Đẩy mạnh xuất khẩu trái cây thông qua hợp tác xã

Thứ ba, 12/10/2021 08:59
(ĐCSVN) - Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu hàng rau, quả của thế giới tăng cao, trong khi đó tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm 1% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới. Đây chính là cơ hội để các hợp tác xã (HTX) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trái cây trong thời gian tới, đặc biệt khi rau, quả là 1 trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (Nguồn: T.V)

Nông nghiệp của Việt Nam, với sự ưu đãi về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu (nhiều tiểu vùng khí hậu), phù hợp cho phát triển đa dạng các loại trái cây có giá trị kinh tế cao, tiềm năng xuất khẩu lớn. Hiện nay, trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU. Các HTX có nhiều sản phẩm thế mạnh xuất khẩu như vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, dứa, dưa, xoài... đều đang rất cần tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế.

Đặc biệt, các HTX có kinh nghiệm và kỹ năng tốt trong trồng trọt và làm vườn, có lợi thế về các giống trái cây tiên tiến. Sản phẩm trái cây của các HTX có ưu điểm là ngày càng đa dạng hơn như IQF (trái cây được cấp đông), nước trái cây tươi, đóng hộp, cô đặc…

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến “Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu trái cây của các HTX với các thị trường nước ngoài tiềm năng” rằng: đa số các HTX nhận thức được tầm quan trọng trong quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm của các HTX và doanh nghiệp chế biến trái cây xuất khẩu đã được chứng nhận kiểm soát an toàn thực phẩm như HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn), BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội bán lẻ Anh quốc thiết lập) và Halai (sản phẩm cho phép người Hồi giáo sử dụng)…

Đặc biệt, hiện nay, với nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây dự báo tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 - 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào năm 2025. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu hàng rau quả của thế giới quý I/2021 đạt 70,1 tỷ USD, tăng 5% so với quý I/2020. Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA, rau, quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận, sản phẩm trái cây của các HTX vẫn còn có hạn chế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như MRL (nồng độ tối đa dư lượng thuốc trừ sâu), nồng độ kim loại nặng trong trái cây còn chưa đạt yêu cầu. Các yếu tố đầu vào cho sản xuất và chế biến sản phẩm trái cây phải nhập khẩu; 90% trái cây được xuất khẩu ở dạng thô và sơ chế; dịch vụ hậu cần, chi phí vận chuyển cao; tình trạng được mùa mất giá do cung vượt cầu; các HTX chế biến trái cây sử dụng nhiều lao động phổ thông...

Đồng quan điểm, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan nhận định, mặc dù vài năm trở lại đây, trái cây tươi Việt Nam đã thâm nhập tốt vào thị trường Hà Lan nhưng với số lượng không nhiều, đó là trái thanh long, quả vải, quả nhãn, chanh dây. Trái cây Việt Nam phải cạnh tranh với trái cây của các nước châu Á khác như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia và trái cây của Nam Mỹ (xoài, bơ, mít, chanh dây), đặc biệt các loại trái cây nhiệt đới từ Nam Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều do lợi thế vận chuyển (thường 8-10 ngày), nguồn cung ổn định và lợi thế về giá. Tại Hà Lan, trái cây Việt Nam nhập khẩu đa số phần phối tại các siêu thị châu Á (do người gốc Trung Quốc, gốc Việt, Indonesia làm chủ) hay các cửa hàng chuyên rau quả của người Thổ, Ấn Độ hay Pakistan.

Để trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường Hà Lan và người châu Âu thực sự là quá trình lâu dài, các HTX đòi hỏi sự đầu tư lớn: từ quy hoạch vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định châu Âu khắt khe đối với trái cây tươi, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch và bí quyết đóng gói để vận chuyển bằng đường biển (từ 4-5 tuần) và quan trọng mà các nhà nhập khẩu Hà Lan yêu cầu là nguồn cung ổn định (trừ các loại theo mùa vụ như vải, nhãn).

“Công tác truyền thông, quảng bá, tiếp thị sản phẩm rất quan trọng, đặc biệt là người Hà Lan chính gốc, để dần dần thay đổi thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng của họ”- bà Võ Thị Ngọc Diệp lưu ý.

Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo Global GAP hay EuroGAP,… và đảm bảo nguồn cung ổn định về số lượng và chất lượng sản phẩm, hiểu tập quán kinh doanh cũng là yếu tố quan trọng khi tiếp cận các thị trường nước ngoài. Cụ thể, theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh dẫn chứng: nước Anh không mua trái cây trực tiếp từ Việt Nam, vì người Anh không muốn kinh doanh với người lạ, họ chấp nhận mua hàng Việt Nam qua Hà Lan, Pháp, hay Đức, Séc, nhằm giảm rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng.

Chính vì nguyên nhân trên, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã huy động các nguồn lực hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả thị trường. Hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối người sản xuất là các HTX với các nhà phân phối, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Qua đó, đã kết nối tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản của thành viên trong thời gian ngắn, góp phần giảm tình trạng ứ đọng, giảm giá trị nông sản.

 

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực