Để quy hoạch tổng thể quốc gia phát huy tối đa mục tiêu tạo lợi thế cho đất nước

Thứ tư, 14/09/2022 17:26
(ĐCSVN) - Tại hội nghị Thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 14/9, các chuyên gia kinh tế dã chung nhận định rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc rất mới, chưa từng có trong tiền lệ, cần có tầm nhìn xa nhất là khi bối cảnh quốc tế có những thay đổi phức tạp. Vì lẽ đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần lưu ý những yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển tổng thể của nền kinh tế.

Sẽ trình Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào kỳ họp thứ 4 của Quốc hội

Quy hoạch tổng thể quốc gia phải chỉ ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh

 Quy hoạch tổng thể  quốc gia là công việc mới (Ảnh: PV)

Để Quy hoạch tổng thể quốc gia có thể phát huy được mục tiêu là tạo ra bước tiến mới cho đất nước, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh việc bản Quy hoạch này cần nhìn thấy trước cả những lợi thế mới chuẩn bị xuất hiện. Cụ thể, vị chuyên gia kinh tế này nhận định, Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc rất mới, chưa từng có trong tiền lệ, cần có tầm nhìn xa nhất là khi bối cảnh quốc tế có những thay đổi phức tạp. Do đó cần lưu ý những yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển tổng thể của nền kinh tế.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đối với một đất nước nhiều biên giới thì không thể không mở cửa và phải coi mở cửa là yếu tố tạo ra sức mạnh. “Từ trước đến nay, Việt Nam đã mở cửa tốt, nhưng tận dụng lợi thế để mở cửa thì chưa tốt, vì chưa tạo ra được năng lực cần thiết để biến những thời cơ thành cơ hội do mở cửa mang lại”, ông Thiên đánh giá.

Liên quan đến vấn đề không gian biên giới lãnh thổ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, một quốc gia ở cạnh quốc gia nào là điều cần lưu ý trong bố trí kinh tế để tận dụng lợi thế và hạn chế khó khăn, nhất là về cửa khẩu và cảng biển.

“Nhiều vùng, nhiều địa phương có những điểm bất lợi đang dần chuyển thành lợi thế dưới tác động của hội nhập quốc tế, của biến động tình hình thế giới. Nhất là trong bối cảnh biến động thế giới và khu vực sẽ làm xuất hiện những lợi thế mới của đất nước. Điều này rất quan trọng. Đó chính là cách Việt Nam mượn sức mạnh thời đại để đi lên” – ông Thiên nói.

Phân tích thêm về điều này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, nhiều địa phương, nhiều vùng đang chứng kiến sự đảo ngược tình thế. Các tỉnh miền Trung vốn được coi là khó khăn như Quảng Bình, Quảng Trị đang xuất hiện những lợi thế mới. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, việc hình thành cấu trúc năng lượng mới cùng với thời đại kinh tế xanh đang thúc đẩy thay đổi tư duy về lợi thế phát triển của các địa phương.

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng thẩm định ngày 14/9 tại Hà Nội (Ảnh: PV) 

Nhân dịp này, chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng, Chính phủ nên tổng kết đánh giá lại các vùng trong cả nước. Không phải chỉ để kiểm điểm từng vùng mà để xác định vai trò mỗi vùng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, tạo ra sự cộng hưởng sức mạnh của nền kinh tế. Theo đó, một số vùng đề nghị nên chia thành các tiểu vùng, là cơ sở để kiến tạo vùng sau này bởi các vùng quá dài, quá rộng sẽ khó để liên kết với nhau. Trong liên kết vùng cũng không nhất thiết phải đặt các địa phương giống nhau vào một vùng mà đôi khi điểm khác biệt sẽ tạo nên lợi thế cho sự liên kết.

Đề cập thêm về chiến lược biển, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, khi đặt tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch quốc gia phải có tầm nhìn đại dương chứ không chỉ là kinh tế biển Đông. Những ngành nghề liên quan đến kinh tế biển chủ yếu hiện nay vẫn còn thô sơ, chủ yếu trên cạn và những ngành nghề dưới biển còn chưa có tầm nhìn tương xứng.

“Đại dương là của loài người, những nước nào gần biển đều đang muốn vươn ra đại dương, Việt Nam không thể chỉ giữ tầm nhìn ven bờ đến tận năm 2050. Trong khi những nước trong khu vực đã đưa ra tầm nhìn khác hẳn, công nghệ hiện đại, Việt Nam cần thay đổi tầm nhìn để thực hiện khát vọng trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển đến năm 2050”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

 Các chuyên gia kinh tế (từ trái sang, từ trên xuống): GS.TS Đào Xuân Học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; PGS.TS. Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Kiến Trúc Hà Nội; PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý cho Quy hoạch tổng thể (Ảnh: PV)

Đồng quan điểm về chiến lược biển, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cùng GS.TS Đào Xuân Học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn nêu rõ, cần mở rộng không gian phát triển, hướng ra đại dương và chinh phục bầu trời, vũ trụ đồng thời coi liên kết vùng là cấu trúc không gian chủ yếu để tổ chức phát triển kinh tế - xã hội cũng như cân nhắc xem xét, bổ sung mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đến năm 2030. Hai vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh tới nội dung về thể chế, chính sách là các vấn đề trọng tâm, trọng điểm phát triển trong thời kỳ quy hoạch. GS. TS Đào Xuân Học đề nghị về định hướng phát triển hạ tầng thuỷ lợi cần ghi rõ cho vùng Đồng bằng sông Hồng (làm sống lại các con sông nội địa; các công trình thuỷ lợi có thể chủ động lấy nước trong mọi thời gian) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (bổ sung chương trình xây dựng).

Trong khi đó, liên quan tới vấn đề trọng tâm, PGS.TS. Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Kiến Trúc Hà Nội đã đề xuất 5 vấn đề cần được giải quyết trong thời kỳ quy hoạch, gồm: Phấn đấu đạt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng; Rà soát, sắp xếp hợp lý khung tổ chức không gian phát triển quốc gia, đảm bảo sự phát triển cân bằng, hài hòa; Thúc đẩy đỗ thị hóa bao trùm và bền vững;  Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đai và kiểm soát suy thoái môi trường sinh thái. Dịp này, PGS. TS Trần Trọng Hanh cũng đề nghị xem xét, bổ sung định hướng sử dụng đất tập trung và nén; áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng để sử dụng hiệu quả quỹ đất. Ngoài ra, về định hướng phát triển đô thị quốc gia, chuyên gia Trần Trọng hanh kiến nghị 04 nội dung chính: Định hướng phân loại đô thị, cấp quản lý đô thị và phát triển hệ thống đô thị quốc gia thống nhất, bền vững và đồng bộ; Định hướng phát triển hệ thống các đô thị trên các vùng;  Định hướng phát triển các vùng thành phố cấp quốc gia và Định hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển liên vùng các đô thị Việt Nam, dựa trên mô hình các đô thị xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng./.

 

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực