Tiền Giang: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới

Thứ sáu, 17/04/2015 17:53

(ĐCSVN) - Thời gian qua, nhằm phát triển ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, ngành khoa học công nghệ (KHCN) đã được Tiền Giang chú trọng nghiên cứu và ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng nông sản và cải thiện điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa những lợi thế sẵn có của địa phương, công tác KHCN trên địa bàn tỉnh vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu và cải tiến.

Ảnh minh họa (Ảnh: baoapbac.vn)


Theo UBND tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN cho sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, các tiến bộ kỹ thuật được tiếp tục triển khai trên diện rộng như: chương trình “1 phải 5 giảm”; công nghệ sinh thái, cơ giới hóa trong sản xuất lúa, sản xuất theo hướng GAP. Đồng thời, việc triển khai thực hiện mô hình “cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu, bệnh virus trên lúa” với 2.000ha/1.000 mô hình đã giúp tăng lợi nhuận thêm từ 1,9-2,5 triệu đồng/ha; các dự án khuyến nông về sản xuất lúa theo phương thức cải tiến như giảm lượng giống gieo sạ còn 100-120 kg/ha, giảm phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật đã giúp nông dân thu lợi hơn 20 triệu đồng/ha/vụ.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai các chương trình phát triển toàn diện cây ăn trái, trong đó có nhiều đề tài ứng dụng KHCN trong việc chọn giống, phát triển cây trồng. Tiếp tục ứng dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc – thu hoạch, tuyển chọn – phục tráng các giống cây có chất lượng cao, quy hoạch – cải tạo vườn cây đặc sản, nhân giống cây đầu dòng cung cấp cho nông dân. Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm trừ sâu sinh học, các biện pháp phòng trừ tổng hợp để phòng ngừa bệnh trên cây trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Triển khai tập huấn, tổ chức hội thảo chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện các mô hình trình diễn sản xuất rau màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất rau màu và cây ăn trái của địa phương.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, các đề tài, dự án phần lớn được nghiên cứu, ứng dụng trên đàn heo, bò, dê và gia cầm. Đặc biệt nâng cao năng lực trong việc áp dụng kỹ thuật gieo tinh nhân tạo nhằm cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng, đàn giống gia súc hiện có của địa phương. Đồng thời, sử dụng các chế phẩm sinh học giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn của gia súc, gia cầm; ứng dụng công nghệ sinh học để nghiên cứu và áp dụng quy trình tiêm phòng tiên tiến. Ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp kỹ thuật để giám sát vi rút cúm gia cầm, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch vùng chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học để bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trên lĩnh vực thủy sản, địa phương đã thành công trong việc sản xuất nghêu giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo, nhờ đó đã cung cấp cho thị trường trên 100kg nghêu giống/năm – bình quân 50.000 con/kg; phát triển sản xuất và cung cấp hàng hóa giống tôm càng xanh, cá thát lát, lươn,…Trên lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất thu hoạch và sau thu hoạch; hiện, máy gặt đập liên hoàn đã dần thay thế máy gặt xếp dãy và máy tuốt lúa.

Trên lĩnh vực khuyến nông, tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sử dụng thuốc có nguồn gốc vi sinh và nấm đối kháng, giúp hạn chế một số bệnh gây thối rễ trên cây ăn trái, rau màu; sử dựng thuốc trừ sâu sinh học, các biện pháp phòng trừ dịch, bệnh tổng hợp. Ngoài ra, còn tập trung hỗ trợ các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây trồng và ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi đảm bảo ATVSTP và bảo vệ môi trường. Hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học, mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng bã thải sinh học để tăng năng suất cho cây trồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo UBND tỉnh Tiền Giang, công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, hệ thống cơ quan, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN về lĩnh vực nông ngiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học vẫn còn thiếu và yếu. Một số đề tài, dự án sau khi nghiệm thu không thể đưa vào ứng dụng do phạm vi nghiên cứu còn hẹp hoặc thiếu kinh phí. Đồng thời, kinh phí dành cho nghiên cứu, ứng dụng còn ít, phân bổ dàn trải. Kết quả từ nghiên cứu đến sản xuất thử nghiệm và sản xuất hàng hóa gặp nhiều trở ngại do thiếu kinh phí đầu tư, nhiều rủi ro.

Thêm vào đó, một số ngành, địa phương còn chưa thấy hết vai trò quan trọng của KHCN; cán bộ KHCN của doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tiếp cận những tiến bộ KHCN mới, bởi vậy, chưa có những đặt hàng và liên kết hợp tác; cơ quan quản lý KHCN của địa phương chưa có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn hiệu quả.

Nhằm triển khai, ứng dụng hiệu quả KHCN phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2015-2020, theo UBND tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đối với ngành hàng lúa gạo, đầu tư nghiên cứu về chất lượng giống; củng cố, nâng cấp và phát triển các cơ sở sản xuất giống, các tổ giống cộng đồng hiện có để đáp ứng nhu cầu về giống chất lượng cao. Đến năm 2020, phấn đấu đạt 100% diện tích gieo trồng sử dụng giống lúa cấp xác nhận, tạo sản phẩm đồng nhất với quy mô lớn, chất lượng cao.

Đồng thời, cải tạo mặt bằng đồng ruộng, mở rộng quy mô, củng cố đường nội đồng, cầu, cống để thuận tiện cho cơ giới hóa; san phẳng mặt ruộng, bằng kỹ thuật tia Laser nhằm giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước tưới và chủ động tưới tiêu kịp thời vụ. Hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi để đảm bảo chống lũ, ngăn mặn, tiết kiệm nước và chủ động tưới tiêu kịp thời vụ.

Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hình thức liên kết với doanh nghiệp để tạo các chuỗi sản xuất – tiêu thụ, chuỗi giá trị cho các nông sản, thực phẩm trong nông nghiệp và nông thôn. Cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng để kêu gọi đầu tư, liên kết kinh doanh hoặc các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất lúa gạo trong tỉnh để sản xuất đúng thị hiếu của khách hàng, đúng tiêu chuẩn, thời gian, quy mô, nhu cầu của thị trường.

Riêng ngành hàng cây ăn trái – thế mạnh của tỉnh, chú trọng phát triển cây xoài, sầu riêng, thanh long thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Trong đó, xây dựng hệ thống nhân giống đạt tiêu chuẩn, quy hoạch các cơ sở sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng để cung cấp cho nhà vườn. Tăng cường công tác dự báo và hướng dẫn phòng chống dịch hại, tập trung các đối tượng chủ lực; tổ chức xúc tiến thương mại, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, hình thành chương trình liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học để phát triển hàng hóa theo nhu cầu của thị trường.

Về chăn nuôi, tái cơ cấu ngành hàng thông qua tổ chức sản xuất theo vùng, hình thành khu chăn nuôi tập trung, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 200ha để đảm bảo phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu vật nuôi bằng việc tăng tỷ trọng đàn bò, cải thiện chất lượng giống bò cái và phát triển chăn nuôi bò theo hướng chuyên thịt, sữa từ tinh bò giống chất lượng cao. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp và tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm.

Về ngành hàng thủy sản, ngoài nhóm sản phẩm truyền thống phục vụ nội địa, chú trọng phát triển nhóm sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu như tôm, nghêu. Tăng cường kiểm tra chăn nuôi thủy sản, từng bước chủ động đối phó, phòng trừ dịch bệnh, giảm tối đa rủi ro. Hoàn thiện hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh; áp dụng tiến bộ KHCN, ứng dụng các phương thức nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước, tuần hoàn khép kín, các biện pháp thân thiện với môi trường./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực