Cải cách hành chính thuế hướng tới hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ năm, 25/06/2015 16:36
(ĐCSVN) - Cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế là một trong những yêu cầu đặt lên hàng đầu mà Chính phủ đặt ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ý thức được tầm quan trong đó, ngành thuế đã, đang triển khai đồng bộ trong cải cách hành chính để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở nhận định rõ những nguyên nhân, tồn tại ảnh hưởng đến thời gian để thực hiện thủ tục khai, nộp thuế của doanh nghiệp, Bộ đã đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội và triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, tập trung vào công tác cải cách, giảm thời gian khai, nộp thuế của doanh nghiệp mà theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế số giờ khai, nộp thuế của doanh nghiệp năm 2014 là 537 giờ.

Cụ thể, về các giải pháp thuộc thẩm quyền Quốc hội (giảm được gần 90 giờ). Tại Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015, trong đó, bãi bỏ quy định về khống chế đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh qua đó giảm trên 08 giờ/năm.

Kể từ ngày 01/7/2015, bãi bỏ quy định phải nộp Bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ bán ra hoặc mua vào khi lập hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, qua đó giảm được hơn 80 giờ/năm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế.

Về giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ (giảm 88.36 giờ). Bộ Tài chính cho biết, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 để áp dụng ngay trong năm 2014 các giải pháp: Mở rộng đối tượng được áp dụng khai thuế GTGT theo quý (thay vì kê khai theo tháng) bằng việc điều chỉnh mức doanh thu khai thuế GTGT theo quý từ dưới 20 tỷ/năm lên dưới 50 tỷ/năm. (giảm được 29,36 giờ và giảm kê khai thuế GTGT là 8 lần/năm).

Cùng với đó, bãi bỏ quy định việc doanh nghiệp phải điều chỉnh thuế GTGT đầu vào khi đến kỳ hạn thanh toán chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. (giảm được 12 giờ).

Sửa đổi quy định để doanh nghiệp thực hiện tạm nộp thuế TNDN theo quý, cuối năm quyết toán (hiện đang khai, tạm nộp thuế TNDN theo quý và quyết toán năm)(giảm được 47 giờ/năm và giảm số lần khai thuế thu nhập doanh nghiệp là 4 lần/năm).

Đối với các giải pháp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính (giảm 201.5giờ). Bộ Tài chính cho biết đã sửa đổi các chỉ tiêu trên Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào: bỏ 3 chỉ tiêu ký hiệu hóa đơn, mẫu hóa đơn, thuế suất và thay chỉ tiêu “mặt hàng” bằng “ diễn giải kế toán” cho phù hợp với ghi chép kế toán. (giảm 132 giờ).

Bỏ quy định phải tổng hợp và khai các hóa đơn GTGT đầu vào không đủ điều kiện khấu trừ và khai các hóa đơn hàng hóa, dịch vụ không phải tổng hợp trên tờ khai thuế (giảm 12 giờ).

Bỏ quy định phải ghi chú trên bảng kê hóa đơn GTGT đầu vào về thời hạn thanh toán theo hợp đồng đối với hợp đồng thanh toán trả chậm. (giảm 42 giờ).

Sửa các chỉ tiêu liên quan đến hạch toán thu NSNN trên các Giấy nộp tiền vào NSNN của NNT theo hướng doanh nghiệp ghi số tiền thuế phải nộp, cơ quan thuế, kho bạc sẽ tự hạch toán mục lục ngân sách (giảm 8 giờ).

Rà soát các tiêu chí về thời gian lập bảng định mức tiêu hao nguyên vật liệu (đã bỏ), tính toán tỷ giá, giao dịch liên kết (không phù hợp với mô hình doanh nghiệp giả định),.. (khoảng hơn 7,5giờ).

Điều chỉnh, khắc phục sự khác biệt giữa kế toán thuế để phù hợp với chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, chuẩn mực kế toán quốc tế, dự kiến giảm được 52 giờ.

Như vậy, nếu thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ giảm được 370 giờ/năm , thời gian khai thuế của doanh nghiệp còn 167 giờ/năm (tương đương mức bình quân của các nước ASEAN 6).

Theo nhận định của các chuyên gia, với chính sách cải cách trong những năm qua và định hướng đổi mới trong thời gian tới cũng như công tác triển khai, thực hiện đã và sẽ ngày càng góp phần tạo thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để những chính sách đó được đưa vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi, tính phù hợp với sự vận động của nền kinh tế, của doanh nghiệp và phát huy được hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý trong xây dựng, triển khai thực hiện thì các doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất, đóng góp cho công tác xây dựng, cải cách thể chế, chính sách đồng thời nắm bắt để có phương án sản xuất kinh doanh nhằm tận dụng những cơ hội mới về mặt chính sách. Qua đó, phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia với khu vực và thế giới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực