(ĐCSVN) – Hôm nay (5/6), tại Hà Nội, Hội nghị "Phổ biến tiến bộ kỹ thuật trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ tại các tỉnh phía Bắc” đã được tổ chức. Phương pháp này được đánh giá là mô hình hiệu quả cho nông dân quy mô nhỏ.
Ðây là công trình nghiên cứu do cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với các tổ chức quốc tế Oxfam, Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Chi cục BVTV tại một số tỉnh phía Bắc tiến hành từ năm 2008 đến 2012. Hội nghị được tổ chức đúng vào dịp Ngày môi trường thế giới (5/6 hàng năm) đã nhấn mạnh ý nghĩa và tác động tích cực đối với môi trường của phương pháp mới này.
|
Các nông dân áp dụng phương pháp trồng khoai tây mới,đại diện Cục BVTV, chuyên gia... cùng thảo luận về sáng kiến trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV) |
Báo cáo tổng quan về phương pháp này, Kỹ sư Hồ Đăng Cử, thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Cục BVTV cho biết, trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ là kỹ thuật trồng khoai tây mới ở Việt Nam, đã chứng minh được ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống như: tăng năng suất đến 27%, hiệu quả kinh tế tăng từ 13-58%, giảm tới 50% công lao động do giảm bớt khâu nặng nhất là khâu làm đất, tăng độ phì cho đất, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp và góp phần cải tạo đất trồng lúa cho vụ sau. Đặc biệt, phương pháp này có thể áp dụng với nhiều giống khoai tây khác nhau, trên nhiều loại đất, chân đất khác nhau, thậm chí đất ướt để tranh thủ thời vụ.
Được tổ chức nhân dịp Ngày môi trường thế giới (5/6 hàng năm), Hội nghị càng nhấn mạnh thêm ý nghĩa và tác động tích cực lên môi trường của phương pháp canh tác mới này. Rơm rạ được tái sử dụng cho trồng khoai tây sẽ giảm tình trạng đốt rơm rạ đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người; giảm khí thải độc hại vào môi trường, giảm gây hiệu ứng nhà kính.
Ông Ngô Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định: nếu áp dụng phương pháp này trên diện tích tiềm năng trồng khoai tây đông ở các tỉnh miền Bắc là 200.000 hecta thì sẽ giảm được 960.000 tấn khí thải mỗi vụ. Đồng thời, chất hữu cơ do rơm rạ phân hủy được để lại trong đất giúp cải tạo đất và cân bằng hệ sinh thái”. Hơn nữa, dựa trên kết quả từ 596 hecta thí điểm, nếu áp dụng phương pháp mới này, nông dân miền Bắc có thể tiết kiệm phân bón tương đương 2.79 tỷ đồng mỗi vụ. Kỹ thuật mới này cũng phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân sản xuất nhỏ và tình trạng thiếu lao động phổ biến ở nông thôn hiện nay.
Cũng theo ông Ngô Tiến Dũng, Cục BVTV kết hợp với các chi cục BVTV dự kiến sẽ tổ chức các lớp hướng dẫn nông dân mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu, có các biện pháp khuyến khích mở rộng diện tích trồng khoai tây. Để đảm bảo thành công, nông dân cần được hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp đầu tư khép kín cả giống, sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Tại Hội nghị, đại diện bà con nông dân ở Hà Nội, Thanh Hóa và Thái Bình – những hộ gia đình đã tiếp cận và sử dụng phương pháp này - đều bày tỏ vui mừng và phấn khởi trước những kết quả mà phương pháp mới trên mang tới. Diện tích vụ sau cao gấp đôi vụ trước và hoàn toàn có thể yên tâm mở rộng diện tích trồng khoai tây vì không phải làm đất.
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Lê Nguyệt Minh, Giám đốc chiến dịch GROW, đại diện của Oxfam cho rằng, nếu muốn giải quyết được ba thách thức bao gồm sản xuất bền vững, công bằng và khả năng phục hồi của nền nông nghiệp đang chạm ngưỡng quá tải thì Việt Nam cần đầu tư vào chính người nông dân và những mô hình sản xuất nhỏ bền vững, đó là chìa khóa của thành công./.