|
Ảnh minh họa. |
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, cuối tháng 7 vừa qua Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết triển khai 3 dự án đường bộ cao tốc phía Nam gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Các Nghị quyết trên được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng trên cơ sở Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ.
Vì vậy, để triển khai các công việc tiếp theo đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam và 3 dự án cao tốc phía Nam đảm bảo đồng bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và đề xuất sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 18/NQ-CP liên quan đến việc chỉ định thầu.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị sửa đổi Nghị quyết 18/NQ-CP và thống nhất với các nghị quyết của Chính phủ triển khai 3 dự án đường bộ cao tốc phía Nam như sau: “Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người có thẩm quyền thu hồi đất được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm (2022 và 2023) đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần, việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu…”.
Lý do đề xuất sửa đổi được Bộ Giao thông Vận tải nêu ra tại Tờ trình số 8219/TTr-BGTVT là: Đối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, theo Nghị quyết số 18/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và gói thầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu gói thầu xây lắp các dự án thành phần.
Đối với 3 dự án đường bộ cao tốc, tại các Dự thảo Nghị quyết (kèm theo Tờ trình số 6517/BGTVT-CQLXD ngày 28/6/2022 của Bộ Giao thông Vận tải), cơ chế chỉ định thầu được thực hiện tương tự như Nghị quyết số 18/NQ-CP nêu trên. Trong quá trình xây dựng các Dự thảo Nghị quyết triển khai 3 dự án đường bộ cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại các cuộc họp rà soát, hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện cơ chế chỉ định thầu cần đảm bảo phù hợp chủ trương phân cấp, phân quyền, rút ngắn quy trình thực hiện và đảm bảo phù hợp trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tại các Nghị quyết của Chính phủ triển khai 3 dự án đường bộ cao tốc đã quy định rõ việc chỉ định thầu thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất; riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần, việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).
Để đảm bảo thống nhất trong việc triển khai các dự án đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ chấp thuận sửa đổi khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 18/NQ-CP như các Nghị quyết của Chính phủ triển khai 3 dự án đường bộ cao tốc.
Với quy định trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh được thực hiện việc chỉ định thầu các gói thầu xây lắp ở dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 và 3 dự án cao tốc phía Nam, thay vì Thủ tướng Chính phủ là người quyết định việc này như quy định trong Nghị quyết 18/NQ-CP.
Liên quan đến việc chỉ định các gói thầu, sáng 10/8 vừa qua, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để thúc đẩy và giám sát việc chỉ định thầu.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, triển khai thủ tục đầu tư, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu. “Việc chỉ định phải trên tinh thần vô tư, trong sáng vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, vừa bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án; vừa phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, 3 dự án cao tốc phía Nam có tổng mức đầu tư khoảng 84.463 tỷ đồng và được đầu tư bằng nguồn đầu tư công.
Trong đó, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu lần lượt là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1 và 3. Tương tự, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Đắk Lắk lần lượt là cơ quan chủ quản dự án thành phần 1 và 3. Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2 cả hai cao tốc này. Với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giao hết cho địa phương làm.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần phải hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng và khởi công vào tháng 7/2023 và tháng 11/2023 đối với hai cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…/.