Để người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng của đổi mới sáng tạo

Thứ ba, 29/12/2020 11:18
(ĐCSVN) – Hiện nay, mạng lưới đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đã có hơn 1.000 thành viên tại 14 quốc gia, với 05 mạng lưới thành phần tại Mỹ, Đức, Nhật, Úc, và hiện tiếp tục triển khai hình thành các mạng lưới thành phần tại Canada, Singapore, Hàn Quốc, Anh…

Trong khuôn khổ họp báo về Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam (Vietnam International Innovation Expo 2021- VIIE) và Khởi công dự án xây dựng Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) diễn ra sáng 29/12 tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Duy Đông một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển chung giai đoạn hiện nay.

 Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông chủ trì Họp báo (Ảnh: PV)

Theo Thứ trưởng, thời gian qua, Bộ KHĐT tích cực, tiên phong triển khai các chủ trương của Đảng và nhiệm vụ của Chính phủ về chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Cụ thể, với vai trò tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô, trong những năm qua, Bộ đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn trong và ngoài nước, tham vấn ý kiến của đơn vị tư vấn quốc tế và các cơ quan liên quan về việc tận dụng các thành tựu của CMCN 4.0 trong phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cho Việt Nam trong dài hạn.

Đáng chú ý, Bộ đã chủ động đề xuất và triển khai 3 nhiệm vụ lớn: Sáng kiến thành lập Mạng lưới ĐMST Việt Nam nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực trí thức cho ĐMST từ năm 2018; Thành lập Trung tâm ĐMST Quốc gia là nơi hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái ĐMSTViệt Nam; Xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 trình Thủ tướng.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, hiện nay, mạng lưới ĐMST quốc gia đã có hơn 1.000 thành viên tại 14 quốc gia, với 05 mạng lưới thành phần tại Mỹ, Đức, Nhật, Úc, và hiện tiếp tục triển khai hình thành các mạng lưới thành phần tại Canada, Singapore, Hàn Quốc, Anh…

Đặc biệt, NIC được thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMSTViệt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Đồng thời, Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 52-NQ/TW, NIC được xây dựng để trở thành mô hình thúc đẩy ĐMST Việt Nam với cơ chế vượt trội và có khả năng nhân rộng ra các địa phương, khu vực nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng vùng kinh tế. Việc phát triển được mạng lưới các trung tâm ĐMST như chủ trương của Đảng sẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy sự chuyển đổi kinh tế các địa phương, các vùng kinh tế thông qua các liên kết về đổi mới sáng tạo, đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn lực và góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của từng địa phương và của Việt Nam.

Quang cảnh họp báo (Ảnh: PV) 

Liên quan tới VIIE 2021, Thứ trưởng Đông thông tin, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 trong đó nêu rõ yêu cầu: “Phát triển hệ thống ĐMSTquốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh”. Trên cơ sở đó, Bộ KHĐT đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành, Viện trường, các doanh nghiệp/tập đoàn sẽ tổ chức VIIE 2021 trong 02 ngày 09 & 10 tháng 1 năm 2021 tới đây.

VIIE 2021 là triển lãm đầu tiên về lĩnh vực này, nhằm kết nối đầy đủ các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, hướng tới xây dựng hệ thống ĐMST lấy doanh nghiệp là trung tâm, Viện- trường là chủ thể nghiên cứu; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và ĐMST trong giai đoạn tới.

Theo đó, VIIE 2021 mang nét đặc trưng, khác biệt riêng có khi đây là nơi kết nối các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam; nơi giới thiệu, tôn vinh các thành tựu ĐMST trong và ngoài nước; tạo “sân chơi mới” cho hoạt động ĐMST của mọi thành phần: từ người dân tới doanh nghiệp, từ cộng đồng yếu thế tới các tổ chức quốc tế, tập đoàn công nghệ. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người dân, doanh nghiệp về ĐMST. Đặc biệt, cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, của Chính phủ về chủ động tham gia CMCN 4.0, đặc biệt huy động, tận dụng các nguồn lực xã hội cùng mạng lưới tri thức trong và ngoài nước tham gia xây dựng hệ thống ĐMST Việt Nam.

Được biết, tại Triển lãm năm nay, Bộ KHĐT cùng các cơ quan phối hợp chủ trương kết nối đầy đủ các chủ thể tích cực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của khối doanh nghiệp. Do đó, các sản phẩm được trưng bày trong Triển lãm hết sức đa dạng và đến từ nhiều thành phần tham dự: tập đoàn công nghệ trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp SMEs, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (starups), các hợp tác xã, doanh nghiệp xã hội và cả các mô hình kinh doanh của người yếu thể có ứng dụng đổi mới và sáng tạo trong các khâu sản xuất. Bên cạnh đó, khối Viện – trường cũng tích cực tham gia Triển lãm với vai trò chủ thể nghiên cứu như: Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Học viện Khoa học nông nghiệp…

Tới đây, Triển lãm quốc tế ĐMST VN được xây dựng là sự kiện quốc tế thường niên tổ chức tại Việt Nam nhằm tôn vinh các hoạt động ĐMST trong nước và quốc tế; với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm của ĐMST trong khu vực trong kỷ nguyên mới. Do bối cảnh dịch bệnh COVID năm nay, Triển lãm chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Dự kiến trong các năm tới, Triển lãm sẽ mở rộng phạm vi và thành phần tham dự là các doanh nghiệp công nghệ, các tập đoàn lớn trên thế giới để giới thiệu những công nghệ tiên phong, những thành tựu ĐMST nổi bật của khu vực; hướng tới thúc đẩy hợp tác, liên kết của các chủ thể hệ sinh thái ĐMST trong và ngoài nước.

Chia sẻ về quan điểm thúc đẩy ĐMST tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định rằng, Bộ KHĐT xác định quan điểm ĐMST không chỉ là những gì cao siêu mà là những sáng kiến mới, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng, những sáng kiến nhỏ có ích cho cộng đồng. "ĐMST là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể" - Thứ trưởng nói.

Theo đó, hoạt động ĐMST có thể thực hiện hàng ngày, hàng giờ, trong những hoạt động từ đơn giản đến phức tạp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tư duy ĐMST cần được trang bị và khuyến khích trong mỗi người dân, để người dân vừa là đối tượng của các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhưng cũng đồng thời là chủ thể chính của các hoạt động đổi mới sáng tạo./.

Hà Anh (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực