Giải Báo chí bình đẳng khu vực Châu Á nhận bài dự thi đến hết 30/1/2020

Thứ năm, 12/12/2019 09:59
(ĐCSVN) – Giải báo chí bình đẳng hướng tới việc vinh danh các nhà báo lên tiếng về vấn đề xã hội và bất bình đẳng đồng thời khuyến khích nhiều nhà báo viết về đề tài này hơn nữa, vì một châu Á bình đẳng cho tất cả mọi người.
leftcenterrightdel
Cần tôn vinh những nhà báo tuyên truyền về các vấn đề xã hội và bất bình đẳng  (Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Mặt trận Tổ quốc)

Châu Á và Thái Bình Dương là khu vực có số lượng tỷ phú giàu nhất và gia tăng nhanh nhất thế giới trong năm qua, với 906 tỷ phú nắm giữ gần 3 nghìn tỷ đô la tài sản. Ngược lại, 1,2 tỷ dân châu Á đang vật lộn để kiếm sống. Phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương là những người bị chịu thiệt thòi nhất, mà không có tiếng nói quyết định. Khủng hoảng khí hậu cho thấy tần suất thảm họa tăng lên trên khắp châu Á, và các nhóm yếu thế kể trên phải gánh chịu nhiều tác động nhất.

Các nhà báo có hiểu biết, kĩ năng và tiếng nói để lên tiếng về các vấn đề xã hội và bất bình đẳng, nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ của cộng đồng về bình đẳng, quyền con người và bền vững. Nhà báo trên toàn châu Á đã, đang tiếp tục tuyên truyền về bất bình đẳng và nghèo đói.

Theo đó, giải báo chí bình đẳng sẽ được giới thiệu tại nhiều nước vùng Nam và Đông Nam châu Á: Băng-la-đét, Ma-lay-si-a, My-an-mar, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Cụ thể, tiêu chí đề cử, các nhà báo đủ điều kiện đề cử hoặc tự ứng cử nếu đáp ứng các tiêu chí sau: Bài báo viết có độ dài từ 650 từ trở lên, được đăng tải trên báo in hoặc báo online (hoặc bất kì nền tảng công cộng nào nếu đáp ứng được tất cả các tiêu chí khác); Nhà báo viết từ hai bài trở lên về đề tài bất bình đẳng trong khoảng thời gian từ 1/1/2019 tới 31/1/2020; Các bài báo đề cử viết về chủ đề Bất bình đẳng ảnh hưởng như thế nào tới người dân châu Á hoặc ở nước họ, từ lăng kính bất bình đẳng kinh tế, quyền phụ nữ, dịch vụ công, thuế, công bằng khí hậu... Nội dung bài viết cũng có thể về thực tiễn hoặc đề xuất chính sách xây dựng một châu Á công bằng hơn; Nhà báo có thể đề cử các bài viết bằng ngôn ngữ khác, với một bản dịch tiếng Anh đính kèm.

Quy trình đề cử: Bài báo đề cử giải thưởng có thể được gửi trực tuyến: https://asiacentre.org/event/journalism/. Đối tượng tham gia đề cử hoặc tự ứng cử: nhà báo, bạn đọc, các đơn vị báo chí, các tổ chức xã hội hay viện nghiên cứu. Mỗi đề cử hợp lệ phải bao gồm tên của nhà báo, chi tiết có thể kiểm chứng về các bài báo đã xuất bản (đường links), tên tòa soạn, thông tin liên lạc (Email, WhatsApp/line, phone) của nhà báo. Trong số hai bài báo gửi, người đề cử cũng phải chỉ rõ bài nào họ đề nghị xem xét trao giải. Trong trường hợp không có link online, có thể gửi bản scan (dịch) dưới dạng pdf.

Hạn cuối nhận bài thi đến hết ngày 31/1/2020 và dự kiến sẽ trao giải vào 27-28/3/2020.

Theo Thông tin từ Ban tổ chức, ban giám khảo sẽ gồm 5 người, bao gồm đại diện từ Trung tâm Châu Á, Oxfam và các đối tác Xã hội dân sự. Tiêu chí chấm điểm: Liên quan chuyên đề 40%; Liên quan xã hội 35%; Giá trị đóng góp 10% Kỹ thuật 15%. Bài viết có đóng góp vào việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng không? Có đóng góp giải quyết một mối quan tâm liên quan tới xã hội? Có vận động cho bình đẳng xã hội? Có được nghiên cứu và dựa trên bằng chứng? Chủ đề có liên quan và quan trọng với quốc gia/khu vực? Có phản ánh chính xác mối quan tâm và tiếng nói của cộng đồng bị ảnh hưởng? Có giải quyết bất bình đẳng qua lăng kính hỗ trợ/trao quyền cho những người bị ảnh hưởng nhất? Có cấu trúc tốt và phân tích hợp lý? Các luận điểm được bổ trợ bởi luận chứng thực tế. Bài viết có xác định nguyên nhân cụ thể dẫn tới các bất bình đẳng và giải pháp không? Bài viết có truyền cảm hứng kêu gọi hành động không? Bài viết có được trình bày dễ hiểu không?.

Cũng theo Ban tổ chức, 3 nhà báo đứng đầu sẽ nhận được giải thưởng là tiền mặt và sẽ được tuyên dương tại Lễ trao giải tại Bangkok (Thái Lan); 10 nhà báo (tùy vào khả năng có thể tham dự của nhà báo) sẽ được mời tham dự Diễn đàn báo chí Bình đẳng, được tổ chức sau Lễ trao giải; 5 nhà báo đứng đầu mỗi nước sẽ nhận Chứng nhận của Ban tổ chức.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực