Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Thanh Hóa).
Dự án này thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số tầm nhìn đến năm 2025.
Ông Trương Văn Vinh, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho biết, Khu bảo tồn thuộc 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Tại vùng lõi, vùng đệm khu bảo tồn có hơn 4.201 hộ với 18.309 khẩu. Đây là khu vực nằm trong danh sách 62 huyện nghèo, thuộc diện hỗ trợ theo nghị quyết về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của cả nước. Cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn do đất canh tác nông nghiệp ít, người dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sản xuất.
Do đó, nhiều người dân đã khai thác rừng, cây dược liệu trái phép mà không trồng bổ sung; trong đó có, 3 loài cây dược liệu quý là giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đảng sâm hiện đã bị suy giảm nhiều mà không được trồng bổ sung. Hiện 3 loài cây này chỉ còn phân bố tại các tiểu khu rừng 256, 265, 270. Nếu không đưa ra phương án trồng mới bổ sung thì trong tương lai những loài cây này sẽ mất dần đi, ảnh hưởng tới môi trường rừng sinh thái.
Vì vậy, dự án này không chỉ giúp nhân dân chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi mà còn góp phần bảo tồn cây dược liệu. Đồng thời, thu hút người dân tham gia thay đổi sản xuất, truyền thống lạc hậu bằng những mô hình trồng cây dược liệu trên cơ sở khai thác lợi thế về tự nhiên của vùng.
Trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng đất, nước tại khu vực nghiên cứu, lựa chọn được địa điểm triển khai mô hình, kết quả nghiên cứu cho thấy tại thôn Tân Sơn, xã Thanh Xuân có thể triển khai mô hình Hà Thủ ô đỏ; thôn Son, xã Lũng Cao có thể thực hiện mô hình trồng Giảo cổ lam và Đảng sâm Việt Nam.
Đây là những xã được đánh giá có chất lượng đất, nước tại khu vực nghiên cứu, phù hợp với các tiêu chí về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, nguồn lao động, được sự hưởng ứng từ chính quyền và người dân.
Ban quản lý dự án đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội để chuyển giao, tiếp nhận 6 quy trình nhân giống, trồng 3 loài dược liệu; tổ chức tập huấn cho 200 nông dân về kỹ thuật nhân giống và trồng trọt đối với 3 loài dược liệu giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đảng sâm Việt Nam; đào tạo 6 kỹ thuật viên tham gia dự án.
Ngoài tập huấn cho nhân dân, Ban quản lý dự án đã thực hiện mô hình sản xuất 3 loài dược liệu trên theo đúng thời vụ, kỹ thuật, đảm bảo quy mô diện tích.
Tại khu vực xây dựng vườn giống gốc, cán bộ dự án đã trồng đúng tiêu chí về điều kiện tự nhiên, lập địa, thời vụ, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Hiện dự án này đã xây dựng được 3 vườn giống gốc với quy mô 6.000 m2; trong đó, giảo cổ lam 1.000m2/25.000 cây, hà thủ ô đỏ 1.600m2/13.280 cây, đảng sâm Việt Nam 3.000m2/24.900 cây.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cũng thực hiện 3 mô hình trồng sản xuất đối với 3 loài giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đảng sâm Việt Nam với quy mô 1,5ha; trong đó, giảo cổ lam 0,5 ha/125.000 cây; hà thủ ô đỏ 0,5 ha/41.500 cây; đảng sâm Việt Nam 0,5 ha/41.500 cây.
Trong năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tiếp tục mở thêm lớp tập huấn cho 200 hộ dân về kỹ thuật nhân giống, trồng, thu hoạch để người dân hiểu được lợi ích khi trồng cây dược liệu, góp phần bảo tồn các loài cây quý, cũng như xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Theo nghiên cứu mới nhất của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Cây Giảo cổ lam có tác dụng chống mệt mỏi, lão hóa, chống u, giảm căng thẳng, giảm nám sạm da, giảm béo; cây hà thủ ô đỏ có tá dụng làm đen tóc, bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, nhuận tràng. Còn loài đảng sâm Việt Nam có công dụng tăng sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa tốt, tốt cho tim mạch, tạo máu./.