Tập trung nâng cao giá trị sản xuất của lâm sản ngoài gỗ

Thứ bảy, 20/06/2015 21:01

(ĐCSVN) – Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy, hoạt động sản xuất, khai thác và sử dụng lâm sản ngoài gỗ (LSNG) gắn liền với đời sống của hàng triệu hộ gia đình miền núi. Đây là nguồn cung cấp các sản phẩm thiết yếu, là một trong những nguồn thu nhập quan trọng đã góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho một bộ phận cư dân sống dựa vào rừng.

Đồng thời, LSNG cũng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản, góp phần phát triển kinh tế địa phương, khôi phục, nâng cao độ che phủ và giá trị của rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

 

 LSNG mang ý nghĩa quan trọng cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái (Ảnh: PV)


Ở Việt Nam, với 2.000 loài LSNG là cây thân gỗ; 3.000 loài cho dược liệu; 400 loài cho lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc; 500 loài cho tinh dầu, LSNG được coi là lĩnh vực có vị trí quan trọng trong ngành lâm nghiệp (chiếm 20-25% giá trị sản xuất lâm nghiệp hàng năm).
 
Hoạt động sản xuất LSNG trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu to lớn, không chỉ mang lại thu nhập cho kinh tế hộ gia định của người dân miền núi mà còn đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân với tốc độ tăng trưởng 15-30%, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội và an ninh quốc phòng. Để đạt được những thành tựu trên có sự đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ về LSNG. Tuy nhiên, những đóng góp của khoa học công nghệ về LSNG chưa tương xứng với tiềm năng của nó nhất là trong giai đoạn vừa qua khi ngành lâm nghiệp vẫn còn tăng trưởng chậm, chưa bền vững; hiệu quả sản xuất kinh và năng lực cạnh tranh thấp, đặc biệt là đời sống của người dân ở miền núi còn thấp, nhiều nơi người dân chưa thể sống được bằng nghề rừng.

Thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, định hướng nghiên cứu về LSNG trong giai đoạn tới là vừa tập trung vào việc vừa nâng cao giá trị sản xuất của ngành thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã và giá trị gia tăng của sản phẩm LSNG, vừa phát triển bền vững tài nguyên LSNG.

Trong những qua, việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ ngày càng được tăng cường, góp phần rút ngắn thời gian nghiên cứu và phục vụ có hiệu quả cho sản xuất. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học về LSNG được ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả to lớn, đóng góp ngày càng nhiều và có hiệu quả vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp nói riêng, sự phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung, góp phần đóng góp sự tăng trưởng chung của ngành.

Mặc dù có những thành tựu nhất định, nhưng trong nghiên cứu về LSNG còn một số tồn tại, thiếu sót. Một trong những tồn tại lớn trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN về LSNG là số tiến bộ công nghệ còn ít, số lượng kết quả nghiên cứu, tiến bộ công nghệ được đưa vào sản xuất còn hạn chế và nhiều kết nghiên cứu chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất, nhiều kết quả nghiên cứu khi đưa ra đã lạc hậu.

Hơn nữa, việc xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu LSNG chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sản xuất, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, còn mang nặng tính chủ quan, chưa chuẩn xác, thiếu thực tế, chưa có sự tham gia của người sử dụng kết quả nghiên cứu, thiếu tính liên tục, kế thừa nên hiệu quả nghiên cứu chưa cao, chưa gắn chặt với thực tiễn sản xuất và thị trường, chưa chú ý đến đối tượng là LSNG. Cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu chưa tạo động lực khuyến khích cho nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất LSNG. Nguồn kinh phí cho nghiên cứu hạn chế và dàn trải, không đồng bộ.

Nguồn nhân lực cho nghiên cứu LSNG vừa thiếu, yếu, không chuyên sâu và chưa đồng bộ. Đội ngũ nghiên cứu chưa được trang bị kiến thức và phương pháp tiếp cận phù hợp với lĩnh vực LSNG. Thiếu cán bộ đầu đàn trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về LSNG nhất là lĩnh vực khai thác và công nghệ chế biến sau thu hoạch thiếu.

Hệ thống dịch vụ phục vụ cho nghiên cứu LSNG còn chậm phát triển như công tác thông tin, dự báo phát triển, hoạt động mua bán công nghệ và lưu thông các kết quả nghiên cứu về LSNG còn yếu.

Xuất phát từ mục tiêu, định hướng của đề án tái cơ cấu ngành cùng với chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp đến năm 2020 cho thấy trong giai đoạn tới định hướng nghiên cứu LSNG phải tập trung: xác định rõ vai trò, giá trị và tác động của LSNG đối với sinh kế và bảo tồn rừng; Bảo tồn có hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên LSNG hiện có góp phần nâng cao chất lượng rừng giai đoạn 2011-2020; Nghiên cứu, rà soát, đánh giá hiện trạng tài nguyên LSNG làm cơ sở đề xuất quy hoạch, cơ cấu vùng sản xuất gắn với công nghiệp chế biến trong toàn quốc; Quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu LSNG gắn với mạng lưới các cơ sở chế biến có quy mô phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng kinh tế - sinh thái; Chọn lọc và nâng cao chất lượng giống cây trồng LSNG theo hướng năng suất, chất lượng, ổn định và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay để cung cấp giống tốt cho sản xuất; Xác định cơ cấu cây trồng lâm sản ngoài gỗ chủ lực, có thế mạnh, phù hợp với điều kiện của từng vùng kinh tế - sinh thái theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và tính bền vững của rừng trồng; Nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm LSNG theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; Nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và thiết bị khai thác, sơ chế, chế biến và bảo quản các sản phẩm LSNG theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị và hiệu suất sử dụng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu; Nghiên cứu xây dựng các cơ sở để đề xuất các chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng, đầu tư và phát triển bền vững tài nguyên LSNG.

Có thể thấy, LSNG như mọi sản phẩm lâm nghiệp khác, nó là một bộ phận quan trọng, đóng góp quan trọng cho giá trị sản xuất của ngành. LSNG sẽ là một trong những lĩnh vực quan trọng đóng góp vào sự thành công của đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp khi có định hướng nghiên cứu đúng, phù hợp và được đầu tư thích đáng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực