Xử lý chất thải trong chăn nuôi an toàn sinh học vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ sáu, 08/08/2014 21:20

(ĐCSVN) - Hiện, cả nước đang có khoảng gần 9 triệu hộ chăn nuôi nông hộ theo phương thức nhỏ lẻ, dẫn tới việc xử lý và quản lý chất thải vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Việc đưa công nghệ đệm lót sinh học vào áp dụng xử lý chất xả thải trong chăn nuôi đang mang lại hiệu quả đột phá.

Điều này được nêu lên tại Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp chuyên đề “Xử lý chất thải trong chăn nuôi an toàn sinh học vùng đồng bằng sông Hồng” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Hải Phòng tổ chức ngày 6/8 tại Hải Phòng.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu và nông dân các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng.

 

Diễn đàn được diễn ra tại Hải Phòng (Ảnh: H.P)

Cần nhanh chóng khắc phục bất cập trong xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay

Theo thống kê của TTKNQG, hiện, đàn lợn cả nước ước khoảng 26,5 triệu con, trâu bò đạt 7,7 triệu con và gia cầm trên 304,5 triệu con. Thực tế, những năm qua, chất thải vật nuôi trong nông hộ được xử lý chủ yếu thông qua các biện pháp như: Ủ làm phân chuồng theo phương pháp truyền thống; xử lý bằng công nghệ khí sinh học biogas, các chế phẩm sinh học, ao sinh học…

Tuy nhiên, các phương pháp này chưa thể giải quyết được vấn đề về môi trường, bởi theo tính toán của các chuyên gia, hằng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam thải vào môi trường hơn 85 triệu tấn chất thải rắn. Trong đó, khối lượng chất thải rắn (chỉ tính riêng lượng phân của vật nuôi) của một số vật nuôi chính thải ra trong năm 2010 là 85,3 triệu tấn, năm 2011 là 83,67 triệu tấn và 80,97 triệu tấn trong năm 2012 nhưng chỉ khoảng 40% số chất thải này được xử lý, còn lại thường được xả thẳng trực tiếp ra môi trường.

Trong khi đó, theo báo cáo của Viện Chăn nuôi, trên thực tế, nếu ở một xã, số hộ chăn nuôi lợn chỉ chiếm 20 - 30% tổng số hộ thì hầm biogas là giải pháp hiệu quả cho việc xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng nếu số hộ chăn nuôi lợn chiếm tới 50 - 60% thì hầm biogas có những hạn chế. Lượng nước thải từ hầm biogas của từng hộ dồn chung vào nguồn nước thải của xã, nguồn nước thải này thường không được xử lý, vẫn nhiễm khuẩn và lại là nguồn gây bệnh cho gia súc, gia cầm trong toàn xã và các vùng xung quanh.

Áp dụng đệm lót sinh học – giải pháp hữu hiệu phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn môi trường

Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó giám đốc TTKNQG cho hay, để giúp người chăn nuôi xử lý chất thải trong chăn nuôi hiệu quả, tháng 10/2013, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã công nhận tiến bộ kỹ thuật cho chế phẩm sinh học Balasa N01 và quy trình ứng dụng chế phẩm này làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gà. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ứng dụng và triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học.

 

Mô hình đệm lót sinh học phát huy hiệu quả cao ở Hà Nam (Ảnh minh họa: H.P)


Kết quả khảo sát của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính đến tháng 11.2013, cả nước đã có 730 trang trại, và trên 57.790 hộ chăn nuôi thực hiện làm đệm lót sinh học với tổng diện tích hơn 5,4 triệu m2. Trong đó, chăn nuôi lợn có 28 trang trại, 3.628 hộ gia đình áp dụng và chăn nuôi gia cầm có hơn 700 trang trại và 57.790 hộ áp dụng.

Tuy nhiên, sản phẩm trên vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng và chuyển giao cho hộ nuôi và các địa phương có nhu cầu.

Để hoàn thiện thêm hệ thống đệm lót sinh học nói trên, Bộ cũng giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu để tạo ra tập đoàn vi sinh vật hữu ích mới, đồng thời khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu chuyên sâu tạo ra nhiều chủng loại men vi sinh và quy trình công nghệ mới phù hợp làm đệm lót sinh học chăn nuôi trong thời gian tới.

Theo một số ý kiến trao đổi tại Diễn đàn, với cách xử lý chất xả thải trong chăn nuôi bằng khí sinh học (biogas) bên ngoài chuồng không chỉ gây tốn kém tiền đầu tư mà lại khó có thể xử lý triệt để được ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, với phương pháp mới, dùng đệm lót sinh học xử lý ngay tại chuồng nuôi đang có nhiều ưu điểm vượt trội là tiết kiệm chi phí đầu tư và xử lý được chất thải triệt để, không gây ô nhiễm môi trường.

Cũng tại Diễn đàn, với tư cách là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng mô hình, tổng diện tích đệm lót sinh học và chính sách đi kèm khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn áp dụng quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học, Hà Nam đã có những chia sẻ kinh nghiệm đầy bổ ích và thiết thực. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam, tính đến nay, tỉnh Hà Nam đã có hơn 3.000 hộ xây dựng mô hình với khoảng hơn 50.000 m2 đệm lót sinh học được xây dựng và hàng nghìn hộ nuôi gà theo phương thức trên.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, hơn 100 câu hỏi của chủ trang trại, nông dân tiêu biểu đến từ các địa phương đã được ban tổ chức, ban cố vấn chương trình là các nhà quản lý, khoa học có uy tín giải đáp. Các câu hỏi xoay quanh vấn đề: cách ứng công nghệ ủ phân compost, vi sinh vật trong xử lý chất thải chăn nuôi; các mô hình sử dụng khí sinh học và cơ chế hỗ trợ của nhà nước cho trang trại chăn nuôi có xử lý chất thải bằng hệ thống biogas; cách thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học; hoạt động khuyến nông trong xử lý chất thải chăn nuôi và biến đổi khí hậu; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; biện pháp khắc phục những hạn chế trong phát trong ứng dụng công nghệ khí sinh học.../.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực