Đồng bộ nhiều chính sách phát huy hiệu quả quản lý thuế TMĐT xuyên biên giới

Thứ ba, 20/09/2022 11:20
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và dịch vụ số xuyên biên giới đang đặt ra không ít vấn đề liên quan đến công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, với các chính sách đồng bộ, công khai minh bạch và áp dụng công nghệ hiện đại, các giải pháp quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới nền kinh tế số tại Việt Nam.
Ảnh minh họa (Ảnh: P.V) 

Thị trường TMĐT của Việt Nam dự báo đạt 39 tỷ USD vào năm 2025

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 vừa đưa ra dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên đạt cột mốc này. So với thời điểm nở rộ thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2015, trị giá thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 sẽ tăng gấp 4 lần, từ 4 tỷ USD lên hơn 16 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỷ USD, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á.

Cũng theo số liệu được công bố, số lượng người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các website nước ngoài đã tăng từ 36% năm 2020 lên mức 43% trong năm 2021. Đáng lưu ý, tỷ lệ người tiêu dùng có mua sắm hàng hóa trực tiếp từ các website nước ngoài cũng tăng mạnh từ 49% (năm 2020) lên 56% (năm 2021). Bên cạnh đó, người tiêu dùng mua hàng của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam cũng tăng từ 41% (năm 2020) lên tới 57% (năm 2021).

Đáng lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Mesenger… đã tăng lên 57% vào năm 2021, so với con số 41% vào năm 2020. Số lượng doanh nghiệp có trên 50% lao động sử dụng các ứng dụng từ nhà cung cấp nước ngoài trong công việc như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Mesenger… cũng chiếm tới 44%. Mạng xã hội được tích hợp phổ biến nhất trên website, ứng dụng thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay là Facebook với 62,1% thị phần.

Có thể thấy bức tranh thương mại điện tử nói chung và giao dịch xuyên biên giới nói riêng trong thời gian qua đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ ở nước ta, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, lũy kế tính từ năm 2018 đến hết tháng 6/2022, các tổ chức như Google, Facebook, Microsoft… đã khai nộp thuế với tổng số tiền hơn 5.432 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam đã khai thay, nộp thay thuế nhà thầu gần 760 tỷ đồng, bằng 48% so với số thu năm 2021. Từ năm 2018 đến nay, tăng thu bình quân từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đạt 30%/năm, số thu bình quân đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Nhiều thách thức đòi hỏi đẩy mạnh các giải pháp quản lý thuế

Những đặc trưng của nền kinh tế số và sự phát triển nhanh chóng của nó đã mang lại tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế. Đó là những khó khăn liên quan đến việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp, việc xác định căn cứ tính thuế, phân biệt loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, kiểm soát dòng tiền… Để giải quyết những thách thức mới của nền kinh tế số, năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC, Thông tư số 80/2021/TT-BTC, Thông tư số 100/2021/TT-BTC trong đó có nội dung quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức quản lý thuế đối với hoạt động này.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành kế hoạch tổng thể triển khai đề án “Quản lý thuế đối với thương mại điện tử tại Việt Nam”. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử ngành thuế, cơ quan thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường trách nhiệm chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay; tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tiếp tục nghiên cứu một số đề xuất giúp tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử… Ngoài ra, Bộ Tài chính còn ký thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước... để chia sẻ thông tin, nghiên cứu phương án, giải pháp quản lý hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Đáng lưu ý, từ tháng 3/2022 Bộ Tài chính đã chính thức đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế. Cổng thông tin điện tử là địa chỉ để NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế Việt Nam. Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở Khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của Quốc gia đối với Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ta.

Ông Nguyễn Bằng Thắng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, Cổng thông tin điện tử dành riêng cho NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là một phương thức quản lý thuế mới, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu như trước đây, thông qua cơ chế thu thuế nhà thầu nước ngoài, các NCCNN hoạt động xuyên biên giới phải ủy quyền cho các tổ chức trong nước đứng ra kê khai, nộp thuế thay cho họ, thì với sự ra đời của cổng thông tin điện tử này, cho dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, các NCCNN cũng có thể thực hiện được nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế Việt Nam một cách nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch nhất.

Điều này không những tạo điều kiện thuận lợi cho các NCCNN, mà còn tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân trong nước; đồng thời khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, qua đó góp phần cải cách hành chính cũng như thúc đẩy chuyển đổi số ngành Tài chính.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều hình thức, giải pháp tuyên truyền, trao đổi, vận động trực tiếp các nhà cung cấp của nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Apple…; hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán (có các nhà cung cấp nước ngoài lớn hoạt động tại Việt Nam), một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte để đôn đốc các NCCNN có hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN.
Theo ông Nguyễn Bằng Thắng, kể từ khi Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN đi vào hoạt động đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và đăng ký thuế cho nhiều NCCNN lớn, trong đó có những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Meta (Facebook), Google, Microsoft, Tiktok, Neflix… với số thuế nộp ngân sách nhà nước lên tới hàng chục triệu USD.
“Với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, cũng như đóng góp vào thành công chung trong quá trình chuyển đổi số của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung”, ông Nguyễn Bằng Thắng chia sẻ.

Cần sự phối hợp đồng bộ 
Công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp, chung tay của nhiều bộ, ngành có liên quan. Chẳng hạn như, để quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam một cách hiệu quả, không chỉ có Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) là cơ quan thực hiện chức năng quản lý thu thuế, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cả người sử dụng dịch vụ.

Trong đó phải đảm bảo các mục tiêu cốt lõi, như: Bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng internet trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc gia… trong quá trình quản lý, cung cấp và sử dụng; không để bị động và bị chi phối, kiểm soát nội dung thông tin một cách có chủ đích từ các nền tảng số xuyên biên giới của nước ngoài. Bảo đảm sự kết hợp giữa phòng, chống thông tin xấu, độc với nâng cao khả năng sàng lọc, tự miễn nhiễm trước thông tin xấu, độc của người sử dụng tại Việt Nam. Nâng cao kỹ năng an toàn, an ninh của người sử dụng tại Việt Nam trên môi trường internet. Bên cạnh đó là quản lý các kênh thanh toán nhằm hạn chế các nhà cung cấp nước ngoài sử dụng các kênh thanh toán trực tiếp như Visa và Master Card, ví điện tử nhằm hạn chế hành vi trốn thuế.

Ông Nguyễn Bằng Thắng cho biết thêm, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành và phối hợp tích cực của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Hy vọng rằng mối quan hệ phối hợp này sẽ ngày càng phát triển và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới nói chung và công tác quản lý thuế đối với các NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nói riêng, đóng vào vào sự phát triển nói chung của nền kinh tế.

 
M.P (t.h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực