Cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, 26/06/2015 14:01

(ĐCSVN) - Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và lãnh đạo, điều hành cũng như đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện hành được ban hành theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 2/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT ngày 10/01/2011 quy định về nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, danh mục và nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã. Theo đó, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được chia thành 21 nhóm với 350 mã chỉ tiêu. Quốc hội thông qua các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quyết định các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: haiduong.gov.vn)

Theo GS.TS Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, quá trình triển khai thực hiện hệ thống các chỉ tiêu nêu trên đã đạt được những kết quả, đó là: Các chỉ tiêu Quốc hội thông qua là các chỉ tiêu định hướng phát triển chung của nền kinh tế và phát triển từng ngành, lĩnh vực trong thời kỳ kế hoạch. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi. Một số chỉ tiêu đã có phương pháp tính toán phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, đó là, vẫn còn thiếu các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế cũng như đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế như: Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP, năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số HDI, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICOR của nhà nước, cơ cấu lao động.... Chưa bảo đảm thống nhất giữa chỉ tiêu với mục tiêu và giải pháp thực hiện; chưa phân định rõ ràng giữa chỉ tiêu định hướng chung và chỉ tiêu nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với chỉ tiêu phát triển ngành; vẫn còn nhiều chỉ tiêu thể hiện sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào sản xuất kinh doanh; thiếu nhiều chỉ tiêu phản ánh thành quả phát triển trong khi đó lại bao hàm quá nhiều chỉ tiêu mang tính phân tích, đánh giá...

Một số chỉ tiêu phương pháp tính giữa Trung ương và địa phương chưa thống nhất dẫn đến sự không nhất quán về số liệu (chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước: GRDP của các địa phương thường gấp trên 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước). Bên cạnh đó, phương pháp tính một số chỉ tiêu chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, làm hạn chế khả năng so sánh chỉ tiêu của quốc gia với các quốc gia khác. Một số chỉ tiêu khó có thể thu thập số liệu, việc tính toán thiếu khả thi hoặc còn mang tính hình thức. Một số chỉ tiêu mang tính thông tin, định hướng nhưng khó xác định chính xác. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhưng chưa cân đối các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để thực hiện nên tính khả thi thấp.

Hầu hết các chỉ tiêu do cơ quan thống kê công bố sau thời gian báo cáo của cơ quan kế hoạch. Số liệu ước tính, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức một số chỉ tiêu có lúc còn chênh lệch lớn. Công tác theo dõi, rà soát và đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhìn chung còn bất cập. Hệ thống số liệu thống kê chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo GS.TS Vương Đình Huệ, nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống chỉ tiêu kế hoạch chưa cụ thể hóa đầy đủ các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; chưa đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu thống kê. Ý thức chấp hành Luật Thống kê và các luật pháp khác liên quan đến lĩnh vực thống kê; kế toán; ngân hàng; liên quan đến điều tra, báo cáo thống kê của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa được thực hiện nghiêm túc nên số lượng, chất lượng thông tin thống kê vẫn còn những hạn chế; mặt khác Luật Thống kê được ban hành từ năm 2003 đến nay còn nhiều bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Ảnh hưởng của tư duy kế hoạch hóa tập trung và tâm lý thành tích dẫn đến việc xây dựng quá nhiều chỉ tiêu và quá chi tiết; tạo áp lực trong quá trình thống kê, báo cáo số liệu nên tính chính xác còn hạn chế. Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành ở trung ương; giữa các sở ngành ở địa phương còn hạn chế. Cán bộ làm công tác thống kê, đặc biệt là ở cấp xã còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc và hay thay đổi; năng lực phân tích và đánh giá còn thấp.

Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cùng với những hạn chế, bất cập nêu trên đòi hỏi tất yếu phải đổi mới, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 77/2014/QH13 của Quốc hội khóa 13 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 đã “giao Chính phủ rà soát, tính toán và xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường theo kế hoạch 5 năm, hàng năm có tính khoa học và định lượng và phù hợp báo cáo Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 và đưa vào áp dụng từ kế hoạch năm 2016”. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa 13 cũng đang thảo luận Dự án Luật thống kê (sửa đổi) với nhiều đề xuất cụ thể về hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội.

Vì vậy, yêu cầu của việc hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần phải được tiến hành trên cơ sở tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức cơ quan kế hoạch, cơ quan thống kê ở các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan; nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn thông tin do cơ quan thống kê cơ sở thu thập, xây dựng tổng hợp nhằm hình thành hệ thống thông tin kinh tế - xã hội thống nhất, thông suốt và hiệu quả. Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, đồng thời thể hiện sự chủ động hội nhập ngày càng sâu, rộng với quốc tế; nhưng phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước nói chung và khả năng của ngành kế hoạch, thống kê nói riêng để xây dựng lộ trình triển khai phù hợp, bảo đảm tính khả thi cao của các hệ thống chỉ tiêu mới. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải gắn liền với đổi mới các hoạt động công tác kế hoạch, thống kê; đồng thời phải hoàn thiện bộ máy tổ chức, bảo đảm nguồn nhân lực, môi trường pháp lý, cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện khác để triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực