|
Đoàn khảo sát về xây dựng nhà máy chế biến hoa quả có múi làm việc với tỉnh Hòa Bình
(Ảnh: HP) |
Tham gia đoàn khảo sát có: Bà Nikola Sichlerova, Bí thư thứ Nhất, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn MHGroup, Phó Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Thăng Long; ông Từ Quang Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà Điện Biên.
Thông tin với bà Nicola Sichlerova và Đoàn công tác về những tiềm năng thế mạnh của tỉnh Hòa Bình trên các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tổng diện cây ăn quả có múi toàn tỉnh Hòa Bình vào khoảng trên 9.600 nghìn ha. Trong đó, diện tích kinh doanh đạt 7.429 ha; sản lượng bình quân hằng năm đạt trên 160 nghìn tấn. Vùng trồng cam, quýt tập trung với diện tích trên 4.500ha, sản lượng khoảng trên 102 nghìn tấn. Nhóm giống chủ lực là quýt Ôn Châu, cam CS1, cam đường canh, cam Xã Đoàn, cam V2. Một số vùng trồng cam lớn như huyện Cao Phong 1.700ha, Lạc Thủy 1.400ha.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, vùng bưởi cũng có diện tích lớn trên 5.100ha, sản lượng hằng năm trên 57 nghìn tấn, trong đó có một số huyện có diện tích lớn, tập trung như Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn. Những năm qua, để hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm cây ăn quả an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tỉnh Hòa Bình đã luôn coi trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, cấp mã số vùng trồng cho nhóm cây ăn quả nói chung, trong đó có cây ăn quả có múi…
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Thắng cho biết, tỉnh sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư của Cộng hòa Séc đến đầu tư kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, với mong muốn được tiếp nhận, chuyển giao các dự án sản xuất, chế biến, bảo quản, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, tăng năng suất, giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn.
Bà Nicola Sichlerova cho biết, hợp tác kinh tế là một trong những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc thời gian qua. Trên cơ sở báo cáo của tỉnh, bà Nicola Sichlerova đánh giá cao những tiềm năng kinh tế của Hòa Bình, đặc biệt là phát triển các vùng trồng cây ăn quả có múi mang lại giá trị kinh tế cao. Bà Nicola Sichlerova thông tin, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình lần này, Đoàn khảo sát sẽ tìm hiểu về dự án xây dựng nhà máy chế biến hoa quả có múi của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà Điện Biên để sản xuất các sản phẩm nước ép từ cam, bưởi để xuất khẩu sang thị trường Cộng hòa Séc, EU cũng như khu vực Châu Á.
Ông Từ Quang Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà Điện Biên cho biết, Công ty đang đầu tư trồng và chăm sóc diện tích cây ăn quả có múi khoảng 200ha, trong đó bao gồm các loại quả như cam lòng vàng, cam chín muộn V2, bưởi đỏ Tân Lạc, quýt Ôn Châu…,Trước đó, Công ty đã được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Nhà máy chế biến hoa quả cam cao phong” với tổng mức đầu tư 188 tỷ đồng tại khu 9 thị trấn Cao Phong.
“Chúng tôi mong muốn với sự hỗ trợ của UBND tỉnh cũng như các đối tác hợp tác thì công ty sẽ sớm hoàn thiện việc xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động trong quý 2 năm 2023. Trên cơ sở đó, công ty tập trung liên kết cùng các hộ dân tại các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao phong và các huyện lân cận để xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy. Trong đó, diện tích dự kiến 2.000ha bao gồm các loại quả như dứa, chanh, cam, bưởi… Việc xây dựng nhà máy chế biến sẽ góp phần nâng cao giá trị của các cây ăn quả có múi, đồng thời giải quyết được bài toán được mùa mất giá, trong khi bà nông dân có công ăn việc làm giúp ổn định đời sống. Công ty cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con” – ông Từ Quang Hà thông tin.
Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn MHGroup, Phó Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Thăng Long cũng cho biết thêm, Công ty Quang Hà Điện Biên đang hợp tác cùng một số doanh nghiệp tại Cộng hòa Séc về liên kết, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ nông sản. Trên cơ sở đó, Công ty Quang Hà Điện Biên mong muốn MHGroup tư vấn kết nối doanh nghiệp để xuất khẩu lĩnh vực nông sản và tiếp cận với khoa học công nghệ trong chế biến sâu các sản phẩm đồ uống cũng như các phụ phẩm nông sản; đồng thời kết nối trải nghiệm du lịch công nghệ cao cũng như tư vấn quản lý cấu trúc tài chính cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Minh Hằng khẳng định, không chỉ với Công ty Quang Hà Điện Biên mà MHgroup còn sẵn sàng hợp tác với các thành viên trong Liên minh Hợp tác xã trong chế biến và xuất khẩu nông sản sang các thị trường trong khu vực và thế giới.
Mới đây MHgroup cũng đã có buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam để thúc đẩy phát triển thị trường Halal không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các nước trong khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, MHgroup sẽ tiếp tục hỗ trợ Công ty Quang Hà Điện Biên tư vấn quản lý, chứng nhận Halal để xuất khẩu các sản phẩm đồ uống từ trái cây của công ty vào thị trường Hồi giáo rộng lớn.
Về phía Vietinbank Chi nhánh Thăng Long, bà Nguyễn Thị Minh Hằng cho biết sẽ tham gia cung cấp dịch vụ bảo lãnh cho Công ty Quang Hà Điện Biên, đồng thời là đơn vị đầu mối trực tiếp nhận ủy thác, quản lý theo dõi số tiền mà các quỹ tín dụng tại Cộng hòa Séc cho công ty vay để xây dựng dự án khi triển khai thực hiện. Quỹ tín dụng của Chính phủ cộng hòa Séc sau khi có báo cáo khảo sát sẽ thẩm định đánh giá tổng thể để xây dựng các nhà máy vùng trồng nguyên liệu cũng như chế biến sản phẩm. Vì thế, Tập đoàn MHGroup cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Công ty Quang Hà Điện Biên trong việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ cũng như hỗ trợ chuyển giao công nghệ của Cộng hòa Séc để khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường châu Âu cũng như các nước Hồi giáo rộng lớn.