(ĐSCVN) - Lâu nay, ngành lúa gạo Việt Nam chỉ tập trung chạy theo thành tích xuất khẩu về số lượng. Song có lẽ, đằng sau cái nhất, cái nhì về lượng đó, đã đến lúc cần có định hướng thị trường để nâng cao giá trị hạt gạo Việt.
Theo
|
TS. Nguyễn Đức Thành- Giám đốc Trung tâm Nguyên cứu Kinh tế và Chính sách (Ảnh: M.P) |
TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, sản lượng và năng suất lúa gạo của nước ta không ngừng tăng. Lượng gạo sản xuất ra lại được bổ sung bằng việc tăng diện tích trồng vụ 3. Chính vì vậy, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo đã tăng mạnh từ 2005 đến nay, song chất lượng gạo xuất khẩu thấp; gạo trắng dài, từ 10% tấm trở lên chiếm hơn 40% sản lượng gạo xuất khẩu.
Trong toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành lúa gạo, cấu trúc thị trường biến động rất mạnh ở mỗi khâu, trong đó quyền lực tập trung chủ yếu ở các nhà xuất khẩu (từ việc ra chính sách cho đến tư tưởng vận hành của cả hệ thống này).
Sản xuất gạo ở Việt Nam đang được trợ cấp nhiều về thủy lợi, hạ tầng. Khoản hỗ trợ này không được đưa vào giá gạo. Vì thế, khi xuất khẩu gạo ra nước ngoài thì vô hình trung đã trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. Hơn nữa, việc trợ cấp khiến ngành lúa gạo Việt Nam có xu hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, đồng thời đang phải xuất khẩu với giá thấp. Chính sách quy định giá sàn thu mua lúa gạo không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân mà còn cản trở nông dân trồng những loại lúa chất lượng cao.
Ông Thành cho rằng, nên cân nhắc kỹ việc xuất khẩu gạo vì hiện nay, ngành này không phải là ngành có rủi ro thấp và lợi nhuận cao.
Xu hướng đẩy mạnh tối đa lượng xuất khẩu gạo như là một thành tích lớn cho tăng trưởng thương mại cũng như cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam không còn phù hợp nữa.
Bởi lẽ, xuất khẩu gạo phải có hiệu quả thực sự về mặt hàng hóa. Trong khi đó, gạo của Việt Nam đang còn trợ cấp rất nhiều, khi xuất khẩu ồ ạt, mặt hàng chúng ta trợ cấp sẽ tự giẫm lên chân mình.
Đáng chú ý, theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, do năng suất lúa gạo được cải thiện liên tục trên thế giới và dân số sẽ bão hòa nên đến khoảng 2030, khả năng lượng cung gạo trên thế giới sẽ vượt cầu. Như vậy, việc xuất khẩu gạo sẽ trở nên rất khó khăn. Chúng ta cần có sự thay đổi trong tư duy cũng như rất thận trọng về mặt chiến lược ngay từ bây giờ.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: K.V) |
Thị trường lúa gạo Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các tổng công ty lớn như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1)… thông qua Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam. Song hành với đó là chính sách thiên về lối tư duy cũ (đẩy mạnh xuất khẩu…). Điều này chưa bắt kịp với biến động rất nhanh của thị trường lúa gạo trong nước cũng như quốc tế. Vì vậy, theo nhận định của các chuyên gia, các chính sách hiện nay cần phải được cải thiện và tăng cường nhiều hơn quyền lợi, tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân và các nhóm liên kết với nông dân.
Bên cạnh đó, lấy khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức lại sản xuất, đổi mới chính sách thể chế và tăng quy mô sản xuất để tạo ra đột phá về sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Qua đó, đảm bảo thu nhập và quyền lợi chính đáng cho người sản xuất – kinh doanh kúa gạo và địa phương sản xuất lúa.
Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách để kêu gọi doanh nghiệp gắn kết hơn nữa vào chuỗi sản xuất lúa gạo hiện nay, trong đó có tính đến yếu tố bao tiêu sản phẩm và xúc tiến thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải gắn kết hơn nữa đối với bà con nông dân, doanh nghiệp phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại để khai thác những thị trường xuất khẩu ổn định, từ đó quay lại ký hợp đồng với các hợp tác xã, địa phương để sản xuất những sản phẩm mà doanh nghiệp cần có như vậy sản xuất mới bền vững.
Để thay đổi tư duy trong sản xuất lúa gạo nhiều năm qua, quan điểm toàn ngành nông nghiệp đó là đổi mới tổ chức lại sản xuất, đổi mới chính sách thể chế và tăng quy mô sản xuất nhằm tạo sự đột phá về sức cạnh tranh lúa gạo Việt Nam; đảm bảo thu nhập và quyền lợi cho người sản xuất, kinh doanh lúa gạo và địa phương sản xuất lúa; phát triển ngành lúa gạo dựa trên cơ chế thị trường. Các nội dung cụ thể sẽ được triển khai gồm sử dụng các giống lúa chất lượng có giá trị hàng hóa cao, chống chịu sâu bệnh hại tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật bảo quản, chế biến sau thu hoạch tiên tiến nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; xây dựng hệ thống nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đủ năng lực để tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp...