|
Bà Carolyn Turk tại buổi công bố Báo cáo (Ảnh: H.N) |
Đó là lời phát biểu của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Lễ ra mắt Báo cáo Điểm lại “Giáo dục để tăng trưởng” tại Hà Nội ngày 8/8.
Theo bà Carolyn Turk, tăng trưởng GDP đạt 6,4% trong nửa đầu năm 2022 và dự kiến tăng trưởng vẫn khả quan từ nay đến cuối năm cũng như trong năm 2023. Tuy số liệu toàn phần nêu trên làm cho chúng ta yên tâm, nhưng Việt Nam phải đối mặt với rủi ro gia tăng, bao gồm lạm phát gia tăng, nguồn cung của các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) tiếp tục bị gián đoạn, tình trạng thiếu hụt lao động theo báo cáo, và các đợt bùng phát mới của dịch COVID, có thể cản trở phục hồi cả trong nước và trên thế giới. Nếu các nền kinh tế lớn và các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc suy giảm mạnh hơn so với những gì chúng ta dự kiến hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp tục bị ảnh hưởng.
Ấn bản Báo cáo Điểm lại lần này phân tích những diễn biến kinh tế lớn trong nửa đầu năm 2021 và đưa ra dự báo trung hạn cho nền kinh tế, cùng với những rủi ro lớn trong nước và trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến triển vọng dự báo. Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách để có thể giúp giảm nhẹ tác động của những rủi ro đó và để giúp nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn trong thời gian tới.
Cũng giống như trong các ấn bản trước, Báo cáo Điểm lại cũng đưa vào chương hai là chuyên đề về một vấn đề cơ cấu quan trọng để các cấp có thẩm quyền hành động. Lần này, Báo cáo tập trung vào giáo dục sau phổ thông và giáo dục đại học, chính vì vậy, tiêu đề của báo cáo lần này là "Giáo dục để Tăng trưởng.” Đây là chuyên đề hết sức quan trọng. Việt Nam cần có lực lượng lao động có kỹ năng để chuyển mình trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Nếu Việt Nam muốn chuyển đổi mô hình kinh tế để trở thành nền kinh tế số, phát triển năng động, có khả năng chống chịu, lấy trí thức và năng suất làm động lực, chúng ta cần có lực lượng lao động với những kỹ năng của thế kỷ 21 để tiếp tục tăng trưởng.
Dĩ nhiên, các cấp có thẩm quyền đã đạt được những thành tựu tuyệt vời về cung cấp giáo dục phổ thông có chất lượng. Điều này có thể chứng minh bằng số liệu: Sau khi điều chỉnh về thời lượng học tập, số năm học bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, chỉ đứng thứ hai sau Sing-ga-po trong số các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), còn chỉ số vốn con người của chúng ta là 0,69 so với mức tối đa bằng 1, thuộc dạng cao nhất trong số các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, về giáo dục sau phổ thông, bao gồm giáo dục đại học và dạy nghề, thì số liệu chưa được như đáng có. Mặc dù hầu hết việc làm ở Việt Nam tiếp vẫn là những công việc thủ công đòi hỏi kỹ năng hoặc không đòi hỏi kỹ năng, nhưng các doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có các kỹ năng lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên môn kỹ thuật. Theo khảo sát về doanh nghiệp và kỹ năng của Ngân hàng Thế giới (2019), 73% doanh nghiệp Việt Nam trong mẫu cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có các kỹ năng lãnh đạo và quản lý, 54% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng cảm xúc - xã hội, và 68% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật theo vị trí việc làm cụ thể.
Vấn đề trên vừa là vấn đề về chất lượng - sự phù hợp về kỹ năng và khả năng sử dụng sinh viên tốt nghiệp hiện nay - vừa là vấn đề về số lượng - số lượng sinh viên tốt nghiệp. Về chất lượng, Việt Nam hiện có thứ hạng thứ ba từ dưới lên trong số 140 quốc gia có tên trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh năm 2018 liên quan đến mức độ phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học. Còn về số lượng, chỉ có 10,2% dân số ở độ tuổi từ 25 trở lên có bằng cử nhân hoặc tương đương vào năm 2019. Tỷ lệ nhập học gộp ở cấp học sau phổ thông của Việt Nam là 28,6%, thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực, và thấp hơn mức bình quân là 55,1% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao. Ngay lúc này, Việt Nam có khoảng 2 triệu sinh viên được tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục sau phổ thông. Để đạt tỷ lệ tuyển sinh của các quốc gia thu nhập trung bình cao trong dài hạn, chỉ tiêu tuyển sinh phải được nâng lên đến khoảng 3,8 triệu sinh viên, gần gấp đôi so với con số năm 2019.
Để có được lực lượng lao động như vậy, các cấp có thẩm quyền cần tiến hành cải cách cơ cấu và chính sách trong lĩnh vực giáo dục sau phổ thông.