(ĐCSVN) - Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân và cải thiện bộ mặt hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, địa phương vẫn cần nhiều công tác cần tiếp tục triển khai.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: baothanhhoa.vn) |
Thanh Hóa nằm ở vùng Bắc Trung bộ có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp 872.179ha, đồng thời với đặc điểm địa hình đa dạng, các vùng địa hình khác nhau; thời tiết khí hậu vừa có tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, vừa có mùa đông lạnh phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Những đặc điểm trên cũng tạo điều kiện cho tỉnh có nhiều thuận lợi cơ bản, có khả năng và điều kiện phát triển ngành nông nghiệp với sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú, đặc biệt là sản xuất lương thực và cây công nghiệp phục vụ các nhà máy chế biến.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện. Trong đó, sản xuất nông nghiệp phát triển trên các lĩnh vực, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, trong nội bộ ngành cũng có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao hiệu quả và gắn với nhu cầu thị trường; giá trị trên một đơn vị diện tích tăng lên.
Bên cạnh đó, đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn nhìn chung được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng, nhất là trường học, giao thông, thủy lợi, nước sạch, mạng lưới điện và hệ thống thông tin được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng đem lại lợi ích thiết thực; an ninh trật tự xã hội được giữ gìn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã tạo được bước chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới.
Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã và đang tiếp tục được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả như: lai tạo thành công giống lúa 2 dòng Thanh ưu 3, làm chủ quy trình sản xuất hạt giống lúa lai F1,... Thêm vào đó, Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân ly giới tính trong sản xuất giống bò sữa cao sản. Hàng năm đã chủ động sản xuất được khoảng 1 triệu cua giống, 20 triệu giống tôm sú giống, chiếm 10% nhu cầu giống tôm sú trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đã ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống thông tin địa lý, giúp quản lý về cơ sở dữ liệu của 629.000ha rừng; ứng dụng công nghệ nhân vô tính, nuôi cấy mô thực vật, vi ghép trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả.
Bên cạnh đó, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cũng được áp dụng trong lĩnh vực môi trường sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tập trung vào các lĩnh vực: đánh giá thực trạng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gia trại và trang trại, các giải pháp công nghệ xử lý chất thải trang trại chăn nuôi lợn sản xuất phân bón, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ nhân rộng kết quả xây dựng hầm Biogas theo công nghệ mới trong chương trình sử dụng khí sinh học ở nông thôn; nghiên cứu hiện trạng, dự báo nguy cơ sụt lún, sạt lở đất và giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại,…
Thông qua hoạt động nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu của các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh: nghiên cứu xác lập hệ thống tiêu chí làng, bản văn hóa phát triển bền vững với các vùng miền, đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình nông thôn mới; ứng dụng khoa học công nghệ nhân rộng mô hình “câu lạc bộ hụ nữ giảm nghèo” nhằm nâng cao đời sống hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ tại Thanh Hóa. Các kết quả nổi bật về phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã góp phần quan trọng tạo nên thành tựu chung của công cuộc đổi mới, tạo ra sự ổn định để phát triển kinh tế xã hội.
Cũng theo UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, tỉnh có trên 7.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 6% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Việc tiếp cận, hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ nói chung, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế.
Nhằm để công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có hiệu quả, góp phần phát huy thế mạnh, tiềm năng xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, thực hiện hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn 2015-2020, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, địa phương sẽ đẩy mạnh nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về đổi mới cơ chế chính sách trên cơ sở khuyến khích các đơn vị sự nghiệp khoa học thuộc ngành nông nghiệp nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng tự chủ cao hơn về tổ chức bộ máy, tài chính, có cơ chế gắn chặt sản phẩm do tỉnh giao, sản phẩm nghiên cứu cụ thể và sản phẩm ứng dụng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, hoặc chủ trì thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ; thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nông nghiệp có năng lực đủ mạnh để thực hiện vai trò nòng cốt, hướng dẫn công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Mặt khác, thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng ra các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tập trung vào việc phát triển các lĩnh vực chủ yếu, các sản phẩm có lợi thế so sánh và có thị trường tốt như: các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và chống chịu sâu bệnh; giống vật nuôi chủ lực trong chăn nuôi, chế tạo thiết bị bảo quản phục vụ hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ,…
Song song với đó, đầu tư đúng mức cho hợp tác nghiên cứu, triển khai để thích ứng các công nghệ mới nhập vào tỉnh. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ khoa học công nghệ nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để nhanh chóng làm chủ công nghệ mới. Xây dựng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; thu hút thanh niên, tri thức trẻ về nông thôn, nhất là các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa.
Ngoài ra, tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác ở nông thôn; xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh./.