Cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn

Thứ năm, 18/06/2015 16:17
(ĐCSVN) - Sau một số khó khăn hồi giữa năm 2014, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trở lại và tăng trưởng cuối năm đã vượt mức kỳ vọng. Cốt lõi của sự khởi sắc này là các chỉ số kinh tế vĩ mô căn bản đã được cải thiện, FDI trong lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu của khu vực FDI tăng vững chắc, và môi trường kinh doanh đã có những cải cách quan trọng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm đáng kể, tới một mức độ mà nghèo cùng cực hầu như đã được xóa bỏ. Mặc dù tăng trưởng đã được cải thiện, những kinh tế Việt Nam vẫn phát triển dưới mức tiềm năng do sự yếu kém trong những cải cách cơ cấu và sự bất trắc trên toàn cầu. Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều câu hỏi quan trọng như làm thế nào để kiềm chế mức nợ công đang tăng lên, để chứng tỏ quyết tâm cao hơn trong việc thực hiện chương trình cải cách đầy tham vọng của chính phủ (đặc biệt trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước), và làm thế nào để đảm bảo một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước.

Những diễn biến tích cực

Đã có những dấu hiện tích cực cho thấy sự khởi sắc trong hoạt động kinh tế ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%. Mức tăng trưởng năm 2014 cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Bước sang năm 2015, GDP quý I/2015 ước tính tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2014, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 5 năm qua (mức tăng GDP quý I của một số năm: Năm 2011 tăng 5,90%; năm 2012 tăng 4,75%; năm 2013 tăng 4,76%; năm 2014 tăng 5,06%). Sự khởi sắc trong nền kinh tế được dẫn dắt bởi các ngành nông nghiệp và chế tạo. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dưới mức tiềm năng, do những cải cách cơ cấu diễn ra chậm, đặc biệt trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

 
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả công bằng, làm giảm đáng kể tình trạng nghèo và đem lại sự thịnh vượng chung. Bất bình đẳng được tính bằng hệ số Gini đã tăng nhẹ trong giai đoạn đầu thập kỷ 1990 cho đến năm 2004, sau đó ổn định rồi giảm nhẹ trong số liệu của những năm gần đây (2010 - 2012). Tỷ lệ nghèo đã giảm liên tục và đáng kể. Tình trạng nghèo chủ yếu diễn ra ở nông thôn (95% người nghèo sống ở khu vực nông thôn) và tập trung ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, khu vực giáp biên của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ và một số địa bàn ở Tây Nguyên.

Mặc dù tỷ lệ nghèo chung đã giảm, nhưng mức độ tập trung của người dân tộc thiểu số trong dân số nghèo lại tăng lên. Các dân tộc thiểu số chiếm 15% tổng dân số Việt Nam, nhưng lại chiếm hơn 70% dân số nghèo nhất - tính theo chuẩn nghèo cùng cực quốc gia. Những địa bàn nghèo nhất ở Việt Nam có sự hiện diện khá lớn của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng cùng với sự tăng trưởng kinh tế chung, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã cải thiện mạnh mẽ qua thời gian; tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm từ 66% xuống 59% trong giai đoạn 2010 - 2012.

Các thách thức

Kinh tế vĩ mô ổn định hơn là nền tảng cho sự tăng trưởng trong những năm gần đây. Lạm phát CPI đã ổn định, bình quân ở mức 4,1% trong năm 2014 (mức thấp nhất kể từ năm 2003), nhờ vào sự suy yếu trong giá cả lương thực và năng lượng trên toàn cầu. Xuất khẩu tăng vững chắc, dòng FDI và kiều hối được duy trì và nhập khẩu yếu đã giúp cải thiện cán cân vãng lai, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay khoảng trên 35 tỷ USD, tương đương 12 tuần nhập khẩu. Những diễn biến tích cực này đã góp phần cải thiện xếp hạng tín dụng quốc gia và giúp Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế với các điều kiện thuận lợi.

Nợ công gia tăng đang trở thành một mối quan ngại đối với chính phủ. Nợ công gia tăng chủ yếu do nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách, phần lớn huy động từ nguồn vốn nội địa. Tổng dư nợ công và nợ được bảo lãnh công là 61% GDP tính đến cuối năm 2014, trong đó nợ trong nước đã tăng từ 23% GDP năm 2010 lên 32% năm 2014. Các nghĩa vụ nợ dự phòng trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đang gia tăng áp lực đối với sự bền vững nợ công. Thâm hụt tài khóa tăng từ 1,1% GDP trong năm 2011 lên mức bình quân 5,9% trong giai đoạn 2012 - 2014, phản ánh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Biện pháp kích thích tài khóa được thể hiện ở cả sự sụt giảm thu ngân sách lẫn tăng chi thường xuyên.

Mặc dù đã có những khởi động ban đầu nhưng công cuộc đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra chậm hơn so với các chỉ tiêu kế hoạch. 148 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa trong năm 2014, gấp đôi con số năm 2013, nhưng vẫn thấp hơn chỉ tiêu cổ phần hóa 200 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014. Sắp kết thúc kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, nhưng vẫn còn 289 doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần được. Tuy nhiên, chỉ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là chưa đủ. Những cải cách này phải tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ cạnh tranh trong khu vực doanh nghiệp, với những biện pháp có trọng tâm nhằm củng cố quản trị doanh nghiệp và thực thi hợp đồng, cũng như giảm các rào cản gia nhập thị trường. Phải có sự chú trọng đặc biệt đến việc thúc đẩy một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh.

Chính sách tiền tệ được điều hành theo định hướng nới lỏng trong năm 2014. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng bị kìm hãm bởi bảng cân đối tài sản yếu kém của các ngân hàng, những quan ngại về sức khỏe tài chính của người vay và cầu tín dụng yếu do niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng còn thấp.

Và triển vọng

Các dự báo trung hạn đều phản ánh sự cải thiện dần dần trong tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô trước áp lực ngày càng lớn của nợ công đang gia tăng. Lạm phát được dự báo sẽ ở mức vừa phải trong năm 2015 do giá lương thực và nhiêu liệu toàn cầu ở mức thấp và cầu tư nhân trong nước phục hồi.

Xuất khẩu tăng mạnh và kiều hối ổn định là những yếu tố giúp cán cân vãng lai tiếp tục thặng dư, mặc dù quy mô thặng dư sẽ giảm do kinh tế khởi sắc kéo theo nhập khẩu gia tăng. Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thâm hụt tài khóa sẽ giảm xuống dưới 4% GDP vào năm 2017, cho thấy sự cần thiết phải tiến hành củng cố tài khóa trong trung hạn và đồng thời phải có một kế hoạch đáng tin cậy nhằm củng cố tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước để đảm bảo tính bền vững của nợ công.

Dự kiến tỷ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm. Nghèo cùng cực (theo chuẩn nghèo 1,25 USD/ngày) được dự kiến sẽ giảm từ 2,9% trong năm 2012 xuống dưới 1% trong năm 2017, còn tỷ lệ dân số sống dưới 2 USD/ngày sẽ giảm từ 12,1% trong năm 2012 xuống 5,8% trong năm 2017.

Các rủi ro đối với triển vọng trung hạn vẫn chủ yếu mang tính tiêu cực. Sự suy yếu của giá cả mặt hàng gạo và các nông sản khác trên toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến thu nhập và tiêu dùng của các hộ gia đình nông thôn, làm nới rộng khoảng cách thành thị - nông thôn. Giá dầu giảm cũng có thể gia tăng áp lực đối với thu ngân sách. Đầu tư tư nhân trong nước vẫn còn dè dặt bởi niềm tin của doanh nghiệp còn thấp.

Ở phương diện kinh tế đối ngoại, tăng trưởng toàn cầu vẫn chậm và còn nhiều bất trắc. Điều này tạo ra những rủi ro đối với xuất khẩu và dòng FDI chảy vào Việt Nam. Yếu tố thuận lợi là các hiệp định thương mại đang đàm phán có thể đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra những thị trường bên ngoài rộng lớn hơn và giàu có hơn.

Những cải cách trong nước, bao gồm việc củng cố tài khóa trung hạn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực đổi mới khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước với quyết tâm cao hơn, rõ ràng hơn, sẽ phát những tín hiệu quan trọng đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và đặt nền móng cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực