|
Ảnh minh họa (Ảnh: VT) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Cần Thơ cho biết: thực hiện Quyết định số 580/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu, ngành nông nghiệp thành phố đã tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các mô hình trồng màu hiệu quả. Trong năm 2014, đã khuyến khích thực hiện chuyển đổi được 5.840ha từ đất lúa sang trồng cây màu có hiệu quả kinh tế cao (mô hình trồng mè, đậu nành, bắp, dưa các loại,…) với lợi nhuận đạt từ 25 triệu đồng/ha/vụ đến 40 triệu đồng/ha/vụ.
Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi heo của TP. Cần Thơ đang có xu hướng dịch chuyển từ khu vực nội thị ra khu vực nông thôn và từng bước chuyển sang nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, nhiều cơ sở chăn nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín hoàn toàn, làm mát bằng nước, thông gió bằng quạt hút, chuồng có đệm lót sinh học,…Đồng thời, phát triển đàn vịt sinh sản theo hướng an toàn sinh học, nuôi trong ao hồ, sử dụng con giống có chất lượng cao. Phát triển đàn gà đẻ trứng thương phẩm có chất lượng cao, nuôi công nghiệp, sử dụng chuồng kín hoàn toàn, chiếu sáng bằng đèn,…
Thêm vào đó, phát triển các loài đặc sản có giá trị kinh tế, tạo điều kiện cho các hộ nuôi có quy mô sản xuất kinh tế hộ gia đình vừa và nhỏ tận dụng điều kiện sẵn có tham gia sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống với các mô hình hiệu quả như: mô hình nuôi lươn, mô hình cá thát lát,… Bên cạnh đó, từng bước chuyển đổi các hộ nuôi cá tra thương phẩm quy mô nhỏ lẻ ngoài quy hoạch sang ương giống thủy sản đạt trên 500ha (góp phần cung ứng khoảng 680 triệu con giống các loại).
Đồng thời, việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu thuẩn GlobalGAP, VietGAP trên địa bàn thành phố đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu. Nhận thức của người dân về “sản phẩm sạch, chất lượng cao”, sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo môi trường nước trong nuôi thủy sản từng bước được cải thiện.
Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, cơ sở vật chất hạ tầng khu vực nông thôn của thành phố đã từng bước được hoàn thiện hơn, văn hóa giáo dục có bước chuyển mạnh mẽ; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe tiếp tục phát triển; hệ thống chính trị vững chắc, an ninh trật tự xã hội ổn định, mức độ hài lòng của người dân được nâng lên.
Ước kết quả thực hiện đến hết năm 2014, trung bình mỗi xã của thành phố đạt 14,44 tiêu chí; tăng 8,5 tiêu chí so với năm 2010; có 4/20 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của thành phố đã được 100% số xã của thành phố hoàn thành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi phát sinh và lây lan dịch bệnh như: bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, dịch rầy nâu,…đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Đồng thời, nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế; nguồn kinh phí thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, nông sản địa phương đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt đối với hàng nông sản của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước (đặc biệt là nông sản nhập khẩu chất lượng cao). Nếu không nâng cao chất lượng nông sản và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản phẩm thông qua công nghệ chế biến thì nông sản địa phương chỉ xuất khẩu được ở dạng thô với giá trị thấp và nhập nông sản có hàm lượng chế biến cao.
Bởi vậy, nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của thành phố, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời gian tới cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nhằm tạo bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững. Hoàn thiện quy trình sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và từng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, chịu ngập úng và có sức đề kháng sâu bệnh cao.
Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm phân bón, nông dược, thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sản xuất theo hướng công nghiệp, an toàn thực phẩm và môi trường; các phương pháp kỹ thuật chuẩn đoán nhanh, chính xác về sâu, bệnh, dịch hại, dư lượng thuốc và hóa chất trong nông sản hàng hóa.
Thêm vào đó, khuyến khích nông hộ, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng quy trình canh tác an toàn sinh học; quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của thành phố theo yêu cầu của thị trường về chất lượng nông sản hàng hóa, nhất là tiêu chuẩn vê vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông thông qua việc củng cố mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư từ thành phố đến xã phường và thị trấn trên cơ sở nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khuyến nông. Bố trí đầy đủ cán bộ chuyên trách nông nghiệp cho cấp xã; tổ chức tốt mạng lưới khuyến nông và cộng tác viên ở xã và ấp nhằm làm tốt vai trò hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Tăng cường chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ khuyến nông về cơ sở và ổn định mạng lưới khuyến nông viên.
Song song với đó, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất, trong đó, tiến hành nghiên cứu các loại máy nông nghiệp có công nghệ phù hợp với đặc điểm và quy mô sản xuất, trình độ quản lý và khả năng đầu tư của nông hộ. Tiếp tục chính sách hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại và hộ nông dân mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ nhu cầu cơ giới hóa và làm dịch vụ cho các hộ khác trong vùng, trong đó tập trung vào các khâu có tỷ lệ cơ giới hóa còn đang thấp. Chú trọng đầu tư cải tạo mặt bằng đồng ruộng, mở rộng quy mô đất sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung đi đôi với phát triển hệ thống giao thông vận chuyển để tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ lực, các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư, gồm: lúa gạo, cá tra, trái cây và rau, hoa quả,…nhằm triển khai đồng bộ giữa các quận, huyện của thành phố, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách hỗ trợ như vốn vay, giống, cơ giới hóa,…Nghiên cứu, đề xuất quy trình, thủ tục và các quy định trong việc thực hiện hợp đồng giữa nhà nông với các đối tượng khác, trong đó quy định rõ quyền lợi vật chất của các bên tham gia hợp đồng; tổ chức nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả.
Mặt khác, tiếp tục đổi mới cách tuyên truyền, vận động giúp nhân dân nâng cao nhận thức về lợi ích và vai trò của kinh tế tập thể trước yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt là trước sức ép cạnh tranh về quy mô số lượng, chất lượng và giá cả nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và xuất khẩu ngày một tăng./.