(ĐCSVN) - Thời gian qua, Thái Nguyên đã không ngừng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ có diện tích tự nhiên 353.318,91 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 294.011,32 ha, chiếm 83% tổng diện tích tự nhiên. Điều kiện về địa hình, đất đai, thời tiết, khí hậu tạo thuận lợi cho tỉnh phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đây cũng là những tiềm năng để phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai ứng dụng KHCN trong nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên, việc thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2011- 2014 trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch từ nông nghiệp sản xuất truyền thống, tự cung tự cấp sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, ngành đã triển khai dự án ứng dụng KHCN xây dựng mô hình trồng thâm canh một số giống chè mới theo quy trình VietGAP; thực hiện mô hình trồng một số giống lúa thuần chất lượng cao; mô hình thâm canh giống ngô mới, sản xuất một số giống cây rau màu (khoai tây giống, cà chua). Bên cạnh đó, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất giống cây trồng sạch bệnh, năng suất, chất lượng tốt, phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương như: cây ăn quả, hoa chất lượng cao, cây dược liệu, các loại rau, lúa đặc sản…đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Song song với đó, ngành đã tiến hành áp dụng các biện pháp canh tác kết hợp phòng trừ bệnh hại, trên cây lúa là các mô hình canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI; sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong quy trình sản xuất các nông sản, ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông sản an toàn. Nhờ áp dụng giống mới và biện pháp canh tác tiên tiến mà năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng gia tăng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã tiến hành ứng dụng KHCN nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao, cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, ứng dụng mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn theo quy trình VietGAP. Đồng thời, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực lai tạo giống, truyền giống đưa tỷ lệ bò lai sind đạt 35%, lợn nái ngoại, lợn nái lai đạt 43%.
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành đã triển khai thực hiện và bước đầu thành công trong nhiều dự án nghiên cứu, sản xuất các loại thủy sản có giá trị. Tiêu biểu như dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm ba ba Thái Lan, dự án nghiên cứu khả năng thích nghi của cá Tầm và cá Hồi trên địa bàn tỉnh,…Bên cạnh việc triển khai thực hiện các dự án trong nuôi trồng thủy sản, ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống và nhập các giống cá mới để hoàn chỉnh cơ cấu đàn, nâng cao chất lượng đàn cá giống bố mẹ trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ biogas xử lý chất thải kết hợp chạy máy phát điện, ứng dụng công nghệ EM (vi sinh vật hữu hiệu) xử lý môi trường trang trại chăn nuôi; sử dụng phân bón hữu cơ xanh cho chè và rau trên địa bàn tỉnh,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại. Trong đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành của tỉnh trong hoạt động KHCN còn hạn chế; hoạt động lồng ghép của các dự án KHCN với các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội chưa nhiều, hiệu quả chưa cao. Đồng thời, chưa tạo được sự gắn kết cao giữa khoa học – đào tạo, giữa nghiên cứu - ứng dụng, nhân rộng sản xuất, kinh doanh; giữa cơ quan Trung ương với địa phương và giữa Nhà nước – khoa học – doanh nghiệp – người dân. Mạng lưới các tổ chức KHCN trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa hiệu quả.
Thêm vào đó, tỉnh vẫn chưa xây dựng và hình thành được các khu nông nghiệp công nghệ cao; vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn nhỏ lẻ, phân tán; các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa nhiều, quy mô nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Công tác tuyên truyền phổ biến và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống còn hạn chế về số lượng và chất lượng.
Song song với đó, thị trường KHCN của tỉnh vẫn còn hạn hẹp; nhiều doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ sản xuất, chủ yếu do khó khăn về tài chính. Nhiều dự án đầu tư, doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, dẫn đến sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn đầu tư tài chính cho KHCN còn hạn chế, chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước.
Nhằm thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên, trong thời gian tới, ngành sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực. Cụ thể, về lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN nhằm tăng năng suất và đảm bảo nâng cao chất lượng, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm trồng trọt, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, xây dựng nhiệm vụ KHCN tập trung vào việc nghiên cứu chọn tạo và ứng dụng các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, thích ứng rộng với điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu của tỉnh đối với các đối tượng cây trồng chủ lực như: cây lúa, ngô, chè, rau, hoa, cây ăn quả.
Trên lĩnh vực bảo vệ thực vật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng quản lý sâu bệnh tổng hợp, gắn với công tác quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chọn giống và quy trình canh tác tổng hợp theo từng loại đối tượng cây trồng. Trên lĩnh vực chăn nuôi, thú y, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, sử dụng thức ăn chăn nuôi, xử lý môi trường chăn nuôi. Nghiên cứu, ứng dụng thiết kế mẫu chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ, gia trại, trang trại; dây chuyền công nghệ giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; nghiên cứu vắc xin, thuốc thú y, hóa chất khử trùng tiêu độc, chế phẩm sinh học và quy trình phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Về lĩnh vực thủy sản, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN về giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, quy trình kỹ thuật nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Nghiên cứu quy trình quản lý, quy trình kỹ thuật sản xuất thủy sản hàng hóa đối với hồ chứa thủy lợi. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, triển khai các nhiệm vụ KHCN phát triển các giống cây lâm nghiệp sinh trưởng nhanh, cây bản địa làm gỗ lớn, cây lâm sản làm gỗ có giá trị, sức cạnh tranh cao, cây dược liệu, quy trình công nghệ chế biến gỗ, lâm sản.
Bên cạnh những nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường nguồn lực cho tỉnh thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng KHCN để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Đồng thời, đề nghị xây dựng cơ chế chính sách riêng cho các hoạt động KHCN ở các tỉnh khu vực Trung du, miền núi thông qua việc hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm thu hút hơn nữa hoạt động của các đơn vị này đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn./.