Chuyển hướng chiến lược trong 2021 góp phần duy trì tăng trưởng và kiềm chế dịch bệnh

Thứ tư, 05/01/2022 17:23
(ĐCSVN) – Từ đầu tháng 10/2021, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại. Nhờ đó, kinh tế đất nước từ mức tăng trưởng âm trong quý III (-6,02%) đã khởi sắc trong quý IV (+5,22%) với nhiều điểm sáng. Tăng trưởng năm 2021 tuy ước chỉ đạt 2,58% nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê thì đây vẫn là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.

Nhận định trên được nêu ra tại Tọa đàm "Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/1/2022, các khách mời phân tích, đánh giá về những chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, các dấu ấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là suy nghĩ và nhận định về triển vọng năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm (Ảnh: PV) 

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Với quan điểm nhất quán là đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch như: Chiến lược vaccine; tiếp cận toàn dân, lấy xã phường làm pháo đài; điều động lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ các tỉnh phía nam; từ chính sách “không COVID-19” chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế… từ đầu tháng 10/2021, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại. Nhờ đó, kinh tế đất nước từ mức tăng trưởng âm trong quý III (-6,02%) đã khởi sắc trong quý IV (+5,22%) với nhiều điểm sáng. Tăng trưởng năm 2021 tuy ước chỉ đạt 2,58% nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê thì đây vẫn là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.

Tầm quan trọng của Nghị quyết 128 trong cục diện phòng chống dịch và phát triển kinh tế

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Trần Quốc Phương (Ảnh: PV)

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 có ý nghĩa rất quan trọng cả trong chống dịch và phát triển kinh tế. Có thể nói, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Trong thời gian cả năm 2020 và 2021, từ đợt dịch đầu tiên đến đợt dịch thứ 3, thứ 4 bùng phát, những chiến lược chống dịch mà Chính phủ đưa ra phù hợp và hiệu quả với từng giai đoạn chống dịch.

“Tôi cho rằng, Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vaccine cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí chống giặc. Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 cũng không nên muộn hơn bởi quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Về kinh tế, tôi cho rằng Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay”- Thứ trưởng Phương nói.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ  (Ảnh: PV)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng đồng tình với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, điều này đã đánh dấu chuyển trạng thái phòng chống dịch rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch. Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi chúng ta đã có tỉ lệ phủ vaccine nhất định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, Nghị quyết 128 ra đời là một quyết định mạnh mẽ trên cơ sở khoa học mà Chính phủ đưa ra, phù hợp với tình hình thực tế của nước ta.

Thời điểm chuyển chiến lược phòng chống dịch là hết sức phù hợp

Tất cả các diễn giả tham dự Tọa đàm đều chung nhận định, việc chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch của năm 2021 là hết sức phù hợp. Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng khi chuyển hướng chiến lược, để phục hồi nền kinh tế phát triển tiếp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: PV) 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: Dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta là một bệnh truyền nhiễm mới nổi, chúng ta vừa nghiên cứu vừa đưa những giải pháp, biện pháp phù hợp, hiệu quả cho đất nước ta. Với tinh thần như vậy, mỗi giai đoạn chúng ta nghiên cứu, kể cả kinh nghiệm của các nước và thực tế công tác phòng chống dịch của chúng ta, để đưa ra những giải pháp phù hợp cao nhất. Căn cứ vào thực tiễn, chúng ta đã đưa ra những biện pháp linh hoạt, cụ thể, tuỳ tính chất của từng giai đoạn, từng địa phương, chúng ta đã thành công trong công tác phòng, chống dịch. Đáng chú ý là, đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hướng từ Zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt là đúng với tình hình phòng chống dịch của chúng ta. Hiện nay, Chiến lược này là phù hợp và đang mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế -xã hội.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Tuyên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, không có giải pháp chung, đồng nhất chống dịch cho tất cả các nước hay tại một nước cũng không có giải pháp chung cho các tỉnh mà phải tùy thuộc điều kiện của từng nơi. Chính vì vậy, nhìn lại công tác phòng chống dịch xuyên suốt của nước ta, có 3 điểm nổi bật: Một là, học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ các nước, đặc biệt là các giải pháp phổ biến trong đó phải có vaccine và thuốc điều trị. Hai là, có những giải pháp dựa vào cộng đồng rất tốt. Ba là, đại dịch này chưa có tiền lệ và các giải pháp đưa ra là để thử nghiệm, có sự điều chỉnh linh hoạt. “Đến nay, suốt gần 2 năm chống dịch, chúng ta có thể rút ra nguyên tắc hết sức quan trọng về phòng chống dịch COVID-19, đó là: Y tế là trụ cột; kinh tế là cơ sở; ổn định an ninh, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; công nghệ, dữ liệu là vấn đề then chốt; vaccine, thuốc điều trị, ý thức cộng đồng là tiên quyết và sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất’ - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (Ảnh: PV) 

Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, là người trực tiếp triển khai nhiệm vụ đưa quân đội vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam thông tin, trên cơ sở cân nhắc và phân tích các yếu tố, sự tham mưu của Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng, bám sát vào mục tiêu đặt ra, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đã ra quyết định rất kịp thời, sáng suốt, quyết đoán, tức là sử dụng một lực lượng có lựa chọn, chủ yếu là y tế, quân đội, công an để chi viện cho các tỉnh phía nam tham gia phòng chống dịch. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, chức năng, nòng cốt là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã điều động một lực lượng, phương tiện lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các lực lượng đều hăng hái lên đường chi viện cho miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đây chính là quyết định có tính bước ngoặt để sau đó, chỉ trong một thời gian ngắn (3 tháng), chúng ta đã từng bước kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Các diễn giả cũng bày tỏ hy vọng một cách thận trọng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn của các bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, chúng ta sẽ đồng lòng, tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra để góp phần giúp đất nước phục hồi nhanh, phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững và tiếp tục thành công trong quá trình chống lại đại dịch COVID-19.

Từ khó khăn và thành tựu của 2021, chúng ta có quyền tin tưởng vào việc kinh tế quay lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022. Đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển đạt được thành tựu toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Có thể thấy, chúng ta có cơ sở để tin tưởng và kỳ vọng vào sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế đất nước trong năm tới, đưa đất nước vững bước vượt qua đại dịch, tiến về phía trước, tiến tới phồn vinh./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực