Thúc đẩy liên kết để góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản của các trang trại ở Trung Bộ

Chủ nhật, 31/08/2014 10:42

(ĐCSVN) - Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung và kinh tế trang trại (KTTT) nói riêng, do các đặc thù của sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu liên kết giữa các thành phần, các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất nhằm hạn chế bất lợi là điều rất cần thiết và cấp bách.

Đa dạng hoá hình thức liên kết

Trong những năm qua, kinh tế trang trại (KTTT) trên địa bàn khu vực duyên  hải Nam Trung bộ đã có những bước phát triển khá. KTTT đã bước đầu khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; góp phần làm tăng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – thủy sản;  thúc đẩy thị trường nông nghiệp phát triển;  tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến; tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho dân chúng; tạo ra một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; mở ra hướng làm ăn mới, hiện đại trong nông nghiệp, được đông đảo hộ gia đình nông dân tích cực tham gia...

 
 Nông dân tham quan khu vực sản xuất lúa giống của
Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (Nguồn: baobinhdinh.com.vn)
Tuy nhiên, quá trình phát triển KTTT trên địa bàn khu vực cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế đó là KTTT phát triển chưa ổn định và bền vững. Các mâu thuẫn giữa việc đẩy mạnh phát triển KTTT và lợi ích cộng đồng chưa được giải quyết thỏa đáng; mâu thuẫn giữa đẩy mạnh sản xuất và chế biến, tiêu thụ còn gay gắt...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song việc thiếu liên kết giữa các địa phương, giữa các trang trại và đặc biệt là giữa khâu sản xuất - tiêu thụ nông sản đang là nguyên nhân kìm hãm lớn, cần nghiên cứu khắc phục.

Do đặc điểm của trang trại vùng duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa,  hầu hết trang trại đều có từ 2-3 sản phẩm hàng hóa khác nhau. Quy mô và chất lượng nông sản không đồng đều do khác biệt về giống, kỹ thuật canh tác và cơ cấu sản phẩm nên việc tổ chức tiêu thụ gặp khó khăn. Có nhiều ý kiến cho rằng có thể phân chia hệ thống tiêu thụ nông sản của các trang trại vùng DHNTB theo đặc điểm của sản phẩm, với hai nhóm cơ bản là: Nhóm sản phẩm chủ yếu phục vụ cho chế biến công nghiệp: mía, tôm sú, sắn củ, hạt điều, nguyên liệu giấy...; Nhóm các sản phẩm chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của người dân như: lương thực, thực phẩm, rau củ, trái cây...

Đối với nhóm nguyên liệu cho chế biến công nghiệp, có hai hình thức, thứ nhất, đó là tiêu thụ trực tiếp. Đây là hình thức trang trại bán nông sản trực tiếp cho các cơ sở chế biến công nghiệp. Ở DHNTB, loại hình tiêu thụ này mới chỉ được thiết lập tại những vùng nguyên liệu tập trung của một số loại nông sản như: mía, tôm sú, hạt điều, sắn củ, nguyên liệu giấy... Với loại hình này, có thể tăng an toàn cho chủ trang trại và nhà máy, giảm thiểu được các chi phí trung gian, gắn được lợi ích của người sản xuất với nhà chế biến. Tuy nhiên, nó lại có thể gây khó khăn cho cả chủ trang trại lẫn nhà máy trong việc tổ chức và kiểm soát thực hiện hợp đồng. Thứ hai là tiêu thụ qua trung gian. Đặc điểm chung của kênh tiêu thụ này ở DHNTB là chỉ sử dụng một trung gian, thường là các đại lý hoặc các nhà buôn nông sản có mối quan hệ làm ăn lâu dài với nhà máy lẫn chủ trang trại. Trên địa bàn DHNTB có các hình thức thông dụng như: ứng trước vốn, vật tư – mua lại sản phẩm; mua đứt – bán đoạn;...

Đối với nhóm nông sản phục vụ cho tiêu dùng, đây là kênh tiêu thụ cho các loại sản phẩm này rất đa dạng, phong phú và không có sự tách biệt nào cho sản phẩm của trang trại cũng như của hộ nông dân sản xuất hàng hóa. Tại DHNTB đang tồn tại các dạng kênh tiêu thụ cho nhóm sản phẩm này như: tiêu thụ trực tiếp, người sản xuất bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các hình thức như bán tại chợ, bán cho các khách sạn, nhà hàng, quán ăn,...; Tiêu thụ qua trung gian, trên địa bàn DHNTB đang sử dụng các hình thức tiêu thụ chủ yếu như qua 1 trung gian, qua 2 trung gian;... Đặc điểm của hệ thống tiêu thụ này là khá ổn định, mối quan hệ làm ăn thường được thiết lập lâu dài dựa trên quan hệ “bạn hàng”. Những nhà buôn thường chỉ mua hàng từ một số nhà cung cấp nhất định với giá cả được xác định theo từng phiên chợ, việc mua bán “gối đầu” khá phổ biến. Bình quân có từ 60-80% khối lượng các sản phẩm phục vụ tiêu dùng được tiêu thụ qua kênh 2 cấp thông qua các nhà buôn ở các chợ đầu mối hoặc những người thu gom tại các chợ nông thôn rồi cung ứng cho hệ thống bán lẻ để bán tại các chợ hoặc bán rong trong thành phố, khu đô thị trên địa bàn. Chỉ một số ít loại nông sản được đưa đi tiêu thụ ra ngoài khu vực nhưng số lượng rất hạn chế chủ yếu là đại gia súc (trâu, bò), hoa và cây cảnh (mai, quất)... 

Nhìn chung, trên địa bàn đã có sự hình thành liên kết của các thành phần cơ bản là: trang trại – trung gian tiêu thụ – doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi giá trị. Tuy nhiên sự liên kết vẫn còn rất lỏng lẻo, chủ yếu mới ở dạng liên kết “phân chia giá trị” chứ chưa thật sự là liên kết để “tạo ra giá trị mới”. Các trung gian tiêu thụ, nhà máy chế biến chưa chủ động thiết lập liên kết với các trang trại nên ý nghĩa của “chuỗi giá trị” đối với việc tăng cường năng lực cạnh tranh cho nông sản là chưa rõ ràng.

Kết quả chưa đạt như mong đợi

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới liên kết trong chuỗi giá trị nông sản vùng DHNTB thời gian qua còn hạn chế, như: nền nông nghiệp DHNTB vẫn còn mang nặng tính sản xuất nhỏ, tự cấp tự túc, chủ yếu  sản xuất ra để tiêu dùng cho gia đình, thừa mới đem bán nên quy mô hàng hoá nông sản không lớn, cơ cấu thiếu ổn định. Do các địa phương trong vùng chưa đầu tư thích đáng cho việc mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Chưa có quy hoạch phát triển cụ thể cho từng vùng đất, từng loại cây, con nên đã dẫn đến tình trạng sản xuất bấp bênh do tự phát, không có quy hoạch khiến cho người sản xuất  và người tiêu thụ khó thiết lập được mối quan hệ làm ăn lâu dài, tiền đề để hình thành các liên kết.

Công nghiệp chế biến nông sản vùng DHNTB còn thấp kém cả về quy mô, trình độ công nghệ và năng lực sản xuất. Nông sản dành cho xuất khẩu cũng chưa nhiều vì khả năng cạnh tranh của vùng chưa cao từ giá cả, chất lượng, mẫu mã đến trình độ gia công chế biến...

Về dịch vụ giống cây trồng vật nuôi, là yếu tố quan trọng nhất đối với sản xuất của trang trại, vì nó quyết định đến năng suất, chất lượng và chi phí để sản xuất ra sản phẩm. Do hệ thống cung ứng giống không được tổ chức tốt, vì chạy theo lợi nhuận nên nhiều đơn vị đã nhập về các giống chất lượng kém, không phù hợp với điều kiện của địa phương, giá lại được đẩy lên cao do mua qua bán lại nhiều vòng, gây thiệt hại và lãng phí lớn cho người sản xuất. Thiên tai lũ lụt thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn nhưng bảo hiểm chưa thực sự phát huy tác dụng cũng là một nguyên nhân kìm hãm việc hình thành và phát triển của KTTT trên địa bàn khu vực thời gian qua.

Sự hợp tác và hỗ trợ tiêu thụ của các cơ sở thu mua, nhà máy chế biến với trang trại trong “chuỗi giá trị nông sản” chưa được thiết lập thường xuyên nên toàn bộ rủi ro trong tiêu thụ chủ trang trại đều phải gánh chịu.

Cần đẩy mạnh liên kết hơn nữa

Để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung bộ, cần khuyến khích hình thành các trang trại liên kết. Do đặc điểm đất đai manh mún, quy mô nhỏ nên để có thể hình thành trang trại gia đình trong điều kiện kinh tế ngành nghề ở nông thôn chưa phát triển ở khu vực DHNTB thì vấn đề tích tụ đất đai đủ đến quy mô trang trại là rất khó. Để giải quyết vấn đề này, có thể hình thành các trang trại liên kết “nông dân – nông dân”. Trên cùng cánh đồng, các hộ gia đình sẽ góp đất để phát triển sản xuất theo kế hoạch thống nhất chung, cùng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm sau khi đã chia phần sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình. Các hộ gia đình có thể góp toàn bộ ruộng đất, cũng có thể chỉ góp một phần diện tích đất đai ở khu vực thích hợp còn phần đất đai khác họ có thể sản xuất theo nhu cầu riêng của hộ gia đình. Trang trại liên kết sẽ được giao cho một người uy tín đứng ra chịu trách nhiệm chung trong việc tính toán bố trí sản xuất, lập kế hoạch đầu tư, tổ chức tiêu thụ sau khi đã được các hộ gia đình thông qua. Lao động tham gia vào hoạt động của trang trại này có thể là lao động của các hộ gia đình, họ vẫn được trả lương như lao động thuê muớn hoặc được khấu trừ vào các khoản chi phí hoạt động của trang trại khi phân chia kết quả cuối cùng.

Hình thành các trang trại liên kết “trang trại – nông dân”. Một hình thức liên kết khác, đó là một trang trại có uy tín tiến hành ký hợp đồng cam kết với các hộ nông dân trong vùng về việc sử dụng ruộng đất theo kế hoạch sản xuất chung, việc tiến hành canh tác vẫn giao cho hộ gia đình thực hiện. Tùy theo quy mô và trình độ sản xuất, các trang trại có thể chỉ  liên kết về kế hoạch sản xuất và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Những nơi trình độ cao hơn, liên kết được mở rộng sang việc trang trại cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật, quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và tổ chức tiêu thụ cho nông dân.

Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học với trang trại. Nhìn chung, tỷ lệ đầu tư về khoa học kỹ thuật trên từng đơn vị nông sản của các trang trại vùng DHNTB còn thấp, có rất ít cơ quan khoa học nào chủ động tham gia vào thị trường này. Để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản của các trang trại trong vùng, trong tương lai cần giải quyết tốt hơn nữa mối liên kết giữa các “nhà khoa học” với “nhà nông”. 

Khuyến khích các đơn vị cung cấp tín dụng nông thôn cùng với hiệp hội các nhà sản xuất thành lập các “hợp tác xã dịch vụ cổ phần” nhằm đảm bảo cung ứng vật tư và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Mô hình hợp tác xã này được thành lập trên cơ sở góp vốn của các chủ trang trại, nông dân, các nhà máy chế biến nông sản, các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và quan trọng nhất là ngân hàng. Các hợp tác xã này không đặt ra mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà chủ yếu là để điều phối lợi ích cho các bên tham gia vào “chuỗi giá trị nông sản”, tạo điều kiện để các bên hoạt động tốt nhất. Nhà nước cần có cơ chế miễn thuế môn bài và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các loại hình hợp tác xã tự sản tự tiêu này để khuyến khích phát triển.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực