Hợp tác công tư (PPP) giúp thúc đẩy hiệu quả bảo hiểm nông nghiệp

Thứ sáu, 16/10/2015 19:25

(ĐCSVN) - Kể từ Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đi vào thực hiện, kết quả thu về vẫn còn thấp. Trong khi đó, bảo hiểm nông nghiệp được xem là cách tốt để giúp nông dân đỡ bấp bênh trước những rủi ro khó lường của sản xuất nông nghiệp, nhất la rủi ro thiên tai, dịch bệnh...

Hơn nữa, việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp cũng khiến người nông dân có ý thức sản xuất hàng hóa theo quy trình, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa.

 

 Rừng và cao su là một trong những đối tượng thí điểm BHNN (Ảnh: L.H)


Với Quyết định này, Bộ Tài chính đã hỗ trợ phí bảo hiểm với mức 100% đối với hộ nghèo; 60% đối với hộ cận nghèo và 12% đối với các tổ chức tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung vào cây lúa; vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và thủy sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

Theo thống kê của Phòng Phi nhân thọ, Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, tính đến nay, cả nước mới có hơn 304.000 hộ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Giá trị bảo hiểm là 7.700 tỉ đồng, số tiền bồi thường là 712 tỉ đồng, và doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỉ đồng. Con số này quá nhỏ so với con số 11 triệu hộ nông dân trên cả nước.

Lý giải về thực trạng trên, đại diện Phòng Phi nhân thọ thừa nhận, quá trình triển khai cho thấy phạm vi, đối tượng và địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp là khá rộng trong khi thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều và tính chất mỗi địa phương là khác nhau. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế và chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp nên chưa hấp dẫn người dân tham gia. Còn về phía người dân, nhiều hộ gia đình vẫn chủ yếu tham gia mang tính chất thăm dò, tính chủ động chưa cao.

Theo nhiều chuyên gia, rủi ro quá lớn từ bảo hiểm nông nghiệp và sản phẩm bảo hiểm không phù hợp là hai nguyên nhân chính khiến cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người nông dân không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp. Chính vì vậy, xây dựng mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong bảo hiểm nông nghiệp, kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan là một hướng đi mới, đang được Tây Ban Nha hỗ trợ Việt Nam triển khai, được cụ thể hóa bằng dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công-tư” trong giai đoạn 2013-2015. Các chuyên gia này cũng nhất trí cao rằng, PPP trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp sẽ là phương thức giúp loại hình này phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Dự án tập trung rà soát, phân tích đánh giá thực trạng bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị về tăng cường năng lực thể chế, xây dựng mô hình bảo hiểm nông nghiệp có sự liên kết công-tư cho cây cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Phân tích chi tiết hơn về dự án, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hoạt động của Dự án là tập trung rà soát, phân tích đánh giá thực trạng bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị về tăng cường năng lực thể chế, xây dựng mô hình bảo hiểm nông nghiệp có sự liên kết công-tư cho cây cà phê tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Ông Alfonso Tena Garcia, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Tây Ban Nha tại Việt Nam cho rằng, nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, là công cụ để phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chủ quyền của mỗi quốc gia. Điều này càng quan trọng hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Liên quan tới thực trạng khó khăn trong triển khai bảo hiểm nông nghiệp, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), khẳng định không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Có những quốc gia sau 20 năm triển khai thí điểm bảo hiểm trên lĩnh vực thủy sản mới triển khai chính thức trên phạm vi cả nước. Thực tế, các công ty bảo hiểm trên thế giới đa phần là công ty tư nhân, tuy nhiên, riêng bảo hiểm nông nghiệp có đặc thù riêng, là một trong những dịch vụ công khá quan trọng, nhà nước cần đóng vai trò mạnh hơn để hỗ trợ cho cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển.

Được biết, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2016-2018. Hy vọng với những hợp tác thiết thực của quốc tế cùng với việc đẩy mạnh PPP trong triển khai, bảo hiểm nông nghiệp sẽ thực sự phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo đời sống của nông dân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực