(ĐCSVN) - Tập đoàn TH là một trong những doanh nghiệp đưa công nghệ, kỹ thuật cao về với những vùng nông thôn nghèo khó, sản xuất ra những loại thực phẩm sạch có nguồn gốc thiên nhiên, đạt chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam. Có thể thấy, mô hình hoạt động của Tập đoàn đã góp phần cụ thể hoá yêu cầu của Nghị quyết 26-NQ/TW là cần xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn.
Khơi dậy tiềm năng
Theo Tập đoàn TH, qua quá trình khảo sát thực tiễn, Tập đoàn đã quyết định triển khai dự án sản xuất sữa tươi sạch với công nghệ đẳng cấp quốc tế tại Phủ Quỳ, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vào năm 2009. Trước khi có dự án, Phủ Quỳ được coi là vùng đất rất giàu tiềm năng, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các sản phẩm cam, mía, cà phê và cao su, thì đất nông nghiệp bị hoang hóa rất nhiều và sử dụng kém hiệu quả.
|
Bò sữa ở trang trại của Tập đoàn TH (Nguồn: dantri.com.vn) |
Theo lý giải của Tập đoàn TH, Việt Nam là một nước có hơn 70% dân số tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, đóng góp hơn 20% GDP nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch còn thiếu tính khoa học và hệ thống; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tiến trình phát triển bền vững. Mặc dù nông nghiệp là một ngành kinh tế mũi nhọn nhưng lại phát triển một cách rất ì ạch, do chưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu, do đó nếu đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ rất khó khăn. Cho dù vậy, tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua đã chứng tỏ vai trò thiết yếu của nông nghiệp - như là ngành kinh tế cốt lõi đem lại giá trị thực cho xã hội. Thường vào các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, người ta nhắc nhiều đến các gói giải cứu, các biện pháp vực dậy doanh nghiệp trong các ngành ngân hàng, tài chính, bất động sản, thì đó là thời điểm trên thị trường toàn cầu, các mặt hàng nông sản thực phẩm tăng giá mạnh, đem lại nguồn thu lớn cho nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp ngành này. Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua cũng tỏ rõ vai trò cứu cánh của nông nghiệp trong việc ổn định kinh tế và an ninh xã hội. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tăng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp theo tinh thần tái cơ cấu của ngành, thì điều kiện thiết yếu là phải đầu tư công nghệ cao và nhấn mạnh vai trò chủ lực của các doanh nghiệp trong quá trình này.
Từ cách nhìn nhận như vậy, Ngân hàng TMCP Bắc Á đã tư vấn cho Tập đoàn TH hướng phát triển mới, đó là ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - một trong những điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững và thành công, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp đi tiên phong đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao trong nông nghiệp.
Tuy ngành sữa ở Việt Nam đã có bước phát triển mới, nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đa số lượng sữa bột để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng. Để có được sản phẩm sữa tươi sạch, Tập đoàn TH đã mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và quy trình chế biến hàng đầu trên thế giới từ các nước tiên tiến. Khi đặt mua quy trình của Israel, để đảm bảo sự tuân thủ đúng quy trình, Tập đoàn TH đã thuê cả nông dân và chuyên gia của Israel vận hành máy móc và hướng dẫn, đào tạo người Việt Nam. Tập đoàn TH có một hệ thống làm việc chuyên nghiệp trong tất cả các khâu nhờ được quản lý trực tiếp bởi hai công ty đa quốc gia là Công ty Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Công ty Totally Vets của New Zealand quản trị về mặt thú y. Bên cạnh đó, họ cũng tư vấn cả việc nhập khẩu bò từ New Zealand, Úc... - là những nước có giống bò sữa tốt nhất với phả hệ rõ ràng để chăn nuôi trên đất Nghĩa Đàn (Nghệ An), được chăm sóc với những điều kiện tốt nhất để đảm bảo được sự vẹn toàn của sữa tươi trong suốt quy trình. Hiện nay, TH đã là nhà cung cấp sữa tươi sạch lớn ở Việt Nam. Dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa của Tập đoàn TH về cơ bản đã hoàn thành giai đoạn đầu tư thứ nhất vào đầu năm 2013, với giá trị đầu tư là 350 triệu USD. Tổng quy mô đầu tư của dự án là 1,2 tỷ USD trên tổng diện tích 37.000 ha (giai đoạn một là 8.100 ha).
Với quan niệm coi tự chủ về nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt nhất để tạo nên cuộc cách mạng về sữa tươi sạch tại Việt Nam, Tập đoàn TH chủ trương đầu tư mạnh phát triển đàn bò theo hướng hiện đại hóa với công nghệ cao. Kế hoạch của Tập đoàn TH đến năm 2015, sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu. Đến năm 2012 Tập đoàn có khoảng 45.000 con, và dự kiến 137.000 con vào năm 2017, chiếm khoảng 50% tổng đàn bò trong cả nước. Tương ứng với số lượng bò sữa này, sản lượng sữa tươi sạch mà Tập đoàn TH đạt được năm 2012 là 80.000 tấn và đến năm 2017 mục tiêu sẽ là 289.000 tấn. Chỉ sau hơn hai năm có mặt trên thị trường, sản lượng của TH đã chiếm tới hơn 30% thị phần sữa tươi của Việt Nam, với doanh thu thuần năm 2011 trên 1.000 tỷ đồng; năm 2012 là 2.000 tỷ đồng; và năm 2013 dự kiến là 3.700 tỷ đồng; đến năm 2015 là 15.000 tỷ và đến năm 2017 phấn đấu đạt 23.000 tỷ. Nhờ doanh thu không ngừng được nâng cao, nên khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước sẽ ngày càng lớn.
Hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp
Điểm đáng chú ý, cùng với việc mở rộng sản xuất gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Tập đoàn TH luôn có chính sách ưu đãi cho lao động địa phương và áp dụng mức đãi ngộ cạnh tranh so với thị trường. Hiện số lao động tại Tập đoàn gần 1.000 người, trong đó số lao động địa phương có gần 800 người. Thu nhập trung bình của công nhân từ 3,5 triệu đồng/tháng trở lên. Ngoài ra, Tập đoàn còn hỗ trợ cho con em người lao động thuộc biên chế công ty hoặc nông trường vùng dự án hiện đang học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt loại khá trở lên số tiền 500.000 đồng/tháng/sinh viên trong thời gian học chính thức theo quy định.
Có thể thấy, sự có mặt của Tập đoàn TH với cuộc cách mạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đã góp phần quan trọng để miền Tây tỉnh Nghệ An có diện mạo hoàn toàn mới - một thành phố du lịch sinh thái trong tương lai, đời sống người dân được nâng lên và chất lượng sống được cải thiện rõ rệt. Việc đưa công nghệ nông nghiệp cao vào sản xuất của Tập đoàn TH đã giúp nơi đây nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất. Nếu 1ha đất nơi đây trước đó chỉ cho giá trị trung bình khoảng 70 triệu đồng/năm, thì bây giờ, nhờ trồng cỏ, trồng cao lương... theo phương thức áp dụng công nghệ cao đã cho thu hoạch từ 500 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm.
Từ thành công của Tập đoàn TH cho thấy, để đưa công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cần có sự hoạch định một con đường đi rõ ràng, riêng biệt, cần biết đặt lợi ích của mình trong lợi ích quốc gia, hợp lý hóa lợi ích, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của nhân dân. Cần phải có nguồn lực (đất đai) đủ để đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân. Lựa chọn công nghệ đúng, sử dụng công nghệ đầu cuối của thế giới, trí tuệ mới của thế giới đã được ứng dụng trong thực tiễn vào Việt Nam.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần có chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, các cấp chính quyền cần có sự ủng hộ và nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề công nghệ cao trong nông nghiệp một cách có hệ thống từ trên xuống dưới. Cần có những lộ trình mang tính chiến lược, dưới sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các bộ chủ quản để có cách nhìn nhận đúng về cuộc cách mạng công nghệ cao, từ đó vào cuộc mạnh mẽ cùng doanh nghiệp. Coi việc đưa công nghệ cao vào nông nghiệp là góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức và góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Các bộ, ngành liên quan cần có sự cần tăng cường sự phối kết hợp để giải quyết vấn đề đất đai cũng như khả năng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặt khác cần có chiến lược truyền thông bài bản, đủ để các nông, lâm trường và các tầng lớp nhân dân hiểu đây thực sự là cuộc cách mạng về nông nghiệp của đất nước.
Đẩy mạnh công tác đào tạo lao động chất lượng cao, đồng thời cần có chính sách đào tạo lại lao động cho những vùng đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhất là đối với việc đào tạo cho nông dân thiếu việc làm trong quá trình tham gia tích tụ ruộng đất.
Cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ cao trong nông nghiệp đối với sản phẩm hàng hóa. Khi đã có một mô hình công nghệ cao thành công, thì cần có cách xác định thế nào là sản phẩm từ công nghệ cao. Cần áp dụng nguyên tắc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với sản phẩm sản xuất theo quy trình công nghệ cao. Các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao các sản phẩm công nghệ cao, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và cho đến lúc sản phẩm được đưa vào lưu thông trên thị trường và sẵn sàng cùng doanh nghiệp phối hợp giải thích để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm.