Truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông, lâm, thủy sản

Thứ tư, 04/09/2013 17:18

(ĐCSVN) – Việc triển khai Dự án xây dựng Hệ thống Truy xuất nguồn gốc điện tử “Traceverified” cho nông, thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang từng bước chứng minh hiệu quả đối với các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung.

Được biết, Dự án do Cơ quan Hợp tác Phát triển Đan Mạch (DANIDA) thông qua Tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) tài trợ. Với dự án này, hệ thống “Traceverified” đã đưa đến cho doanh nghiệp một công cụ hiện đại để chuyển thông tin về sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đến với người mua/ người tiêu thụ trên thị trường thế giới. Đồng thời, bước đầu làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, để thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử, coi việc đưa thông tin minh bạch và kịp thời về sản phẩm như một công cụ nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông và thủy sản Việt Nam, góp phần đưa ngành sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

 

 Cán bộ Traceverified hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (Ảnh: P.Trí)


Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà đã đưa Việt Nam vào tốp các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới. Nông nghiệp không chỉ đã mang lại việc làm cho hơn 70% người lao động trong cả nước mà còn làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Trong thời kỳ suy thoái từ 2008-2012, nông nghiệp đã thực sự đóng vai trò bệ đỡ cho cả nền kinh tế. Tuy luôn đứng ở tốp đầu xuất khẩu các mặt hàng nông sản trên thế giới như gạo, café, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu trong nhiều năm qua, nhưng nông sản Việt nam vẫn xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá thấp hơn giá nông sản cùng loại xuất xứ từ các nước khác.

Một nghịch lý là trong khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu để vượt qua khủng hoảng kinh tế thì sản lượng tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ của Việt Nam (cá tra tại thị trường EU là một ví dụ) lại giảm sút nghiêm trọng tại một số thị trường. Mặc dù Việt Nam có không ít nhà sản xuất uy tín, có chuỗi sản xuất và sản phẩm được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận khắt khe nhất như BAP, GAP, ASC, CS nhưng những thông tin hầu như không được truyền tải đúng lúc và đúng kênh đến công chúng/ người tiêu dùng. Trong thời đại thông tin nhưng hầu hết doanh nghiệp sản xuất nông thủy sản của Việt Nam chưa coi trong việc minh bạch thông tin, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua/ người tiêu dùng, coi đó là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Không những thế khá nhiều doanh nghiệp ngại ngần trong cung cấp thông tin, cho rằng việc minh bạch làm cho DN bị yếu thế hoặc bị mất khả năng cạnh tranh. Tình trạng gian lận thương mại, làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng còn diễn ra khá phổ biến. Về phía cơ quan quản lý, mặc dù đã có ban hành những qui định về khuyến khích cung cấp thông tin, thực hiện Truy xuất nguồn gốc để hội nhập với thế giới nhưng không ít cơ quan nhà nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc chủ động đưa thông tin đến các thị trường tiêu thụ quốc tế bằng những công cụ và phương tiện hiện đại, đồng thời góp phần giảm thiểu thủ tục cho các doanh nghiệp.

Chính vì thế, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử “Traceverified” được tin tưởng sẽ mang lại lợi ích thiết thực trong công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần làm giảm thiểu thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng và có thể cả khi làm thủ tục thông quan.

 

Lớp truy xuất nguồn gốc điện tử tại Nha Trang (Ảnh: P.Trí)

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Hoàng Hải, Phó Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ Sắc ký Hải Đăng (EDC-HD), Phó Giám đốc dự án truy xuất nguồn gốc điện tử cho biết, thời gian triển khai dự án có hỗ trợ từ Tổ chức hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) là cuối tháng 09/2013 nhưng GCF vẫn hỗ trợ đến hết tháng 12/2013. Sau khi kết thúc dự án, Công ty EDC-HD sẽ điều hành toàn bộ hoạt động và đây là một dịch vụ của công ty.

Cũng theo ông Hoàng Hải, tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp tham gia sẽ được miễn phí hỗ trợ xây dựng phần mềm Truy xuất nguồn gốc điện tử và sủ dụng dịch vụ của hệ thống Traceverified đến hết tháng 12/2014.

Đối với các doanh nghiệp tham gia còn trong hỗ trợ của GCF, công ty sẽ triển khai theo lộ trình, cụ thể: với doanh nghiệp nằm trong 8 tỉnh mục tiêu: An Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên và Thanh Hóa, các đơn vị này sẽ được hỗ trợ luôn chi phí đi lại khảo sát của tư vấn xây dựng phần mềm. Trường hợp doanh nghiệp không nằm trong 8 tỉnh mục tiêu trên thì tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ có mức thỏa thuận kinh phí phù hợp cho tư vấn đi lại khảo sát.

Tính đến hết ngày 31/8/2013, Dự án đã mở các khóa đào tạo truy xuất nguồn gốc điện tử và kiểm nghiệm cho hơn 353 nhân viên quản lý chất lượng của các doanh nghiệp tham gia và chưa tham gia dự án; tổ chức khoảng 5 cuộc hội thảo về truy xuất nguồn gốc trong nước tại tỉnh An Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Hà Nội, Hội chợ Vietfish 2012 và 2 tại Hội chợ thủy sản lớn của thế giới là Boston và Brussel. Kết hợp với Tổ chức SNV tại Đại học Cần Thơ tổ chức 2 Hội thảo Nuôi tôm bền vững tại Sóc Trăng và Cà Mau.

Tới đây, vào ngày 20/09, Dự án sẽ tổ chức Hội thảo truy xuất nguồn gốc điện tử tại Cà Mau. Ngoài ra, sẽ tổ chức lớp truy xuất nguồn gốc điện tử tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23 – 25/09/2013 và Hội chợ AgroViet tại Hà Nội tháng vào 11/2013.

Ông Lý Hoàng Hải còn cho biết thêm, hiệu quả bước đầu của các doanh nghiệp khi thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử đã được chứng minh rõ ràng qua trường hợp của Công ty Nha Trang Seafoods F17 đang sử dụng Hệ thống TraceVerified ở cả 2 chuỗi tôm ở nhà máy tại Nha Trang và chuỗi cá tra tại nhà máy ở Thốt Nốt – Cần Thơ. Doanh nghiệp đã dán nhãn truy xuất nguồn gốc lên các thùng hàng và xuất báo các truy xuất điện tử thường xuyên cho các khách hàng của họ. Điều này đã làm gia tăng các đơn hàng và khẳng định thêm uy tín của đơn vị đặc biệt trong thị trường xuất khẩu. Bên canh đó, phải kể đến các doanh nghiệp đã dán nhãn truy xuất nguồn gốc Traceverified trước đó là Biển Đông Seafood, Caseamex và mới đây nhất là doanh nghiệp cá ngừ Bá Hải ở Phú Yên...

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực