Ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL và vấn đề đặt ra

Thứ hai, 30/06/2014 13:54
(ĐCSVN) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo là một trong sáu đồng bằng bị tác động năng nề về biến đổi khí hậu. Theo dự đoán tác động biến đổi khí hậu, đến năm 2050 có khoảng 26,7% dân số và khoảng 31% đất của vùng bị ảnh hưởng. Điều này sẽ đe dọa an ninh lương thực quốc gia, tiềm năng sản xuất nông nghiệp và thủy sản trong tương lai của vùng.

Cần chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Thực tiễn cho thấy, những năm gần đây, ở ĐBSCL nhiều diện tích đất sản xuất bị mất do thiếu quy hoạch và đô thị hóa; năm 2008 đã giảm còn khoảng 1,85 triệu ha, và sẽ còn giảm nhiều hơn do ảnh hưởng đô thị hóa, chuyển đổi sử dụng đất không đúng mục đích. Mặt khác, việc xâm nhập mặn, hạn hán và lũ lụt, mất đất nông nghiệp, giảm khả năng sản xuất nông nghiệp và thủy sản và ảnh hưởng sinh kế người dân nông thôn đã và đang xảy ra. Tuy vậy, theo PGS. TS Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay việc sử dụng nguồn nước để phát triển sản xuất có vần đề lớn về mâu thuẫn, như: mâu thuẫn giữa cộng đồng trồng lúa và nuôi tôm; phát triển lúa và đê bao chống lũ triệt để ở các địa phương thượng nguồn dẫn đến xâm nhập mặn; phát triển đập thủy điện thượng nguồn ở Trung Quốc và phát triển thủy lợi Campuchia, đặc biệt sử dụng nước Biển Hồ đều ảnh hưởng tài nguyên nước toàn vùng ĐBSCL. Do vậy, chiến lược trữ nước bền vững Biển Hồ, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cần tính toán thật kỹ trong dài hạn…

 
 Ảnh minh hoạ (Nguồn: nongdan.vn)

Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cần quan tâm hơn nữa việc cân bằng sinh thái vùng. Đặc biệt, cần tính toán cân bằng nước toàn vùng khi phát triển quy hoạch vì dự báo nguồn nước sắp tới sẽ rất khan hiếm, không những cho phát triển nông nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác của vùng. Thực hiện quy hoạch cần chú tâm lồng ghép các nguồn lực trong và ngoài nước theo giải pháp liên kết vùng.

Cần căn cứ vào quy hoạch liên kết vùng để phát triển chính sách. Theo đó, cần rà soát các chính sách qua giải quyết các bất cập về những yếu kém phát triển chính sách thời gian qua của những ngành hàng chủ lực. Nhân rộng mô hình sản xuất cấp địa phương và cộng đồng liên quan như “nông dân nhỏ cánh đồng lớn”; canh tác lúa giảm khí thải nhà kính mà dự án VLCRP đã thực hiện tại An Giang va Kiên Giang đã chứng minh tăng thu nhập nông dân khoản 15 - 20% và giảm khoảng 4 - 5 tấn CO2/ha. Nhanh chóng tiến tới phát triển thương hiệu gạo sạch và giảm tác động biến đổi khí hậu hoặc những nông sản khác như chanh không hạt Hậu Giang…

Tăng cường liên kết

Đẩy mạnh liên kết vùng để ứng phó biến đổi khí hậu ở nhiều cấp độ. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Sánh, thông thường, thích ứng biến đổi khí hậu được chia làm 3 cấp: thích ứng sinh học; thích ứng về sinh thái; và, thích ứng kết cấu hạ tầng. Vì thế suy xét 3 cấp độ ứng phó này để đầu tư hợp lý như sau: liên quan đến thích ứng về mặt sinh học và kỹ thuật canh tác, canh tác lúa giảm khí thải. Đồng thời chiến lược về bảo tồn đa dạng sinh học khi cần thiết. Ngoài ra, phát triển công nghệ sinh học để lai tạo và chọn giống ứng phó với sự thay đổi thời tiết cực đoan.

Về phát triển bền vững hệ sinh thái của vùng, cần chú ý đối với vùng ven biển. Để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững vùng ven biển ĐBSCL cần có những giải pháp thiết thực như: đầu tư các trạm quan trắc, theo dõi để cảnh báo sạt lở; phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Qui hoạch dân cư và qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội hợp lý để ổn định sinh kế cho người dân địa phương. Nâng cao nhận thức chính quyền địa phương và cộng đồng về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đẩy mạnh hoạt động kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế và đàm phán với các quốc gia thượng nguồn để đảm bảo dòng chảy sông Mekong không bị thay đổi.

Phát triển và khai thác hợp lý rừng ngập mặn; chọn giống, nhân giống cây ngập mặn trong từng vùng sinh thái dể thực hiện quy hoạch phát triển rừng ngập mặn của Nhà nước. Lập các quy luật về các hệ sinh thái rừng ngập mặn và các quy trình nuôi hải sản trong rừng ngập mặn nhằm khai thác hợp lý, bảo tồn và phát triển vốn rừng ngập mặn. Tiến hành trồng rừng ngập mặn thành công ở một vài vùng có nhu cầu cấp bách. Phát triển 4 khu dự trữ sinh quyển (trong đó có 3 khu Cần Giờ, Kiên Giang và Cà Mau đã được UNESCO công nhận là 3 khu dự trữ sinh quyển thế giới), và khu dự trữ sinh quyển cửa sông Cửu Long cần phấn đấu để cũng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới để trở thành 4 khu dự trữ sinh quyển tiêu biểu trong các nuớc nhiệt đới. Ngoài ra ứng  xử với môi trường cần quan tâm tới các vấn đề như biến đổi khí hậu và di dân; thích ứng cộng đồng với biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu.

Đối với vùng nội địa ĐBSCL, cần xác định liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản và lồng ghép nâng cao sinh kế người dân nông thôn theo bảy tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và theo lợi thế từng địa phương là các mục tiêu quan trọng. Đẩy mạnh liên kết vùng để thực hiện đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, cây ăn quả, cá da trơn và tôm và nâng thu nhập nông dân. Liên kết vùng và tham gia “4 nhà”, bước đầu cần tập trung vào sản xuất, tiêu thụ và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, cây ăn quả, cá da trơn và tôm và thích ứng các tác động thay đổi khí hậu đến vùng ĐBSCL.

Thúc đẩy liên kết bộ, ngành và chính quyền địa phương; liên kết viện-trường; liên kết doanh nghiệp để hỗ trợ tổ chức nông dân qua liên kết vùng với sự tham gia “4 nhà”. Tăng cường lai tạo và chọn lọc giống lúa, cây ăn quả, cá da trơn và tôm cho năng suất và chất lượng cao, chống chịu dịch bệnh và thích ứng điều kiện từng tiểu vùng sản xuất, đồng thời đáp ứng được đòi hỏi thị trường và thay đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL. Xác định các giải pháp kỹ thuật canh tác và kỹ thuật sau thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng các giống cây trồng và vật nuôi được chọn tạo. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng lúa gạo, cây ăn quả, cá da trơn và tôm qua quản lý chuỗi cung ứng từ dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ, dựa vào quy hoạch sản xuất của Chính phủ.

Thúc đẩy nối kết sản xuất nông dân và doanh nghiệp qua mô hình nông dân nhỏ, cánh đồng lớn. Từng bước góp phần thực hiện tiêu chuẩn hóa và thương hiệu hóa các ngành hàng chủ lực. Nâng cao thu nhập nông dân qua huấn luyện và chuyển giao khoa học - công nghệ, kết hợp đào tạo nghề nông nghiệp. Đồng thời, đánh giá nhu cầu và huấn luyện nghề phi nông nghiệp với phương châm “ly nông bất ly hương” cũng cần được đặc biệt quan tâm. Qua đó tạo cơ hội để nông dân dễ dàng liên kết với viện, trường, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để nâng cao năng lực của họ.

Vấn đề đặt ra

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân ĐBSCL sẽ bị áp lực rất lớn trong tiến trình hậu WTO và thay đổi khí hậu toàn cầu trong thời gian tới. Nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ thì rất khó tận dụng cơ hội và vượt các thử thách để phát triển tái cấu trúc nông nghiệp thành công vùng ĐBSCL để làm nền tản công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn ĐBSCL trong tương lai.

Đề án liên kết vùng phát triển các ngành hàng chủ lực và lòng ghép nâng cao năng lực và thu nhập nông dân được xây dựng một chương trình tổng là cách để thực hiện liên kết vùng và tham gia “4 nhà” nhằm phát triển sản xuất lúa gạo, cây ăn quả, cá da trơn, tôm nước mặn và nâng cao thu nhập nông dân sản xuất các ngành hàng này. Đó cũng là giải pháp phát triển kinh tế nông ngiệp và nông thôn và tham gia tích cực thực hiện “tam nông” thành công hơn. Đây cũng là cơ hội thực tế và điển hình trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL trong kinh tế hội nhập và thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL trong tương lai.

Liên kết vùng là giải pháp mang tính hiệu quả cao về lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Qua thực hiện liên kết vùng thì sẽ có cơ hội bổ sung nhiều hơn về lý luận và thực tiển về phát triển bền vững ĐBSCL liên quan đến khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên và phát triển cơ chế và chính sách nhằm phát triển vùng ĐBSCL một cách bền vững hơn. Lồng ghép nguồn lực trong và ngoài nước hiệu quả hơn trong kinh tế hội nhập và thích ứng biến đổi khí hậu. Qua đó nhằm thực hiện tiến trình vừa thúc đẩy sản xuất, vừa hội nhập kinh tế và thị trường cạnh tranh, vừa từng bước góp phần hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn vùng ĐBSCL trong tương lai.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực