Để các làng nghề vững bước trên con đường hội nhập

Chủ nhật, 26/04/2015 23:44

(ĐCSVN) – Kể từ năm 2015, cánh cửa xuất khẩu hứa hẹn rất rộng mở với việc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực hiện và nhiều cơ hội thị trường mới. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi và thời cơ, các làng nghề cần chủ động đối mặt với thách thức. Gia nhập thị trường thương mại tự do cũng đặt ra yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh của các làng nghề truyền thống nếu muốn đạt hiệu quả cao trong hội nhập.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến 31/12/2014, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề. Số làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748 thu hút khoảng 10 triệu lao động (trong đó riêng Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề với 286 làng nghề đã được UBND TP công nhận là làng nghề truyền thống). Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến như: Lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu, gốm Bầu Trúc, gỗ Sơn Đồng, Ý Yên, mây tre Phú Vinh, bạc mỹ nghệ Đồng Xâm...

Trải qua những năm đổi mới, làng nghề Việt Nam đã có bước khởi sắc, doanh thu hàng năm đều tăng, đời sống của cư dân làng nghề được cải thiện. Số liệu của cơ quan Hải quan cho thấy, năm 2014, riêng xuất khẩu mây tre, cói thảm đã đạt 250,6 triệu USD và xuất khẩu gốm sứ đạt 508,2 triệu USD. Có nhiều làng nghề trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến như lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ... có 38/63 tỉnh đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề.  Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề chưa thật sự bền vững, sức cạnh tranh còn kém.

Khi thuận lợi song hành với thách thức

Khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ngoài cơ hội mở rộng thị trường ASEAN với 600 triệu dân, các làng nghề Việt Nam còn có thể tiếp cận những thị trường rộng lớn hơn, vì ASEAN có một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… thông qua các thỏa thuận riêng rẽ. Cùng với đó, việc tự do di chuyển nguồn nhân lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của Việt Nam làm việc tại các nước ASEAN và ngược lại. Điều này sẽ thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế, để nền kinh tế Việt Nam nói chung, làng nghề nói riêng trở nên năng động hơn. Cộng với việc thông qua các FTA, phía đối tác đã cam kết dành thị trường với thuế suất ưu đãi bằng 0% cho toàn bộ sản phẩm thủy sản, sản phẩm công nghiệp giày dép, phần lớn sản phẩm trong lĩnh vực dệt may và cho một số sản phẩm công nghiệp chế biến như đồ gỗ, cà phê, chè... và các mặt hàng chế biến khác.

 

 Làng nghề chạm khắc đá Ninh Bình (Ảnh: V.T)


Đơn cử như, với các thị trường mới có được từ các FTA như: Liên minh châu Âu là 500 triệu dân, Hàn Quốc hơn 40 triệu dân và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan 170 triệu dân sẽ mở ra cơ hội tiêu thụ hàng hóa lớn, góp phần đẩy mạnh được sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với các cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Nước ta sẽ có nguy cơ bị mất thị trường nội địa vào tay các doanh nghiệp ASEAN, bởi từ nhiều năm nay, hàng hóa của các nước trong khối đã tràn ngập thị trường Việt Nam. Mặt khác, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu nhờ lao động giá rẻ cũng đối mặt với thách thức khi đang có nhiều nhược điểm như năng suất lao động thấp, thể lực yếu, tác phong công nghiệp chưa cao, tiếng Anh còn hạn chế… Một khó khăn nữa là các làng nghề hầu hết “mạnh ai nấy làm”, chưa có chiến lược dài hơi nên khó đạt hiệu quả cao khi hội nhập.

Hiện nay, khả năng liên kết giữa các làng nghề rất kém. Các làng nghề có thế mạnh là tạo ra những sản phẩm rất tỉ mỉ, nắn nót nhưng khi khách hàng cần một container hàng và giao trong vòng một tháng thì hầu như các làng nghề đều xoay xở không kịp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã phải bỏ những đơn hàng lớn khiến cho khách hàng phải chuyển sang đặt mua ở những thị trường khác như Lào, Thái Lan hay Trung Quốc. Bên cạnh đó, vấn đề thiết kế kiểu dáng và bảo vệ bản quyền cũng đang là một thách thức đối với các làng nghề hiện nay. Thêm nữa, các sản phẩm làng nghề thường có chất lượng sản phẩm hàng hóa thấp, mẫu mã đơn điệu, chậm thay đổi, thiếu độ tinh xảo và kém sức cạnh tranh. Thị trường chậm được mở rộng, làng nghề mới chỉ bán những sản phẩm hàng hóa mà làng nghề có, chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của người tiêu dùng. Đối với thị trường trong nước, làng nghề cũng chưa vươn tới nhiều vùng; với thị trường nước ngoài thì việc tiếp thị còn kém. Các làng nghề cũng chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ.

Rõ ràng, khi rào cản thuế bị xóa bỏ hoặc giảm sâu, nếu sức cạnh tranh không có nhiều cải thiện, doanh nghiệp trong nước cũng phải đối mặt với nguy cơ mất “sân nhà”. Do đó, hội nhập chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải gắn với cải cách trong nước tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng

Trước những cơ hội và thách thức đó, vấn đề cấp bách đặt ra là nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từ đó tăng năng lực của mỗi làng nghề trên thị trường quốc tế. Theo đó, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề cần không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo. Đẩy mạnh việc đăng ký thương hiệu để giữ bản quyền đối với một số sản phẩm tiêu biểu của cơ sở, làng nghề, phố nghề.

Các làng nghề cần đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ của người lao động, thực hiện các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ mới; đồng thời phát huy thế mạnh của các nghệ nhân trong việc cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ.

 

 Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội (Ảnh: HNV)


Một số ý kiến khác lại đánh giá cao việc bố trí lại bộ máy quản trị cơ sở, tức là mỗi đơn vị sản xuất cần phân công cho từng người ở từng khâu và quy định trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật rõ ràng. Bên cạnh đó, phải có sự liên kết giữa các cơ sở cùng nghề, cùng làng, phố nghề để hợp lực, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi cơ sở. Ngoài ra, các làng nghề cần thường xuyên tổ chức giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm mới qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từng bước tiến tới giao dịch, bán hàng trực tiếp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ để giảm bớt chi phí trung gian với giá cả công khai, minh bạch; hoặc phát triển phương thức bán hàng trên internet, qua trang tin điện tử của cơ sở sản xuất, làng nghề, phố nghề, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam...

Bên cạnh sự nỗ lực của các làng nghề, sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước cũng rất cần thiết. Thực tế, những năm gần đây, các hợp đồng ngày càng ít, lao động thiếu việc làm, doanh nghiệp ngừng trệ hoặc đóng cửa, giải thể, có nơi gần như phải bỏ nghề. Trong khi đó, làng nghề gồm phần lớn là hộ gia đình, quy mô nhỏ, có nhiều yếu kém, do đó, hơn bao giờ hết, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần tiếp tục được đẩy mạnh để tạo thuận lợi cho các cơ sở làng nghề tăng sức “chiến đấu” và phát triển bền vững”.

Quả thực, rất cần tới cơ chế, chính sách để tập trung, thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các làng nghề, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tương tự như xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển làng nghề phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Họ chính là người được thụ hưởng các thành quả trong phát triển làng nghề đồng thời có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng để làng nghề bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng một mô hình chuẩn về quản lý môi trường ở các làng nghề nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Trong “thế giới phẳng” với mức độ hội nhập sâu rộng như hiện nay, xu thế phát triển chung có ảnh hưởng trực tiếp tới từng làng nghề. Tuy nhiên, vấn đề gì cũng có hai mặt, đã là thách thức thì bao giờ cũng mở ra cơ hội và ngược lại. Đó cũng chính là điều kiện để các nghề truyền thống vận động, tìm tòi ra hướng đi, cách thức mới phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường. Các làng nghề phải ghi nhớ là tạo ra lợi nhuận chủ yếu từ lao động sản xuất chứ không phải từ kinh doanh, buôn bán. Do đó, nếu có sự đầu tư tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, chịu khó đổi mới cải tiến mẫu mã, năng động tìm kiếm bạn hàng… thì chắc chắn sẽ duy trì được mức độ ổn định và phát triển.

Quan tâm hơn đến thị trường nội địa

Thị trường nội địa không chỉ tạo ra cơ hội mà còn là điểm tựa của nhiều doanh nghiệp, nhất là đối với làng nghề khi thị trường thế mới biến động mạnh. Cùng với chiến lược riêng của mỗi doanh nghiệp, mỗi làng nghề, mới đây, Chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia cũng đặt ưu tiên cho phát triển thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn. Các hoạt động này cũng nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Năm 2015, Chương trình XTTM quốc gia được phê duyệt với 212 đề án của 70 đơn vị chủ trì, tổng kinh phí là 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một loạt các chính sách phát triển thị trường nội địa cũng đã được xây dựng, ban hành. Tất nhiên, Chính phủ chỉ tạo những thuận lợi trong khuôn khổ chính sách vĩ mô, còn phát huy lợi ích đó phải từ chính các doanh nghiệp. Vì vậy, ngay từ lúc này, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, bản thân doanh nghiệp, làng nghề cũng phải tự tăng năng lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước, tranh thủ các cơ hội mà chính sách mang lại…

Trước mắt, Nhà nước cần phải tuyên truyền rộng rãi để các cơ sở làng nghề có thông tin, hiểu rõ hơn và nắm chắc các quy định về AEC nói riêng và các FTA nói chung, từ đó chủ động chuẩn bị các giải pháp khi hội nhập. Đồng thời, bản thân các làng nghề cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin trước “làn sóng” hội nhập sâu rộng hiện nay để có hướng phát triển bền vững.

Sự tồn tại của từng nghề là do thị trường quyết định. Có cầu mới có cung. Người dân muốn giữ nghề, dù là nghề truyền thống ông cha để lại, nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được thì cũng khó tồn tại với nghề. Bởi thế, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định, nâng cao chất lượng, giá thành hợp lý thì không trở ngại nào có thể ngăn làng nghề truyền thống trên bước đường hội nhập./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực