Để vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ hiệu quả

Thứ sáu, 29/01/2021 14:04
(ĐCSVN) – Công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay được đánh giá là đã, đang và sẽ còn ngày càng phát triển.

Ngày 28/1, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN (LIN) tổ chức Tọa đàm tham vấn đóng góp ý kiến cho Nghị định 64 sửa đổi Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 

Ngày 29/1/2021, Oxfam và Trung tâm Phát triển Cộng đồng Hà Tĩnh tiếp tục triển khai cấp phát tiền mặt không điều kiện (1.500.000 VND/ hộ hưởng lợi), bộ dụng cụ vệ sinh phụ nữ và bồn chứa nước 1.000 lít cho người dân tại xã Cẩm Thạch và Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh  (Ảnh: BTC)

Năm 2020 được xem là một năm nhiều biến động với Việt Nam khi dịch bệnh COVID – 19 xuất hiện, thêm những thiên tai, địch hoạ như đợt bão lũ miền Trung xảy ra trong những tháng cuối năm gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đây cũng là lúc mà tinh thần truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam sáng hơn bao giờ hết. Chúng ta vô cùng xúc động khi chứng kiến hình ảnh cả thôn làng thức đêm gói những chiếc bánh chưng chuyển đến vùng lũ, những đoàn thiện nguyện băng qua nước lũ đến từng hộ gia đình, chúng ta vui mừng khi con số mà các cá nhân, tổ chức huy động được lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ.  

Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi.

 Quang cảnh Tọa đàm

Ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008. Với mục tiêu tham gia tích cực vào quá trình tham vấn, đóng góp ý kiến cho Nghị định 64 sửa đổi, thúc đẩy sự tham gia của tổ chức xã hội, cộng đồng và các bên liên quan vào quá trình đóng góp xây dựng chính sách, phát triển hệ sinh thái cho hoạt động từ thiện tại Việt Nam, Viện MSD và Trung tâm LIN đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm tham vấn, đóng góp ý kiến cho Nghị định 64 sửa đổi - Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tọa đàm có sự tham dự của gần 50 đại biểu, trong đó có đại diện Bộ Tài chính, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Công an, đại diện các tổ chức xã hội, luật sư, nhà nghiên cứu và cơ quan thông tấn báo chí.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Chủ tịch Viện MSD phát biểu khai mạc nêu rõ, Nghị định 64/2008 đã ra đời và đi vào đời sống được hơn 10 năm; tạo ra khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các cấp và các quỹ xã hội, quĩ từ thiện phát huy vai trò của mình trong việc vận đông, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như phù hợp với qui định của luật pháp hiện hành, đặc biệt còn hạn chế trong việc tạo ra một môi trường thuận lợi để phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội để họ tham gia tích cực hơn nữa, chủ động trong các hoạt động từ thiện. Đồng thời, vấn đề quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ có những khuôn khổ cần có sự điều chỉnh cho phù hợp đặc biệt việc hỗ trợ từ thiện nhân đạo trong tình hình mới có những thay đổi theo hướng từ thiện phát triển “cho cần câu để câu cá” – tạo nên sức mạnh cho cộng đồng chứ không ỉ lại vào việc được viện trợ.

“Chúng tôi hy vọng rằng các ý kiến ngày hôm nay sẽ góp phần tạo nên hệ sinh thái thuận lợi cho sự phát triển của công tác từ thiện phát triển của đất nước, đảm bảo việc thực hiện chủ trương không để lại ai ở phía sau trong quá trình phát triển” – ông Nguyễn Ngọc Lâm nói.

Tại Tọa đàm, nhà báo Hoàng Thiên Nga nêu ra cho rằng, việc từ thiện cũng cần quy trình, hướng dẫn để tránh tình trạng cá nhân hay cộng đồng trục lợi, bất hợp lý, nhưng thiết nghĩ trong thời đại 4.0, nếu có hướng dẫn cụ thể, chuẩn xác trong cách hướng dẫn toàn dân minh bạch khi làm từ thiện, thì chính cộng đồng xã hội sẽ là lực lượng giám sát hiệu quả, với trách nhiệm hỗ trợ giám sát của các tổ chức, cơ quan liên quan. Nếu có được một Nghị định bao quát, rõ ràng, dễ hiểu, quy định cần và đủ về tính minh bạch, không mâu thuẫn với quyền cho-nhận của công dân theo Bộ luật Dân sự thì hoạt động từ thiện của toàn dân sẽ nở rộ, mạnh mẽ và chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn". 

Một vấn đề về thách thức về chính sách và về quan điểm của địa phương trong việc tiếp nhận và phối hợp trong công tác từ thiện với các cá nhân, tổ chức cộng đồng cũng được đề cập, khẳng định tầm quan trọng của việc các tổ chức cá nhân phối kết hợp với các cơ quan địa phương để đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  

Từ thực tiễn và nhu cầu của công tác thiện nguyện, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ bức tranh rộng lớn hơn về xu hướng và hệ sinh thái cho từ thiện phát triển tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta đang thực sự thiếu một hệ thống pháp lý thúc đẩy từ thiện. Ví dụ: Ưu đãi thuế hoặc miễn trừ cho công tác từ thiện hoặc công tác tôn vinh, ghi nhận các tấm ương làm từ thiện của các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta thấy, công tác hỗ trợ từ thiện nơi dễ nơi khó, bởi đang phụ thuộc vào quan điểm, nhân cách của lãnh đạo địa phương, phụ thuộc vào cá nhân, thiếu một thể chế, một hệ quan điểm thống nhất trong việc thúc đẩy, khuyến khích làm từ thiện. Chúng ta nên bỏ đi thủ tục cho hay không cho mà quy định hướng dẫn xem cách thức, phương pháp làm điều phối công tác từ thiện thế nào cho hiệu quả, minh bạch giải trình; như vậy, tuỳ từng trường hợp, hoàn cảnh, địa phương thì đơn vị nào có tư cách, năng lực phù hợp, bất kể tổ chức nhà nước hay tổ chức nhân dân, tổ chức xã hội đều có thể đứng ra điều phối công tác từ thiện.”.

Tọa đàm đã tạo ra một không gian mở để các đại biểu cùng nhau trao đổi, đưa ra các đề xuất, trong đó, cho rằng: Nghị định cũng cần ghi nhận và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội là các tổ chức của cộng đồng, sát dân và có thể hỗ trợ cho người dân một cách hiệu quả, lâu dài. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ số, vai trò của truyền thông xã hội rất quan trọng, khuyến nghị các điều khoản khuyến khích sử dụng thành tựu công nghệ trong các hoạt động viện trợ đảm bảo hiệu quả, minh bạch. 

Ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam 

Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh, từ thiện rất dễ lây lan tâm lý và việc từ thiện có thể tràn lan, không hiệu quả. Hiểu 1 quy trình từ thiện thì sẽ đưa ra 1 quy trình chuẩn chỉ, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam bày tỏ đánh giá cao tinh thần làm việc của Ban soạn thảo, trong một thời gian ngắn đã đưa ra bản dự thảo nghị định để lấy ý kiến nhân dân. Trong chia sẻ tại Hội thảo, ông Tú đề xuất, Nghị định mới cần đảm bảo hai điều: Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quyên góp, phân bổ nguồn lực. Thứ hai, đảm bảo tính hiệu quả, ở đây là từ cá nhân tham gia với chính quyền địa phương từ việc đánh giá thiệt hại, huy động nguồn lực, tổ chức cứu trợ, tái thiết sau thiên tai và giám sát đánh giá./.

Tin, ảnh: Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực