Thử nghiệm mô hình sản xuất một số giống lúa kháng rầy lưng trắng

Thứ năm, 13/11/2014 10:15

Nhóm cán bộ nghiên cứu của Trường Đại học Nông lâm Huế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa làm Chủ nhiệm đề tài vừa thử nghiệm thành công đề tài khoa học và công nghệ "Thử nghiệm mô hình sản xuất một số giống lúa kháng rầy lưng trắng".
 
Kết quả đề tài đã chọn được 5 giống lúa kháng rầy lưng trắng là: ĐT34, Quảng Nam 1, Q5, PC6 và HP28. Ngoài kháng rầy, hai giống lúa ĐT34 và PC6 có phẩm chất gạo tốt.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: baothuathienhue.vn) 


Để phục vụ cho việc nghiên cứu tính kháng của các giống lúa với quần thể rầy lưng trắng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ tháng 8/2012 đến nay, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập 38 giống lúa chuẩn nhiễm và chuẩn kháng rầy đang được gieo trồng ở Thừa Thiên - Huế và các tỉnh miền Trung, làm chỉ thị cho các thí nghiệm đánh giá trong phòng thí nghiệm và nhà lưới. Cụ thể, rầy hút từ ruộng lên được cho vào lồng nuôi sâu có chứa khay mạ 10 -15 ngày tuổi, sau đó chuyển về phòng thí nghiệm để tiếp tục nuôi quần thể. Tại đây, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tách quần thể theo tuổi rầy ra và cho vào các lồng nuôi khác nhau. Đặt lồng nuôi rầy ở nhiệt độ phòng, quan sát và thay thức ăn hàng tuần cho các lồng nuôi khi thấy cây mạ héo. Sau khi nuôi 3 thế hệ, rầy được sử dụng để tiến hành đánh giá.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về tuyển chọn các giống lúa kháng rầy lưng trắng trong phòng thí nghiệm và đưa vào sản xuất trên đồng ruộng, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất kháng rầy đối với giống lúa ĐT34 và PC6 trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Cùng với việc tập huấn sản xuất giống lúa kháng rầy cho nông dân trong vụ đông xuân 2013-2014, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành biên tập nội dung tờ rơi về quy trình sản xuất giống lúa ĐT34 và PC6 kháng rầy lưng trắng để cung cấp thông tin cho người dân vùng nghiên cứu và phổ biến quy trình đến nông dân để ứng dụng trong thời gian tới.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện tại cần mở rộng sản xuất các giống PC6 và ĐT34 tại Thừa Thiên - Huế theo quy trình kỹ thuật đã được thực nghiệm và hoàn thiện, thường xuyên nghiên cứu để có định hướng sử dụng giống kháng rầy phù hợp tại địa phương. Từ kết quả vụ đông xuân, mô hình sản xuất các giống lúa PC6 và ĐT34 có thể ứng dụng trong vụ hè thu nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất các giống lúa kháng rầy, hướng đến việc sản xuất lúa bền vững tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa cho biết: Những năm gần đây, sự tác động của biến đổi khí hậu đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với sự xâm nhập mặn, sa mạc hóa làm cho diện tích đất trồng lúa bị sụt giảm nghiêm trọng thì sự xuất hiện các đối tượng dịch hại mới, sự bùng phát của các đối tượng dịch hại thứ yếu cũng là một trở ngại lớn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Trong số các loài sâu hại lúa hiện nay thì rầy lưng trắng (Sogatella furcifera Horvath) là một trong những đối tượng sâu hại nguy hiểm nhất.

Việc thử nghiệm thành công mô hình sản xuất một số giống lúa kháng rầy lưng trắng giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế và các địa phương ở miền Trung có quy trình sản xuất các giống lúa kháng rầy lưng trắng có chất lượng cao, hạn chế bệnh lùn sọc đen hại lúa, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ rầy, đảm bảo an ninh lương thực, tiến đến sản xuất lúa theo hướng hàng hóa.../.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực