Hội thảo hướng tới Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26)

Thứ năm, 18/03/2021 18:00
(ĐCSVN) – Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn và là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ đối với khu vực đồng bằng lớn thứ ba trên thế giới này.

Hội thảo hướng tới Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) - Dòng sông của sự sống – tác động của biến đổi khí hậu tới đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hành động của tuổi trẻ do Hội đồng Anh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp thực hiện, trước thềm COP26, đã diễn ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp ngày 17/3

Hậu quả biến đổi khí hậu đã quá rõ ràng trong thực tế vài năm trở lại đây (Ảnh tư liệu) 

Hội thảo thu hút sự tham dự của ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, bà Donna McGowan, Giám đốc quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam cùng các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu liên quan cụ thể tới các dòng sông khu vực ĐBSCL, lãnh đạo, các nhà hoạch định, thực hiện chính sách về môi trường, các nghệ sĩ có mối quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, các lãnh đạo trẻ và học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Hội thảo thuộc thuộc dự án Dòng sông của sự sống, một chương trình sáng tạo gồm các hoạt động gắn kết những người trẻ tuổi trên thế giới do Hội đồng Anh phát động. Dự án làm việc với các đối tác ở Vương quốc Anh và các đối tác trên toàn thế giới bằng việc sử dụng mạng lưới toàn cầu của mình để tạo ra cơ hội hợp tác, đàm thoại và kế hoạch hành động trong nghệ thuật, giáo dục và khoa học để giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu và cùng nhau đóng góp cho sự thành công của COP26, sự kiện quan trọng về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh từ ngày 1 đến ngày 12/11/2021.

Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn và là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ đối với khu vực đồng bằng lớn thứ ba trên thế giới này. Chỉ ít ngày sau Hội nghị lần thứ ba về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do Thủ tướng chính phủ chủ trì vào ngày 13/3 vừa qua, Hội thảo hướng tới Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) - Dòng sông của sự sống – tác động của biến đổi khí hậu tới ĐBSCL và hành động của tuổi trẻ được tổ chức với mục tiêu tập trung, nhấn mạnh vai trò của giáo dục dành cho thế hệ trẻ, những hoạt động gắn với cộng đồng, gắn với tầm quan trọng của những dòng sông tại khu vực ĐBSCL. Hội thảo khẳng định hướng đi đúng, không chỉ phù hợp với phương châm 8G của Thủ tướng chính phủ mà còn rất đúng với bối cảnh của ĐBSCL hiện nay với ba chữ ‘G’: Giáo – Giáo dục phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào thế hệ trẻ, thanh niên, sinh viên tìm hiểu về môi trường và có kiến thức về môi trường, Gắn – là sự gắn kết giữa trung ương với địa phương, giữa trong nước với quốc tế, đặc biệt gắn với liên kết vùng để cùng phát triển bền vững và cuối cùng là Giang – là việc tập trung vào những dòng sông thuộc lưu vực sông Mekong, những dòng sông tạo nên ĐBSCL. Hội thảo cũng là hoạt động ý nghĩa hướng tới Ngày Nước thế giới 2021 với chủ đề Valuing the water - Giá trị của Nước cao hơn nhiều so với giá cả của nó.

Biến đổi khí hậu có rất nhiều hình thái cũng như những ảnh hưởng khác nhau, với mục tiêu nâng cao nhận thức về các vấn đề biến đổi khí hậu và tác động trên các dòng sông thuộc ĐBSCL cho các lãnh đạo trẻ và học sinh trung học phổ thông, các phần trình bày về biến đổi khí hậu của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này tại hội thảo đã giúp giới thiệu bức tranh tổng thể về môi trường nơi đây, đó là phần chia sẻ chuyên môn về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, những vấn đề và chính sách của thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL; với nhóm tiến sĩ thuộc trường đại học Southampton, các chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về khu vực ĐBSCL của Việt Nam cho thấy biến đổi khí hậu đã có tác động lên dòng sông Cửu Long ra sao, tác động cũng như sự thay đổi rõ rệt về sự thay đổi nhiệt độ, sự nóng lên ở Việt Nam trong vòng 100 năm trở lại đây, những thay đổi do biến đổi khí hậu gây nên; hay với phần chia sẻ của nhóm chuyên gia đại học Hull, Vương quốc Anh lại tập trung nhiều hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với con người, nhu cầu của công đồng và nghệ thuật kể chuyện để kêu gọi hành động bảo về môi trường thông qua các câu chuyện truyền cảm hứng của chính người kể mà trong đó vai trò của thế hệ trẻ được nhấn mạnh và là trung tâm trong việc tạo tác động tới nhu cầu xã hội trong việc bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về chương trình, hoạt động và mục tiêu của dự án, bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc chương trình Giáo dục và Xã hội, Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết: Dòng sông của sự sống có sử dụng cách tiếp cận mới với sự kết hợp của chương trình công dân tích cực cùng sự đóng góp của các nghệ sĩ cũng như các nhà khoa học để giúp cho thế hệ trẻ hiểu được về tác động của những dòng sông đối với khu vực ĐBSCL và chúng tôi thực hiện chương trình bằng cách xây dựng những nhóm đối tượng là giới trẻ với sự tham gia của 23 nhà lãnh đạo trẻ. Các bạn sẽ có cơ hội được đào tạo và cung cấp các kỹ năng về xây dựng dự án, kỹ năng về nghiên cứu … và khám phá những hình thức khác nhau của sự biểu đạt cho các chương trình của mình.

 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực