Khắc phục khó khăn vì COVID-19 trong mối liên hệ với các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ năm, 18/11/2021 09:25
(ĐCSVN) - Việt Nam đang từng bước đạt được nhiều thành tựu trong phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, diễn biến của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng khác nhau đã tác động không nhỏ đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Quản trị phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19" qua hình thức trực tiếp và trực tuyên với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

leftcenterrightof the
 The conference takes place in both online and offline formats (Screenshots)

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Lãnh đạo và Đổi mới chính sách, do Viện Lãnh đạo học và chính sách công (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức thường xuyên hai năm một lần.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 cá nhân đăng ký tham gia trực tiếp và nhiều đăng ký tham gia trực tuyến.

Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới, là giá trị phổ quát của loài người. Trong nhiều thập kỷ qua, con người đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững cho mỗi quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, thế giới đang trải qua rất nhiều biến động phức tạp, khó lường, đặc biệt đại dịch COVID-19 trong hai năm qua, đã tác động tiêu cực đến mục tiêu này.

Cũng theo PGS.TS Lê Văn Lợi, đối với Việt Nam, phát triển bền vững là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước từ khi tiến hành công cuộc đổi mới tới nay. Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường... tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước."

leftcenterrightof the
 Hình thức trực tuyến diễn ra trên nền tảng Terms (Ảnh chụp màn hình)

Tại Hội thảo lần này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn một số vấn đề về nhận diện, phân tích ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến phát triển của các quốc gia, từ đó làm rõ mối quan hệ giữa khủng hoảng nói chung và phát triển bền vững. Đồng thời, các đại biểu đánh giá các phản ứng chính sách và biện pháp quản trị nhằm phát triển bền vững, trước tiên là việc ứng phó chủ động và hiệu quả trước các tác động không mong muốn của đại dịch COVID-19 nói riêng hay các hiện tượng bất thường nói chung, từ đó thảo luận, nghiên cứu các mô hình, cơ chế quản trị quốc gia, quản trị quốc tế, hợp tác quốc tế, các giải pháp phục hồi kinh tế-xã hội, bảo đảm phát triển bền vững sau COVID-19.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, các chuyên gia tiếp tục xây dựng, hoàn thiện lý thuyết về quản trị quá trình phát triển, phát triển bền vững, nhất là trong những tình huống khẩn cấp, tình huống có nguy cơ khủng hoảng.

Cũng tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia cũng thảo luận nhằm nhận diện được bối cảnh và năng lực lãnh đạo chính trị hiện nay, từ đó góp phần phát hiện nguy cơ rủi ro trong quá trình phát triển của Việt Nam đến năm 2025-2030 và kiến nghị giải pháp; những tổn thương của doanh nghiệp khi xuất hiện các cú sốc bất lợi và hàm ý chính sách; việc nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới; hệ sinh thái và kinh tế để phòng, chống đại dịch COVID-19...

Đáng chú ý, đề cập tới các rủi ro trong quá trình phát triển hiện nay, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải cảnh giác trước rủi ro về bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ Việt Nam tụt hậu ít nhất 5-10 năm và nhiều nhất là 10-20 năm. Do đó, cần phải duy trì tốc độ phát triển cao kéo dài và bền vững, tránh sai lầm về chính sách cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước chuyển đổi năng lực cạnh tranh sang gia tăng giá trị và năng suất lao động trong nền kinh tế. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, hơn lúc nào hết, nước ta đặc biệt là Đảng ta cần phải chú ý tới các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, xác lập tốt việc quản trị rủi ro cũng như không ngừng đẩy mạng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh đó, là khủng hoảng kinh tế cùng dịch bệnh COVID-19 đã đặt thế và lực của đất nước trước những thách thức to lớn, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới “sức khỏe” của nền kinh tế quốc gia cũng như khu vực và thế giới. Ngoài ra, cạnh tranh chiến lược giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương rất khó kiểm soát, ngày càng căng thẳng, Việt Nam cần chủ động ngăn ngừa với các kế hoạch đối phó từ sớm, từ xa. Song song là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước  biển dâng với chiến lược phát triển nền kinh tế thông minh, kinh tế xanh phù hợp xu thế thời đại. “Phải tận dụng mọi lợi thế, khắc phục mọi khó khăn, thử thách để biến nguy thành cơ hay ít nhất cũng chủ động trong mọi tình huống, không để quốc gia rơi vào tình thế bị động trong phát triển” – PGS.TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh.

Đánh giá về các hàm ý chính sách trước các cú sốc bất lợi do dịch bệnh COVID-19 gây ra, TS Phan Thế Công, Giảng viên cao cấp Đại học Thương mại nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng gặp nhiều cản trở, khó khăn thậm chí phải giải thể, phá sản. Vì lẽ đó, cần thiết phải thích ứng an toàn linh hoạt, hỗ trợ phục hồi hiệu quả và thúc đẩy khởi nghiệp trong đó có các chính sách ưu tiên nền tảng số với Chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Đồng quan điểm này, một chuyên gia khác đã nhắc lại cảnh báo của nhà bác học Lê Quý Đôn về 5 nguy cơ có thể mất nước bao gồm: Trẻ không kính già; Trò không trọng thầy; Binh kiêu tướng thoái; Tham nhũng tràn lan và sĩ phu ngoảnh mặt để liên hệ với các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa cùng công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng đang rất quyết liệt hiện nay để tìm mối liên hệ, từ đó có giải pháp khắc phục, xử lý hiệu quả.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhất trí cao rằng, giải quyết các thách thức do tác động của các loại khủng hoảng, trong đó có đại dịch COVID-19, bảo đảm phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn xã hội. Tất nhiên, việc làm này cần sự quan tâm từ các nhà lãnh đạo, quản lý, các cấp chính quyền, cộng đồng và người dân, trong đó, vai trò của các nhà khoa học là rất quan trọng. Các Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng nhau vượt qua đại dịch, khôi phục sản xuất, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Hội thảo là diễn đàn để cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của Học viện nghiên cứu so sánh, thảo luận khoa học, phát triển năng lực hợp tác quốc tế, công bố kết quả nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Các tham luận, báo cáo của các tác giả sẽ được tập hợp để xuất bản thành sách phục vụ cho công tác nghiên cứu, đào tạo, tập huấn về lãnh đạo, chính sách công cũng như ứng dụng vào thực tiễn.
Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực