|
Lễ Công bố Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử (TMĐT) 2022 |
Đó là những thông tin được chia sẻ tại Lễ Công bố Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử (TMĐT) 2022, do Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) phối hợp với Trường Đại học Thương mại tổ chức ngày 24/8, tại Hà Nội.
Tại Lễ công bố báo cáo, ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch VECOM cho biết, đơn vị đã phối hợp với hơn 130 trường đại học để khảo sát về thực trạng đào tạo ngành TMĐT trong các trường đại học hiện nay, bao gồm các lĩnh vực như công tác giảng dạy, giáo trình, trang thiết bị, việc kết hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm…Kết quả cho thấy, nhu cầu nhân lực của ngành TMĐT rất lớn dẫn đến xu hướng các trường đại học đào tạo ngành này tăng nhanh. Trước 2016, có khoảng 23% các trường có đào tạo TMĐT; năm 2020 đã tăng lên 49%; đặc biệt từ 2021 đến nay là 28%. Nội dung các học phần chủ yếu về Marketing số, thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến, chuỗi cung ứng logisics…
Cũng theo báo cáo, trong số 132 trường khảo sát thì 36 trường đào tạo TMĐT trình độ đại học, 36 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT; 53 trường đào tạo môn TMĐT. Vì thế, việc tuyển sinh cũng vô cùng thuận lợi, thu hút được sinh viên đầu vào chất lượng khá với điểm chuẩn tuyển sinh tương đối cao. Nhiều sinh viên tìm được việc làm khi chưa tốt nghiệp và phần lớn sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo sau khi ra trường với mức lương hấp dẫn.
TS Nguyễn Trần Hưng - Trưởng khoa Hệ thống Thông tin Kinh tế và TMĐT (Trường Đại học Thương mại) chia sẻ, 95% sinh viên ngành TMĐT của trường sau khi tốt nghiệp đã có việc làm ngay. Điều này phản ánh được nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn hiện nay và trong cả tương lai. Sở dĩ có được tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao vì Đại học Thương mại là một trong các trường tiên phong về đào tạo TMĐT từ năm 2006. Nội dung đào tạo của trường gắn với thực tiễn chứ không nghiêng về lý thuyết.
Tuy nhiên, Trong bối cảnh đó, tốc độ đào tạo cũng tăng nhanh. Song, hiện số lượng giảng viên chỉ đủ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu. Có nhiều trường còn chưa đủ giáo viên, hoặc đủ rồi nhưng so với nhu cầu đào tạo thì chưa đáp ứng được... Chính vì thế, để đạt được mục tiêu 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT theo Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, cần chú tới vấn đề đào tạo đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, một số tham luận cũng chỉ ra rằng học liệu phục vụ đào tạo TMĐT chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập. Có tới 67% các trường đại học sử dụng giáo trình của nước ngoài. Việc hợp tác trong đào tạo TMĐT còn mờ nhạt ở mọi hình thức, dù là hợp tác giữa các trường đại học, giữa các trường với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, hay giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Vì vậy, các ý kiến cho rằng cần phải thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT để bồi dưỡng giảng viên, chia sẻ phương pháp giảng dạy, nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu TMĐT tử; đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành; kết nối doanh nghiệp…