Bộ Tài chính bắt đầu triển khai Ngày Pháp luật tài chính 2022

Thứ ba, 23/08/2022 16:08
(ĐCSVN) - Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11) và Ngày Pháp luật tài chính (28/8) năm 2022. Thời gian triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật tài chính năm 2022 được tiến hành từ ngày 22/8/2022 đến ngày 22/9/2022; tuần lễ cao điểm thực hiện các hoạt động từ ngày 22/8/2022 đến ngày 28/8/2022.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) 

Thời gian triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật tài chính năm 2022 được tiến hành từ ngày 22/8/2022 đến ngày 22/9/2022; tuần lễ cao điểm thực hiện các hoạt động từ ngày 22/8/2022 đến ngày 28/8/2022.

Hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành trong 2 tháng cao điểm, từ ngày 23/9/2022 đến ngày 22/11/2022. Trong tuần lễ từ ngày 7/11/2022 đến ngày 13/11/2022, thực hiện tuyên truyền theo khẩu hiệu: “Pháp luật Tài chính Việt Nam tạo thuận lợi trong tuân thủ, minh bạch trong thực thi, hiệu quả trong quản lý”.

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính tập trung soạn thảo dự án Luật Giá (sửa đổi) theo chương trình, kế hoạch được giao; xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thuộc trách nhiệm chủ trì soạn thảo của Bộ Tài chính; rà soát các luật để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo kế hoạch.

Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện dự thảo, tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để trình Chính phủ ban hành đúng tiến độ đối với 41 đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ ban hành theo thẩm quyền 40 thông tư thuộc chương trình xây dựng văn ban quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính.

Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật tài chính theo các hình thức thích hợp; đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền về chính sách có tác động lớn đến xã hội, văn bản quy phạm pháp luật tài chính, kết quả xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; kết quả thi hành pháp luật và cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trên các báo, tạp chí trong và ngoài ngành Tài chính.

Trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tài chính cũng tập trung triển khai các công tác liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, kịp thời thông tin pháp luật và đối thoại giải đáp chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp, người nộp thuế, người khai hải quan.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giải đáp, giải quyết dứt diểm các vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính, đặc biệt là các vướng mắc mới phát sinh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19.

Trong cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát thủ tục, đảm bảo không quy định thủ tục hành chính tại các thông tư của Bộ Tài chính (trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao), không ban hành các thủ tục hành chính mới khi không cần thiết; tiếp tục rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực