An Giang: Hiệu quả từ triển khai mô hình ruộng lúa bờ hoa

Thứ tư, 13/10/2021 18:42
(ĐCSVN) - Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang đánh giá, việc áp dụng mô hình công nghệ sinh thái (ruộng lúa bờ hoa) là một triển vọng, phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững và phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế mà An Giang đang thực hiện.
 Trồng hoa ở ruộng lúa thu hút nhiều thiên địch có lợi, giảm sâu rầy gây hại (Nguồn ảnh: baoangiang.com.vn)

Mô hình công nghệ sinh thái (ruộng lúa bờ hoa) là một tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trên lĩnh vực bảo vệ thực vật được ứng dụng rộng rãi trên nền tảng các chương trình đã triển khai trên cây lúa trước đây như: Ba giảm ba tăng, 1 Phải 5 Giảm và gieo sạ theo lịch đồng loạt né rầy,...Mô hình giúp giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận cao, nâng chất lượng nông sản và thân thiện với môi trường, giúp giảm số lần phun thuốc trừ sâu mà vẫn quản lý tốt dịch hại trên ruộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn được môi trường tự nhiên cho các loại thiên địch sinh sống, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Từ đó, giúp nông dân giảm chi phí, giá thành và nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, mô hình công nghệ sinh thái giúp nông dân giảm được số lần phun thuốc trừ sâu rầy. Cụ thể, trong vụ Đông Xuân giảm được 1,2 lần tương đương 1.041.200 đồng/ha; vụ Hè Thu giảm 2,6 lần tương đương 1.125.200 đồng/ha; vụ Thu Đông giảm 2,2 lần tương đương 1.033.400 đồng/ha; Bên cạnh đó, góp phần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường. Qua 3 vụ thực hiện giảm lượng thuốc thải ra môi trường đất, nước, tương đương 259,7g/ha/vụ.

Tại An Giang, chương trình “công nghệ sinh thái” được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang triển khai ứng dụng từ vụ Hè Thu 2010, đến vụ Đông Xuân năm 2020 -2021 đã thực hiện 315 mô hình với 3.652 lượt nông dân tham gia ứng dụng trên diện tích 3.212 ha. Chủng loại hoa được chọn ở các mô hình khá đa dạng và phong phú như: hướng dương, cúc ngũ sắc, cúc tím, màu gà, mười giờ,...Ngoài ra, các mô hình còn chọn các loại cây tăng thu nhập như: mè, đậu bắp, đậu đen, đậu xanh, đậu cove,…Nông dân tham gia mô hình đều có ý thức canh tác lúa theo 1 Phải 5 Giảm, giảm được số lần phun thuốc trừ sâu và giảm mật độ sạ.

Riêng vụ Đông Xuân 2020 – 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang đã tổ chức xây dựng được 11 mô hình (3 ha/mô hình) sản xuất lúa ứng dụng “Công nghệ sinh thái”, đồng thời tổ chức 11 lớp tập huấn cho 275 nông dân trồng lúa về kỹ thuật canh tác, phòng chống sâu rầy bằng phương pháp gieo sạ “né rầy” và kỹ thuật công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng nhằm thu hút thiên địch tới diệt rầy thay cho việc phun thuốc trừ sâu.

Kết quả, qua các lớp tập huấn, nhìn chung nông dân ở các nắm được cơ bản nội dung thực hiện mô hình công nghệ sinh thái, trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch phòng trừ sâu rầy nhằm giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, có nhận thức tốt hơn về các giải pháp kỹ thuật thân thiện môi trường và sản xuất cây lúa bền vững hơn. Việc xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ sinh thái được tổ chức tại 11 huyện thị, thành phố trong tỉnh. Tổng diện tích mô hình toàn tỉnh 41,4 ha.

Qua kết quả điều tra và thu thập số liệu cho thấy, đối tượng sâu hại xuất hiện trên cả ruộng có bờ hoa và ruộng không có bờ hoa ghi nhận có 6 loài đó là: rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, sâu cuốn lá, bọ trĩ, bọ phấn và sâu đục thân. Giai đoạn mạ, bọ trĩ xuất hiện gây hại ở 2 ruộng, tuy nhiên, ruộng mô hình bọ trĩ không xuất hiện từ giai đoạn đẻ nhánh về sau; ruộng nông dân đã tiến hành phun xịt bọ trĩ nên mật số giảm nhưng các đối tượng khác như rầy nâu, sâu cuốn lá lại bộc phát giai đoạn sau... Kết quả cho thấy được ruộng mô hình sâu hại luôn ít hơn so với ruộng nông dân .

Về hiệu quả kinh tế, tổng chi phí sản xuất trung bình các mô hình từ 16.792.000 – 24.584.000 đồng, chi phí này đều thấp hơn so với ruộng đối chứng từ 1.500.000 – 6.302.000 đồng. Do có sự khác biệt chi phí về giống, phân bón và nhất là thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa đạt từ 7,3 – 8,6 tấn/ha, năng suất trung bình đạt 8 tấn/ha. Lợi nhuận mô hình đạt được từ 22.543.000 – 39.208.000 đồng, trung bình chênh lệch là 4.322.000 đồng/ha. Từ đó thấy được việc áp dụng mô hình công nghệ sinh thái trên nền của của việc áp dụng đồng bộ các giải pháp của chương trình 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp IPM,... đã góp phần giảm chi phí, giá thành sản xuất.

Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang đánh giá, việc áp dụng mô hình công nghệ sinh thái là một triển vọng, phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững, phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế mà An Giang đang thực hiện.

Do vậy, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho rằng, để thành công hơn nữa trong việc thực hiện, mô hình này cần được triển khai ở quy mô cộng đồng với sự tham gia của nhiều đơn vị, thành phần nhằm giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường qua việc hạn chế đáng kể phun thuốc trừ sâu không cần thiết trên đồng ruộng, góp phần tạo cảnh quan môi trường ở nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nông dân tham gia trên các phương tiện truyền thông để nông dân hưởng ứng thực hiện. Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa, phát động thi đua thực hiện áp dụng mô hình, nhất là ở các xã nông thôn mới./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực