Tiền Giang: Hiệu quả bước đầu từ áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI

Thứ ba, 11/11/2014 16:21

(ĐCSVN) – Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Tiền Giang, đơn vị này mới có đánh giá ban đầu về kết quả dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa”.

 

 Mô hình thực hiện dự án (Ảnh: Trung tâm Khuyến nông quốc gia)

Theo đó, trong vụ hè thu 2014, được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện dự án trên. Triển khai từ tháng 4-9/2014, với quy mô 60 ha/100hộ tham gia, Dự án được triển khai tại ấp Giồng Lãnh 2, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông. Nông dân chọn sử dụng giống lúa Nàng Hoa. Định mức đầu tư hỗ trợ là giống lúa NH9 100kg/ha và 30% vật tư.

Dự án đã triển khai các nội dung như: áp dụng sạ thưa, sạ hàng (mật độ gieo sạ là 100kg/ha), quản lý nước theo ngập khô xen kẻ, các giải pháp trong canh tác lúa bền vững để giảm phát thải khí nhà kính, phòng trừ dịch hại theo IPM, giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu, hướng dẫn và thực hành ghi chép sổ tay trong sản xuất lúa…

Tham gia Dự án, nông dân được tập huấn 4 lần theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để áp dụng công thức phân bón là 92N-56P2O5-48K2O, chia làm 4 lần bón (tính trên ha).

Ngoài ra, để nhân rộng mô hình, Dự án còn tổ chức 1 cuộc tham quan hội thảo đầu bờ cho 90 nông dân ở các xã Gia Thuận, Phước Trung, Tân Đông, Kiểng Phước...đến tham quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời, tổ chức 1 lớp đào tạo cho 36 nông dân ngoài mô hình ở các xã lân cận tham gia về sản xuất 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Tổng kết dự án, bước đầu cho kết quả khá khả quan. Qua 5 tháng thực hiện, Dự án đã cung cấp những kiến thức cần thiết, bổ ích cho nông dân, nông dân đã hiểu được về biện pháp 3 giảm 3 tăng“, biết được cách điều tiết nước hợp lý theo nhu cầu của cây lúa, hiểu được việc đốt đòng gây phát thải khí nhà kính...

Đặc biệt, 100% hộ sản xuất gieo với mật độ 100kg/ha, so với tập quán sản xuất cũ từ 150-180kg/ha, tiết giảm được 50 – 80 kg giống/ha, với mật độ thưa giúp cây sinh trưởng tốt hơn, giảm sâu bệnh, lá lúa không bị che sáng lẫn nhau, giảm phát thải CO2, lúa quang hợp tốt hơn.

Bên cạnh đó, nông dân biết sử dụng phân bón cân đối NPK, trong mùa mưa nông dân đã giảm lượng phân đạm để lúa cứng cây, ít đỗ ngã, hạn chế bệnh. Lượng phân urê khoảng 50kg/ha, đặc biệt giai đoạn lúa làm đòng không bón thừa phân đạm.

Hơn nữa, nhờ kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ, điều tiết nước theo nhu cầu của cây lúa, nông dân giảm được lượng nước tưới, chỉ bơm vào ruộng mực nước 5cm, sau đó theo dõi. Kỹ thuật này giúp bà con giảm đáng kể thời gian bơm nước, đặc biệt rút nước giữa vụ, giảm 2 lần bơm nước/vụ,tiết kiệm chi phí sản xuất đồng thời giảm phát sinh khí mê tan (CH4).

Đáng chú ý, do được bón phân đúng theo quy trình canh tác, liều lượng phân cân đối nên giai đoạn trước 40 NSKS lúa sinh trưởng phát triển tốt, nông dân hoàn toàn không phun thuốc trừ sâu. Đồng thời, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, trồng và chăm sóc cây khỏe, chỉ phun thuốc khi sâu bệnh đến ngưỡng gây hại, giảm chi phí thuốc và công lao động, bảo vệ thiên địch và môi trường.

Về hiệu quả kinh tế, Trung tâm khuyến nông tỉnh Tiền Giang cho hay, doanh thu của mô hình tham gia Dự án đạt 20.160.000/ha; lợi nhuận đạt 20.160.000/ha, mức lợi nhuận này cao hơn so với ngoài mô hình 6.130.000 đồng/ha. Không những thế, mô hình còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật; làm thay đổi được một số thói quen canh tác cũ như sạ trừ hao lúa chết, trừ hao ốc ăn…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực