Gói hỗ trợ COVID-19 lần hai cần cụ thể và đi vào nhóm đối tượng doanh nghiệp

Thứ hai, 21/09/2020 17:40
(ĐCSVN) - Gói hỗ trợ lần 2 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất với tổng kinh phí khoảng 18.600 tỷ đồng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, lao động mất việc làm... chịu tác động bởi dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng kinh phí đề xuất khoảng 18.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trực tiếp người lao động gặp khó khăn.

Gói hỗ trợ đợt 2 đi vào nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khó khăn trực tiếp từ COVID-19

leftcenterrightdel
 Ngành xây dựng chịu ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19 (Ảnh: PV)

Chính sách này áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh. Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn.

Mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh là 2 tỷ đồng, với người lao động là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021. Lãi suất vay là 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo) từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Kinh phí hỗ trợ ước tính là 15.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Đối tượng thụ hưởng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm, hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020 với kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng trích từ ngân sách địa phương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo. Thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021.

Đánh giá cao các gói hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng chính sách này thể hiện tinh thần nhân văn của Chính phủ, góp phần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt khó trong đại dịch COVID - 19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh trong việc đưa ra các điều kiện, cũng như cách thức triển khai để các gói hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả.

Trước đó, chúng ta đã triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho COVID-19 đợt 1, tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến giữa tháng 8/2020 chỉ hơn 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tốc độ giải ngân chỉ đạt hơn 17.000 tỷ đồng (chiếm 19%) với  nhóm được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động thuộc khối bảo trợ, lao động là người có công, hộ nghèo. Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này.

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới lao động khối phi chính thức khó tiếp cận chương trình hỗ trợ, bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam - tổ chức đang có các hoạt động nghiên cứu gói hỗ trợ tài chính cho người lao động trong đại dịch cho rằng lý do chính là họ không có giấy tờ chứng minh. Yêu cầu “có đăng ký thường trú hoặc tạm trú” là rất khó thực hiện vì những người lao động di cư thường có đặc điểm di biến cao, trong khi thủ tục lấy xác nhận tạm trú ở nhiều nơi lại khá rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, để được nhận tiền hỗ trợ, người lao động di cư phải lấy xác nhận của cả hai nơi, nơi đăng ký thường trú và tạm trú. Thủ tục này cũng phức tạp, làm mất thời gian đi lại và tốn kém, nhất là đối với người lao động di cư đến từ các tỉnh, thành xa xôi.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tính đến giữa tháng 8/2020, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 17.000 tỷ đồng (đạt 19%), hỗ trợ cho hơn 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19.                  

Cần thay đổi cách thức hỗ trợ

leftcenterrightdel
 Hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng lan tỏa mạnh để phục hồi kinh tế (Ảnh: PV)

Mặc dù đánh giá cao các gói hỗ trợ và cho rằng cần thiết phải triển khai những gói hỗ trợ mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu thực hiện cần phải có sự điều chỉnh trong việc đưa ra các điều kiện, cũng như cách thức triển khai.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nên thực hiện gói hỗ trợ lần 2 vì thể hiện tinh thần nhân văn của Chính phủ, góp phần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt khó trong đại dịch COVID -19. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lần 2 thì cần phải nghiên cứu kỹ về cách thức, phương pháp thực hiện. Trong khi đó, một chuyên gia về lao động – việc làm đề xuất, cần xây dựng nhanh cơ sở dữ liệu về thị trường lao động để việc hỗ trợ được thuận lợi.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đợt dịch COVID-19 thứ hai ập đến khiến cho nền kinh tế đang bị tác động nghiêm trọng của đợt dịch trước đã tiếp tục gánh chịu những tổn thất lớn. Thậm chí, tác động của đợt dịch lần này được dự báo có thể gây tổn thất lớn hơn.

Nhưng, cũng từ thực tế các chính sách hỗ trợ đợt 1 dù có nguồn lực để thực hiện không nhỏ, song hiệu quả mang lại chưa thực sự được như kỳ vọng. Ngoài vấn đề gia hạn nộp các loại thuế, phí có thể thực hiện được ngay thì hầu hết doanh nghiệp cho rằng họ chưa “với” tới được các chính sách hỗ trợ vì những quy định cụ thể khá ngặt nghèo, đơn cử như việc vay tiền để trả lương cho người lao động trong lúc khó khăn. Điều đó buộc doanh nghiệp phải tự tìm mọi cách xoay xở trước khi có thể hưởng lợi từ chính sách nếu không muốn bị lâm vào tình trạng đóng cửa, phá sản mà việc giải ngân nguồn tiền 180 ngàn tỷ đồng theo các nhóm hỗ trợ thì chỉ được một phần nhỏ.

Do vậy, theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, với gói hỗ trợ lần hai, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần tính toán chặt chẽ, đầy đủ các yếu tố tác động, dựa trên thực tế khó khăn của doanh nghiệp để xây dựng chính sách, đưa ra được các gói hỗ trợ cần đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng đến đúng đối tượng hơn. Đặc biệt, cần hỗ trợ mạnh về lãi suất vào những lĩnh vực quan trọng, có tính lan tỏa cho nền kinh tế như: chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, tự động hóa... Bởi, việc hỗ trợ lần này không chỉ khắc phục khó khăn trước mắt mà còn vực dậy thực lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn sau khi đại dịch đi qua./.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực