các DN trong bối cảnh kinh tế suy giảm và khủng hoảng như hiện nay, việc do dự áp dụng các sáng kiến mới là không tránh khỏi khi phải bỏ một khoản đầu tư không nhỏ cho công việc này. Tuy nhiên, theo Đại sứ, cách hiệu quả nhất đối với các DN xuất khẩu thực phẩm trong đó có các DN xuất khẩu hàng nông sản và thủy sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay chính là duy trì hệ thống truy xuất điện tử, khoa học, thuận tiện và nhanh chóng. Các DN nên áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử vì chính lợi ích của mình bởi điều này cho phép người mua tiếp cận thông tin nhanh, tránh trì hoãn không đáng có khi báo cáo với các nhà chức trách nơi nhập khẩu, tránh gian lận trong nhãn hàng và bệnh dịch liên quan tới thực phẩm xuất khẩu…

Đại sứ cũng bày tỏ sự vui mừng trước kết quả của Dự án truy xuất nguồn gốc điện tử, bước đầu mở ra một cách thức mới đầy tiện ích với các DN xuất khẩu Việt Nam, khuyến nghị các cơ quan hữu quan liên quan nên tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử một cách rộng rãi. Đồng thời, đại sự bày tỏ tin tưởng và hy vọng, với việc chủ động áp dụng các hình thức mới, Việt Nam sẽ đối phó kịp thời với các thách thức để duy trì thị trường xuất khẩu hiện tại và mở rộng thị trường xuất khẩu mới.

Tiện ích của truy xuất nguồn gốc điện tử với các DN xuất khẩu thực phẩm

 

 TS Nguyễn Hồng Minh giới thiệu về tiện ích và quy trình xác định truy xuất nguồn gốc điện tử (Ảnh: HNV)


TS Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Giám đốc dự án truy xuất nguồn gốc điện tử cho rằng, thông tin về truy xuất nguồn gốc hiện là yêu cầu bắt buộc đối với các DN xuất khẩu thực phẩm. Yêu cầu này không chỉ xuất phát từ phía Chính phủ, từ các tổ chức tiêu chuẩn độc lập (ISO, BAP, ASC, MSC…) mà cả từ phía người tiêu dùng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và trách nhiệm xã hội của DN.

Thực tế, thời gian qua, các DN xuất khẩu của Việt Nam đã thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng ghi chép trên giấy theo yêu cầu một bước trước, một bước sau, có nghĩa là DN tự đặt mã số truy xuất cho mỗi lô hàng (mã số nội bộ), in mã số đó vào góc bao bì (thùng carton) theo thỏa thuận với người mua/ nhà nhập khẩu. Khi người mua/ nhà nhập khẩu muốn có báo cáo xuất xứ thì gửi file copy mã số của thùng hàng về cho nhà xuất khẩu. DN xuất khẩu quay lại tìm các thông tin trong các giấy tờ cũ và lập báo cáo truy xuất nguồn gốc gửi sang cho nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, cách làm này không minh bạch và nhiều rủi ro bởi chỉ có doanh nhiệp đọc và hiểu được mã số truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; do phải đi tìm lại số liệu trong rất nhiều giấy tờ, thời gian nhận báo cáo truy xuất kéo dài ít nhất 24 tiếng; rủi ro do lưu trữ thông tin bằng giấy tờ (hỏa hoạn, mối mọt). Theo qui định tùy theo loại sản phẩm, thông tin cần được lưu giữ từ 6 tháng đến 2 năm (kho trữ lớn); chỉ có người mua trực tiếp/ nhà nhập khẩu có thể yêu cầu cung cấp báo cáo truy xuất nguồn gốc; khó kiểm chứng độ trung thực, chính xác của thông tin truy xuất; người tiêu dùng vẫn không thực sự biết về sản phẩm mà họ mua.

Trong khi đó, truy xuất nguồn gốc điện tử đưa đến cho DN công cụ để người mua/người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhận báo cáo truy xuất dễ dàng bằng smart phone, có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất ở tất cả các khâu, quá trình sản xuất, chất lượng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, nhà nhập khẩu; thông tin tin cậy hơn do được cung cấp qua hệ thống độc lập của bên thứ ba; tên tuổi doanh nghiệp xuất khẩu được người tiêu dùng biết đến (hiện nay người tiêu dùng chỉ biết đến thương hiệu của nhà bán lẻ); đưa thông tin nhanh (real time) ngay lập tức, khi lô hàng chưa đến; mã số cho từng lô hàng theo chuẩn quốc tế và là mã đơn nhất cho từng lô hàng. Tất cả các khâu của chuỗi tiêu thụ đều có thể nhận diện mã số và nhận báo cáo truy xuất nguồn gốc điện tử; không giới hạn các bước truy xuất, có thể truy xuất thông tin từ khâu đầu tiên của quá trình sản xuất (sản xuất giống); doanh nghiệp có thể lưu trữ và truy xuất thông tin an toàn, dễ dàng, nhanh chóng; Thuận tiện cho các cơ quan quản lý: Hải quan, cơ quan cấp chứng nhận CO (Certificate of origin – Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) , cơ quan quản lý chất lượng.

Tuy có những lợi ích như trên nhưng hiện nay chỉ một số DN nếu không được công nhận thực hiện tiêu chuẩn BAP thì không xuất khẩu vào Mỹ được phải thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử. Hầu hết các DN còn lại không muốn hoặc không thích minh bạch thông tin, thực hiện truy xuất chủ yếu là để đối phó với các qui định của nhà nước, nên không muốn tham gia truy xuất nguồn gốc điện tử mặc dù hệ thống được thiết kế riêng cho mỗi doanh nghiệp và miễn phí thiết kế cũng như hướng dẫn thực hiện.

Dự án truy xuất nguồn gốc điện tử - bước khởi động để minh bạch thông tin, tăng năng lực cạnh tranh cho DN xuất khẩu thực phẩm nói chung, nông sản và thủy sản nói riêng

Đề cập tới Dự án, Th.S Lý Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ Sắc ký Hải Đăng (EDC-HĐ) và Phó Dự án cho biết, Dự án “Cung cấp dịch vụ hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc và dịch vụ tư vấn, đào tạo quản lý phòng thí nghiệm cho các DN xuất khẩu tại 8 tỉnh – Phục vụ các chuỗi giá trị trong ngành thủy sản và các nông sản xuất khẩu khác” do Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu, Hợp phần 1 của Chương trình Hỗ trợ Phát triển DN – BSPS của Đan Mạch, tài trợ.

Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN xuất khẩu Việt Nam thông qua việc xây dựng và cung cấp cho các chuỗi liên kết ngành thủy sản dịch vụ thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử, dịch vụ quản lý phòng thí nghiệm và nâng cấp dịch vụ đào tạo kỹ thuật viên, với các tiêu chí: giá dịch vụ phải chăng, kịp thời, đúng yêu cầu.

Trong giai đoạn đầu, EDC-HĐ sẽ cung cấp dịch vụ cho chuỗi liên kết ngành cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (đặc biệt ở 2 tỉnh Cần Thơ và An Giang), sau đó rút kinh nghiệm và mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ sang các chuỗi liên kết ngành thủy sản và nông sản xuất khẩu khác.

Hai loại hình dịch vụ này đều là những dịch vụ mới, chưa có đơn vị Việt Nam nào cung cấp dịch vụ với giá cả phải chăng. Đề xuất dịch vụ mới của EDC-HĐ có tính sáng tạo trên một số phương diện như sau: Các dịch vụ này giúp DN xuất khẩu Việt Nam đáp ứng kịp thời và chính xác những yêu cầu của nhà nhập khẩu quốc tế về thông tin truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu kỹ thuật khác như kiểm soát dư lượng hóa chất; giảm chi phí lưu hàng tại cảng, giúp DN có cảnh báo sớm, giảm rủi ro bị trả lại hàng, giảm rủi ro tranh chấp thương mại; Cung cấp cho các trại nuôi những công cụ dễ sử dụng, không tốn kém để ghi nhận và chuyển thông tin truy xuất nguồn gốc, tăng uy tín và khả năng bán hàng của các trại nuôi đã tham gia vào mạng lưới thông tin truy xuất nguồn gốc của địa phương và quốc gia.

EDC-HĐ là đơn vị đặc biệt phù hợp để cung cấp cả 2 dịch vụ KHCN này đến DN xuất khẩu ngành thủy sản, với mức phí thấp hơn so với nếu cung cấp từng dịch vụ riêng biệt, vì kết quả kiểm nghiệm là một hạng mục thông tin quan trọng trong hệ thông tin truy xuất nguồn gốc. EDC-HĐ còn cung cấp được nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác cho DN như dịch vụ cảnh báo sớm, dich vụ tập huấn cho DN xuất khẩu và trại nuôi về các yêu cầu kỹ thuật mới...  góp phần gián tiếp giúp DN xuất khẩu Việt Nam gia tăng lợi nhuận.

Rõ ràng, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử là cách thức để minh bạch hóa thông tin, tạo thuận lợi cho các DN xuất khẩu thực phẩm trong đó có nông – thủy sản hiện nay. Phân tích về minh bạch thông tin trong xuất khẩu nông sản Việt Nam, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển nông nghiệp nông thôn nêu ra một bất cập là trong thời đại thông tin nhưng hầu hết DN sản xuất nông - thủy sản của Việt Nam chưa coi trong việc minh bạch thông tin, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua/ người tiêu dùng, coi đó là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Không những thế khá nhiều DN ngại ngần trong cung cấp thông tin, cho rằng việc minh bạch làm cho DN bị yếu thế hoặc bị mất khả năng cạnh tranh. Tình trạng gian lận thương mại, làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng còn diễn ra khá phổ biến.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng bày tỏ mong muốn Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử sẽ mang lại lợi ích thiết thực trong công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần làm giảm thiểu thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng và có thể cả khi làm thủ tục thông quan. Mong rằng đây sẽ là một hình mẫu hợp tác công - tư có hiệu quả trong thời gian tới./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực