Ngô vẫn là cây có vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: KD)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2016, diện tích ngô toàn quốc đạt 1.152,1 nghìn ha (chiếm 0,65% diện tích ngô toàn thế giới; 1,94% diện tích ngô châu Á; 11,6% diện tích ngô khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 24/166 nước trồng ngô trên thế giới, thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (4 triệu ha); Philippines (2,6 triệu ha).
Năm 2016, năng suất trung bình ngô toàn quốc đạt 45,5 tạ/ha đứng thứ 59/166 nước trồng ngô trên thế giới và đứng thứ 3 khu vực, sau Malaysia (55,4 tạ/ha), Indonesia (48,9 tạ/ha), tương đương Thái Lan (44,6 tạ/ha). Hiện nay, năng suất trung bình ngô Việt Nam thấp hơn năng suất trung bình ngô thế giới và Châu Á khoảng 5,5 tạ/ha, cao hơn so với năng suất trung bình khu vực khoảng 2,5 tạ/ha.
Tỷ lệ sử dụng giống ngô lai trong sản xuất đạt gần như tuyệt đối (100% diện tích gieo trồng). Tổng số giống ngô lai có mặt trong sản xuất khoảng trên dưới 50 giống do các Công ty trong và ngoài nước cung cấp. Hàng năm, tổng lượng hạt giống ngô cung cấp cho sản xuất khoảng trên dưới 20 nghìn tấn ngô các loại (bao gồm cả giống sản xuất trong nước và giống nhập khẩu).
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay, trong sản xuất ngô, công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản hạt giống ngô lai được hoàn thiện, nâng cao; nguồn cung hạt giống dồi dào, chất lượng hạt giống tốt. Đồng thời, đã đưa ra được các biện pháp kỹ thuật canh tác hiệu quả, giảm áp lực thời vụ, chống xói mòn, giữ độ phì, ẩm cho đất, tiết kiệm công lao động như: phương pháp làm đất tối thiểu hoặc không làm đất, trồng xen, gối ngô với cây họ đậu, kỹ thuật canh tác ngô trên đất dốc, ngô bầu trên đất lúa để đảm bảo thời vụ,…Bên cạnh đó, xác định được mật độ, khoảng cách và liều lượng phân bón hợp lý cho từng nhóm giống tại các tỉnh, vùng trồng ngô góp phần tăng năng suất và sản lượng ngô.
Tuy nhiên, trên thực tế, sản xuất ngô của nước ta vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa liên kết theo chuỗi giữa sản xuất với chế biến tiêu thụ. Công nghệ sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư trong khi việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngô vẫn còn rất thấp. Các biện pháp kỹ thuật canh tác chưa được nghiên cứu và áp dụng đồng bộ, mức đầu tư thấp, sử dụng phân bón thiếu khoa học gây lãng phí là nguyên nhân làm giảm hiệu quả của sản xuất ngô.
Hiện năng suất ngô trung bình của nước ta còn thấp so với thế giới và một số nước trong khu vực. Còn thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái dẫn đến sản xuất ngô chưa đáp ứng được kỳ vọng, cung không đáp ứng được cầu, do năng suất không cao, chi phí lớn, ít có lợi thế cạnh tranh so với ngô nhập nội đang là những bất cập cần được tháo gỡ. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu ngô hạt về phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước.
Kỹ thuật canh tác tuy đã có những tiến bộ, song hiệu quả đầu tư thấp, phân bón sử dụng vẫn còn lãng phí, cộng với năng suất bình quân chung chỉ ở mức trung bình, vì vậy giá thành ngô cao, thậm chí cao hơn ngô nhập khẩu. Thực tế cây ngô được trồng ở những vùng đất khô hạn, khó và ít tưới. Những vùng trọng điểm, tập trung thì hệ thống thủy lợi gần như không được chú trọng và thực tế những vùng này gần như không có tưới chủ động.
Các nghiên cứu về giải pháp canh tác phù hợp với giống, kiểu hình giống mới cao sản, chống chịu tốt còn hạn chế và chưa tạo được đột phá trong việc nâng cao năng suất ngô. Thiếu tổng kết, đánh giá các mô hình trồng ngô thực phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng tươi và chế biến, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi...
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong thời gian tới, sản xuất ngô sẽ phát triển theo hướng dựa trên cơ sở áp dụng gói kỹ thuật đồng bộ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và bảo vệ bền vững quỹ đất sản xuất. Đa dạng hóa chủng loại ngô gồm: ngô thực phẩm (ngô đường, ngô nếp); ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc có sừng và ngô hạt lương thực, thức ăn chăn nuôi. Phát triển sản xuất ngô trên cơ sở tổ chức hệ thống sản xuất theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với người sản xuất, hợp tác xã thu mua ngô tươi để sấy, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến thức ăn gia súc.
Mục tiêu đến năm 2020, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt khoảng 1.160 - 1.265 nghìn ha, sản lượng từ 5,4 - 5,8 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt 28 triệu đồng/ha/vụ. Đến năm 2025, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt khoảng 950 - 1.100 nghìn ha, sản lượng 4,8 - 5,5 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt 32 triệu đồng/ha/vụ.
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, theo Cục Trồng trọt, về công tác quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch sản xuất ngô toàn quốc, các tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch sản xuất ngô trên địa bàn trong quá trình điều chỉnh các phương án quy hoạch chuyên ngành có liên quan. Phương án quy hoạch cần gắn chặt sản xuất với thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngô.
Về khoa học công nghệ, chọn tạo những giống lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu; những giống lai chịu lạnh, hạn, úng, phèn, những giống có hàm lượng Protein cao, sinh khối lớn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; những giống ngô thực phẩm (ngô đường, ngô nếp...) nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu hạt giống, các địa phương phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị tổ chức sản xuất hạt lai F1 cung cấp cho sản xuất.
Về kỹ thuật canh tác, cần hoàn thiện gói kỹ thuật thâm canh đồng bộ gieo trồng ngô để triển khai áp dụng trên thực tiễn sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá với ngô nhập khẩu. Tiếp tục xây dựng, điều chỉnh chế độ luân canh hợp lý trên từng loại đất, đặc biệt là chân ruộng 1 vụ ở khu vực miền núi nhằm khai thác tối đa diện tích gieo trồng ngô vụ Xuân. Tăng cường cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất ngô, ưu tiên khâu thu hoạch, tẽ hạt, sấy và bảo quản hạt ngô. Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ của nông dân về quy trình sấy ngô bằng các lò thủ công, đảm bảo chất lượng ngô nguyên liệu.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sản xuất ngô trong nước tiếp tục hướng vào thị trường nội địa. Vấn đề cần đặt ra đối với sản xuất ngô trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với ngô nhập khẩu./.