Thăm quan mô hình nuôi ong mật từ cây bạc hà tại Hà Giang (Ảnh: P.V)
Theo báo cáo, ước tính đến nay trên địa bàn cả nước có 1,5 triệu đàn ong, gồm có giống ong Ý và ong nội; trong đó, ong nội chiếm hơn 23%. Với khoảng 34 nghìn người tham gia nuôi ong, số người nuôi ong chuyên nghiệp chiếm 20%; sản xuất ra khoảng 90% sản lượng mật được xuất khẩu. Tại tỉnh Hà Giang, ong nội được nuôi và phát triển tại 11 huyện, thành phố với tổng số 34.093 đàn, sản lượng mật là 193 tấn. Tuy nhiên, nuôi ong nội địa gắn với phát triển cây hoa bạc hà tập trung chủ yếu ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Hiện có 8 doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mật ong bạc hà “Mèo Vạc”. Năm 2013, Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong bạc hà của tỉnh trên địa bàn 47 xã thuộc 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, giúp sản phẩm khẳng định vững chắc vị thế đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc phát triển mật ong bạc hà Mèo Vạc vẫn còn nhỏ, lẻ, chủ yếu lấy mật dựa vào diện tích cây bạc hà, mỗi năm chỉ có một vụ, nên người nuôi ong vẫn còn gặp khó khăn.
Tại diễn đàn, các đại biểu có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về giá cả thị trường và tiêu thụ sản phẩm mật ong; Cơ chế chính sách của Trung ương, của các tỉnh về phát triển ong mật; Các tiến bộ kỹ thuật mới, các kinh nghiệm sản xuất hiệu quả đang được triển khai áp dụng. Trong đó, có kỹ thuật bảo quản giống, canh tác để phát triển diện tích hoa bạc hà trên Cao nguyên đá Đồng Văn cũng như thông tin về các cơ sở nghiên cứu, cung ứng đầu vào để phát triển ong. Thêm vào đó, giải đáp các khó khăn vướng mắc của người dân trong quá trình phát triển đàn ong mật tại địa phương…
Diễn đàn thu hút đông đảo người nuôi ong tham gia (Ảnh: P.V)
Thông qua diễn đàn đã tạo điều kiện để 4 nhà gồm: nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông được giao lưu đối thoại trực tiếp những vấn đề liên quan đến các giải pháp về phát triển nuôi ong mật bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp người nuôi ong giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc trong phát triển nuôi ong mật tại địa phương. Đồng thời, phát huy và bảo vệ, giữ gìn thương hiệu mật ong bạc hà; công tác quy hoạch và phát triển đàn ong mật tại các địa phương; các tiến bộ kỹ thuật mới, các kinh nghiệm hiệu quả trong chăn nuôi ong. Từ diễn đàn, các đại biểu có cơ hội tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cũng như gặp gỡ các nhà doanh nghiệp nhằm liên kết đầu ra cho sản phẩm. Trên cơ sở đó, phát triển và nhân rộng số lượng đàn, nâng cao năng suất, chất lượng mật, giúp người nuôi ong mật sản xuất theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Trước đó, đoàn đại biểu đã đi thăm quan mô hình nuôi ong mật hàng hóa tại xã Sà Phìn và Thài Phìn Tủng (Đồng Văn). Đây là các mô hình đã thành lập được tổ hội nuôi ong, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nuôi, khai thác, chế biết và bao tiêu sản phẩm; chủ yếu là nuôi giống ong nội gắn với bảo vệ phát triển diện tích cây hoa bạc hà.