Hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo nền móng phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán

Thứ hai, 22/11/2021 14:34
(ĐCSVN) – Thực hiện sự chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) luôn xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những trọng tâm trong xây dựng và phát triển TTCK.
leftcenterrightdel
Ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước được thành lập và xây dựng cơ chế chính sách cho TTCK trước khi thị trường chính thức đi vào hoạt động (Ảnh: TL) 

Tư tưởng, quan điểm về việc hình thành TTCK nhằm tạo kênh huy động vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Đảng và Nhà nước đặt ra và xác định cụ thể từ đầu những năm 1990. Hội nghị đại biểu giữa kỳ khóa VII năm 1994 đã đề ra chủ trương phát triển các hình thức công ty cổ phần, từng bước mở rộng việc phát triển và lưu thông các loại cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, tạo tiền đề thiết lập TTCK. Quan điểm và tư duy lý luận về phát triển TTCK, góp phần hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta liên tục được kế thừa, bổ sung, hoàn thiện hơn qua các kỳ Đại hội Đảng. 

Khác với nhiều nước trên thế giới, khi TTCK được hình thành và đi vào hoạt động một thời gian thì sau đó cơ quan quản lý nhà nước mới xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động trên thị trường. Ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước được thành lập và xây dựng cơ chế chính sách cho TTCK trước khi thị trường chính thức đi vào hoạt động.

Ngày 11/7/1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK, đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng khung khổ pháp lý cho TTCK. Trên cơ sở đó, các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho việc khai trương và đi vào vận hành TTCK ở Việt Nam từ tháng 7/2000 với sự ra đời của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.

Sau một thời gian thị trường đi vào hoạt động, Nghị định số 48/1998/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều hạn chế do được xây dựng khi chưa có thực tiễn hoạt động của thị trường. Những bất cập trong khung khổ pháp lý là một trong những rào cản khiến TTCK non trẻ của Việt Nam không có nhiều chuyển biến mang tính bứt phá, khó phát triển được. Trên cơ sở kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn quản lý, ngày 28/11/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP thay thế Nghị định số 48/1998/NĐ-CP. Nghị định số 144/2003/NĐ-CP cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khung pháp lý tương đối đồng bộ về các hoạt động trên thị trường như phát hành, niêm yết, kinh doanh, giao dịch, công bố thông tin, xử lý vi phạm...

Tuy nhiên, trước yêu cầu đòi hỏi phải nâng cao hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật về chứng khoán, đồng thời để tạo được lòng tin cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được dòng vốn, tạo đà phát triển cho thị trường, khắc phục mâu thuẫn, xung đột với các văn bản pháp luật có liên quan, vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật Chứng khoán, bảo đảm tính hiệu lực pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong điều chỉnh hoạt động về chứng khoán và TTCK.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và trên cơ sở thực tiễn hoạt động của TTCK Việt Nam, Bộ Tài chính đã tham mưu chỉ đạo UBCKNN xây dựng Luật Chứng khoán trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành. Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành 01/7/2007. Đây là dấu mốc quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và TTCK, kể từ khi TTCK đi vào hoạt động. Sau 4 năm thực hiện, để góp phần tiếp tục đưa TTCK Việt Nam hội nhập sâu rộng với TTCK các nước trong khu vực và trên thế giới, Luật Chứng khoán năm 2006 được sửa đổi, bổ sung. Ngày 24/11/2010, Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua.

Luật Chứng khoán năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010) và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện Luật đã tạo khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất điều chỉnh hoạt động chứng khoán và TTCK. Trên cơ sở đó, TTCK đã phát triển nhanh và tương đối ổn định, góp phần phát triển kinh tế của đất nước.

Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã chỉ ra bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Theo đó, khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Sau 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong bối cảnh mới, cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của TTCK, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thúc đẩy phát triển TTCK nhanh, bền vững. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán.

Với mục đích, nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019; Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 03/12/2019 (Lệnh số 18/2019/L-CTN). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực