(ĐCSVN) - Trong những năm qua, công tác giống phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn được quan tâm, chú trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: baothanhhoa.vn) |
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn. Trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt 482.081 ha, diện tích đất lâm nghiệp 436.360 ha, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 18.350 ha,…
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh cần 7.500 tấn lúa giống thuần các loại, 4.000 tấn lúa giống lai các loại, 1.000 tấn giống ngô; 2.600 tấn giống lạc, 560 tấn đậu tương. Đồng thời, tổng nhu cầu sử dụng cây giống phục vụ trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán bình quân trên 30 triệu cây giống/năm. Trong đó, nhu cầu sử dụng cây giống chất lượng cao từ nhân giống sinh dưỡng khoảng 2 triệu cây/năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, thời gian qua, công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh các loại giống luôn được chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng giống và đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cụ thể, về sản xuất giống cây nông nghiệp, diện tích liên kết sản xuất giống lúa lai các loại bình quân đạt 600 ha/năm, sản lượng đạt 1.300 tấn. Diện tích liên kết sản xuất giống lúa thuần đạt 2.000ha, sản lượng 10.000 tấn, sử dụng giống nội địa trong tỉnh khoảng 3.000 tấn, chuyển cho các đơn vị kinh doanh tiêu thụ khoảng 7.000 tấn; liên kết sản xuất giống ngô lai F1 đạt 285 ha, sản lượng đạt 1.425 tấn.
Bên cạnh đó, các Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng đã nghiên cứu được một số loại giống mới. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp đã tạo thành công 2 loại giống lúa được công nhận giống quốc gia, 2 giống được công nhận sản xuất thử; thu nhập, bảo tồn và duy trì nhiều dòng, nguồn vật liệu tốt. Trung tâm giống lâm nghiệp đã làm chủ quy trình ươm, nhân các loại giống nhập nội như keo Úc, bạch đàn, thông, mác ca,…Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi đã chuyển giao thành công công nghệ truyền tinh nhân tạo, lai tạo giống bò thịt chất lượng cao. Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống thủy sản đã sản xuất đạt hàng triệu con giống các loại và hướng dẫn quy trình sản xuất cho các hộ nuôi đạt kết quả cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, giai đoạn 2015-2020, công tác sản xuất giống trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển theo hướng ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, chọn tạo thành công nhiều loại giống cây con có năng suất, chất lượng tốt phục vụ sản xuất. Đồng thời, duy trì và phát huy các loại giống cây, con bản địa quý hiếm vừa tạo ra sản phẩm đặc sản có lợi thế cạnh tranh, đồng thời tạo sự đa dạng sinh học và bảo tồn quỹ gen. Du nhập nhanh các loại giống cây con có ưu thế tiên tiến trên thế giới và trong nước, nhất là các giống biến đổi gen, làm chủ công nghệ sản xuất thương phẩm và sản xuất giống để tăng nhanh sản lượng, hiệu quả kinh tế.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, các giải pháp được đưa ra gồm: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của địa phương về sản xuất và kinh doanh giống. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền tập trung tới tất cả các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh về hệ thống các quy định của Nhà nước. Về khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, thực hiện việc du nhập, lựa chọn bộ giống mới hoặc nguồn vật liệu khởi đầu đưa vào nghiên cứu để chọn tạo các giống mới cho ưu điểm nhằm thay thế các giống cũ. Liên kết với đơn vị khoa học trong và ngoài tỉnh chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất giống cho các đơn vị có chức năng sản xuất giống trong tỉnh và cho nhân dân vùng sản xuất giống.
Bên cạnh đó, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất trình diễn các giống mới đã được công nhận chính thức hoặc công nhận cho sản xuất thử, làm cơ sở đánh giá và đưa vào bộ giống của tỉnh nhằm đa dạng hóa bộ giống, chống độc quyền, giảm giá hợp lý để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất giống, tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thiết bị cho các vùng sản xuất giống tập trung. Đặc biệt, chú trọng vào hệ thống kênh mương nội đồng đảm bảo tưới, tiêu chủ động bằng hình thức tự chảy. Mặt khác, đối với sản xuất giống, hướng dẫn cụ thể các điều kiện, thủ tục về sản xuất giống khi tổ chức cá nhân đăng ký sản xuất; kiểm tra nguồn gốc giống bố, mẹ, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm định đồng ruộng, kiểm nghiệm và hậu kiểm lô giống. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các địa điểm kinh doanh giống trước khi bước vào vụ sản xuất, kiên quyết thu hồi hoặc cấm kinh doanh các lô giống không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Thêm vào đó, tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống khuyến nông và các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong sản xuất kinh doanh giống. Các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp là chủ đầu mối để ký hợp đồng sản xuất và cung ứng giống cho nhân dân, đơn giản hóa tối đa các thủ tục mua bán giống sản xuất cho người dân./.