Đề xuất công nhận tương đương hệ thống quản lý về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thịt và thủy sản

Thứ tư, 24/11/2021 17:35
(ĐCSVN) - Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất Cơ quan kiểm dịch động thực vật Nga chấp nhận cùng đánh giá và công nhận tương đương, công nhận hệ thống quản lý lẫn nhau về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thịt và thủy sản để tạo điều kiện thúc đẩy xuất, nhập khẩu nông sản giữa hai nước.
 Ảnh minh họa (Nguồn: KD)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, những năm gần đây, kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - Nga tăng mạnh, đặc biệt sau khi Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2015, chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu mạnh sang Nga như: thủy sản, cà phê, hạt điều, hạt tiêu. Năm 2020, kim ngạch thương mại nông sản song phương Việt-Nga đạt khoảng 880 triệu USD, trong đó xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Nga đạt 432 triệu USD, tăng 2,6% so với năm 2019. 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt khoảng 469 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Nga là chủ yếu các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo và nhập khẩu từ Nga là chủ yếu thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ và gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.

Cụ thể, đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga, về thủy sản, hiện nay, Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga (tổng số doanh nghiệp Việt Nam nộp hồ sơ là 172). Về vấn đề này, bà Tô Tường Lan- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, số lượng doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Nga còn hạn chế do thủ tục đăng ký phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đề nghị Nga mở cửa cho thị trường các sản phẩm chăn nuôi nhưng phía Nga mới đồng ý 2 sản phẩm (thịt gà, gia cầm chế biến và sữa). Cụ thể, vừa qua phía bạn đã cấp phép nhập khẩu cho Công ty chế biến sữa Vinamilk và Công ty CP Việt Nam đối với thịt gà, gia cầm chế biến.

Hiện Việt Nam đang đề nghị phía Nga chấp thuận cùng đánh giá và công nhận tương đương về quản lý an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thủy sản và thịt thay cho kiểm tra đánh giá từng doanh nghiệp để có thể đưa nhiều doanh nghiệp hai bên tham gia xuất khẩu.

Đối với sản phẩm xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam, các sản phẩm chính gồm: thủy sản, lúa mỳ, phân bón, thịt đông lạnh và cao su. Riêng đối với các sản phẩm thịt (gà, bò, lợn, gia cầm), tính đến nay, đã có 52 doanh nghiệp của Liên bang Nga được chấp thuận xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2021, Nga đã vươn lên thành nhà xuất khẩu thịt lợn hàng đầu vào Việt Nam, chiếm gần 33% thị trường thịt lợn nhập khẩu cả nước.

Đối với sữa và các sản phẩm từ sữa, tháng 11/2020, Việt Nam đã cho phép phía bạn có thể xuất khẩu các sản phẩm này vào Việt Nam. Trong tháng 9/2021, Việt Nam đã cấp phép cho 26 doanh nghiệp thủy sản của phía bạn chính thức được phép xuất khẩu vào Việt Nam (gồm các sản phẩm cá, tôm, cua nước lạnh). Với lúa mỳ nhập khẩu từ Nga đã được cơ quan chuyên môn hai bên đang phối hợp chặt chẽ kiểm soát mặt hàng này, tạo điều kiện cho nhập khẩu như bình thường.

Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã có nhiều đề xuất trọng tâm. Đáng chú ý, về thủy sản, là ngành có lợi thế mũi nhọn của Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Nga. Do vậy, cơ quan của Bộ NN&PTNT đã có trao đổi với Cơ quan kiểm dịch động thực vật Nga về vấn đề này vì đây các sản phẩm không cạnh tranh trực tiếp với ngành thủy sản nước lạnh của Nga. Đồng thời đề nghị Cơ quan kiểm dịch động thực vật Nga ưu tiên cấp phép cho một số doanh nghiệp thủy sản lớn của Việt Nam đã nộp hồ sơ để xuất khẩu sang Nga. Bên cạnh đó, bà Tô Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP kiến nghị, hai bên cần tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan hai bên nhằm đánh giá, tháo gỡ khó khăn thị trường xuất khẩu, đồng thời, thúc đẩy thanh toán song phương bằng nội tệ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga....

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất hai bên chỉ định hoặc giới thiệu các doanh nghiệp đầu mối có đủ khả năng để gom hàng nông sản mỗi bên, tạo lợi thế quy mô và giảm chi phí logistics để kết nối các hệ thống siêu thị, phân phối.

Ngoài ra, đề xuất Cơ quan kiểm dịch động thực vật Nga chấp nhận cùng đánh giá và công nhận tương đương, công nhận hệ thống quản lý lẫn nhau về quản lý an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thịt và thủy sản để tạo điều kiện thúc đẩy xuất, nhập khẩu nông sản giữa hai nước. Hai bên tăng cường hợp tác khoa học kỹ thuật, theo đó, phía Nga có ưu thế về khoa học cơ bản và có nhiều công nghệ chế biến thực phẩm có thể chia sẻ và thông tin cho Việt Nam phối hợp, áp dụng./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực