Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn để xuất khẩu

Thứ năm, 30/10/2014 21:02

(ĐCSVN) - Với mục tiêu xây dựng, phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ngày 30/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo góp ý đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn để xuất khẩu tại tỉnh Nam Định và Thái Bình”.

Nam Định và Thái Bình là hai địa phương sẽ thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn để xuất khẩu (Ảnh minh họa: HNV)


Theo thông lệ quốc tế, các nước có dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm thịt lợn. Muốn xuất khẩu được thịt lợn phải đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc từ vùng hoặc cơ sở an toàn dịch bệnh theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Bởi vậy, đề án trước mắt tập trung xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi lợn tập trung an toàn dịch bệnh đối với hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn là bệnh lở mồm long móng (LMLM) và dịch tả tại hai tỉnh Nam Định và Thái Bình. Các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên sẽ đáp ứng các yêu cầu an toàn dịch bệnh của OIE (Tổ chức Thú y thế giới), đảm bảo chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, Nam Định và Thái Bình sẽ hoàn thành việc khống chế, thanh toán bệnh LMLM, dịch tả và xây dựng hồ sơ thủ tục trình OIE công nhận an toàn dịch bệnh.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Hai địa phương trên cũng sẽ hình thành chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm của lợn từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, cơ sở giết mổ, chế biến, hệ thống cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đồng thời xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm của vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Với mục tiêu sản phẩm thịt lợn sẽ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu xuất khẩu, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho rằng: đề án cần định hướng các thị trường sản phẩm thịt lợn sẽ xuất khẩu vào, tìm hiểu kỹ các quy định của thị trường đó về công tác thú y, kiểm dịch..., trên cơ sở đó đặt ra mục tiêu cho đề án.

Góp ý cho đề án, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng: đề án cần tập trung vào 4 nội dung, gồm rà soát quy hoạch vùng, trang trại chăn nuôi; tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tổ chức công tác quản lý dịch bệnh và tổ chức thị trường tiêu thụ theo hướng xuất khẩu.

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, đề án phải huy động được sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn về thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại cần được đặc biệt coi trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, muốn xuất khẩu được sản phẩm thịt lợn trước hết cần đáp ứng được tiêu chuẩn của OIE. Do vậy, ngay từ đầu đề án phải tiếp cận được với các quy trình kỹ thuật của OIE. Về kinh phí thực hiện đề án, Thứ trưởng cũng cho biết: Đề án sẽ không có kinh phí riêng để thực hiện, do đó các Cục, Vụ và các địa phương liên quan cần lồng ghép các chương trình, dự án của Bộ, địa phương đã và sẽ có nhằm có sự hỗ trợ trong công tác tiêm phòng vắc xin, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học,.../.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực