(ĐCSVN) - Một trong những nội dung quan trọng của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, bền vững kết hợp với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
Bên cạnh việc coi trọng bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển các cây trồng có khả năng cạnh tranh xuất khẩu, mở rộng sản xuất cây trồng thay thế nhập khẩu; đẩy mạnh chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung phát triển rừng kinh tế…
Một số kết quả tích cực
Qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã từng bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, tăng trưởng khá cao. Trong một thời gian dài, từ một nền nông nghiệp tự cung, tự cấp, thiếu lương thực triền miên, đến nay, cơ bản đã thực hiện nền sản xuất hàng hoá, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có tỷ suất hàng hoá càng lớn. Một số mặt hàng xuất khẩu có vị thế cao trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, thuỷ sản,… Đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến; khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm nông sản và kim ngạch xuất khẩu.
|
Ảnh minh hoạ (Nguồn: dntm.vn) |
Cùng với việc mở rộng diện tích cà phê, chè, mía đường, cây ăn quả, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác đã làm cho năng suất cũng không ngừng tăng lên. Mức độ cơ giới hoá cũng tăng lên rõ rệt. Bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến như lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, chè ở trung du, miền núi phía Bắc, cà phê ở Tây Nguyên, cao su ở Đông Nam Bộ, mía đường ở miền Trung, cây ăn quả ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, nuôi trồng thuỷ hải sản ở duyên hải Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Trên phạm vi cả nước, năng lực chế biến nông sản không ngừng được nâng cao. Điểm đáng chú ý, hiện, đã có hàng nghìn cơ sở công nghiệp chế biến được xây dựng trên địa bàn nông thôn. Nhờ đó, đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là thuỷ lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển, xoá đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho nông dân.
Vấn đề đặt ra
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng nền nông nghiệp nước ta nhìn chung vẫn ở trình độ thấp, không đồng đều giữa các vùng, các lĩnh vực. Trình độ khoa học công nghệ của nước ta về cơ bản vẫn còn lạc hậu, lao động thủ công, theo kinh nghiệm cổ truyền còn lớn. Sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, lao động dư thừa nhiều, chênh lệch về thu nhập tăng lên. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, phát triển chưa thực sự bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề xã hội bức xúc.
Cơ cấu kinh tế nông thôn còn nặng về nông nghiệp, trong nông nghiệp còn nặng về trồng trọt. Ngoài các vùng chuyên canh cao su, cà phê, chè, mía đã được hình thành trên cơ sở quy hoạch, các vùng chuyên canh cây trồng khác còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô, lại chưa ổn định. Các vùng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc chủ yếu phát triển dựa trên cơ sở các vùng truyền thống, chưa đáp ứng được các yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có năng suất thấp, khả năng cạnh tranh không cao.
Một số ngành công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản phát triển chậm, nhiều dây chuyền thiết bị, công nghệ lạc hậu, làm giảm giá trị và tăng giá thành nông sản. Phần lớn các sản phẩm mới ở dạng sơ chế, tỷ lệ chế biến công nghiệp còn thấp. Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp có thời gian thu hoạch ngắn, đòi hỏi cấp bách công nghệ bảo quản, chế biến để giảm tổn thất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trình độ cơ giới hoá, điện khí hoá còn thấp. Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật tuy có đóng góp không nhỏ cho sản xuất, nhưng còn nhiều bất cập. Hệ thống quản lý thú y, thuỷ nông, bảo vệ thực vật, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả cao. Nông dân còn phải tự đối phó với nhiều rủi ro, gánh chịu nhiều chi phí, làm tăng giá thành sản xuất…
Và một số giải pháp
Để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đáp ứng cho công nghiệp chế biến, cần tiếp tục tổ chức các vùng sản xuất theo hướng tập trung, thâm canh, sản xuất hàng hoá lớn gắn với thị trường và các cơ sở chế biến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật mới để cải tiến giống cây trồng. Hiện đại hoá các cơ sở nghiên cứu, quản lý, sản xuất giống của Nhà nước và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, chế biến, bảo quản để có đủ giống tốt, rẻ, phục vụ sản xuất hàng hoá, nhất là giống lúa, ngô, lợn, bò sữa, cây ăn quả và một số cây trồng chủ lực khác.
Tăng cường việc áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến trong canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch để giảm tổn thất, hạ giá thành, tăng giá trị nông sản. Ưu tiên phát triển cơ khí hoá, điện khí hoá trong sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có khối lượng hàng hoá lớn, giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định. Thực hiện cơ giới hoá nhiều khâu, đồng bô phục vụ một số cây trồng chủ yếu ở những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, quy mô lớn như lúa, ngô, cà phê, mía, bông,… Phát triển các trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, tập trung vào những ngành mũi nhọn, có thị trường, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao để thay thế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường năng lực chế biến sâu sản phẩm, hạn chế xuất khẩu sản phẩm sơ chế. Thực hiện đa dạng hoá sản phẩm và tận dụng tổng hợp các sản phẩm phụ của các nhà máy chế biến.
Tiếp tục tổ chức lại chăn nuôi theo hướng công nghiệp, xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, thâm canh, an toàn dịch bệnh gắn với chế biến. Công nghiệp hoá khâu giống theo hướng cải thiện nguồn gen của đàn giống để cung cấp có hiệu quả cho các vùng chăn nuôi công nghiệp. Áp dụng công nghệ hiện đại trên cơ sở nhập ngoại giống tốt và lai tạo để phát triển đàn gia súc có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Sử dụng thức ăn công nghiệp đa dạng được sản xuất bằng dây chuyền thiết bị và công nghệ hiện đại, đúng tiêu chuẩn trong chăn nuôi công nghiệp. Ứng dụng công nghệ chăn nuôi công nghiệp phù hợp với quy mô tổng đàn. Hiện đại hoá, tăng cường năng lực ngành thú y, chủ đông khống chế dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Quản lý có hiệu quả hệ thống thuốc thú y, bảo đảm phòng trừ dịch bệnh, đồng thời an toàn cho người tiêu dùng thực phẩm. Nâng cấp và đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến có trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể hoá tiêu chuẩn các cơ sở giết mổ và chế biến phục vụ nhu cầu trong nước, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng “thịt sạch” trên thị trường nội địa…