Khánh Hoà tập trung triển khai 4 chương trình phát triển kinh tế

Thứ tư, 16/12/2015 16:20
(ĐCSVN) - Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với 32 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Trước nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của các biến động về kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm duy trì sự ổn định của nền kinh tế.

Theo Tỉnh uỷ Khánh Hoà, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đã góp phần nâng cao ý thức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân sách tỉnh giai đoạn 2011-2015 đã bố trí 56,7 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Xây dựng, nhân rộng và hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.806 lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số, trong đó có 2.045 lao động qua đào tạo được bố trí việc làm. Hỗ trợ xây mới 295 nhà và tô trát, sửa chữa 382 nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh qua mỗi năm; 100% xã, thôn có các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số bình quân hàng năm giảm 8,6%, đạt mục tiêu của chương trình đề ra; thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số đến cuối năm 2014 là 7,2 triệu đồng/ năm; phấn đấu đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số đạt mục tiêu đề ra là 8,16 triệu đồng/người/năm.

Nuôi tôm hùm ở Khánh Hoà (Ảnh: Đ.H)

Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 đã tạo điều kiện, góp phần cải thiện đời sống và thu nhập của cư dân nông thôn được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Kết cấu hạ tầng cơ sở ở nông thôn từng bước được đầu tư nâng cấp. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện xây dựng nông thôn mới trong 4 năm (2011 - 2014) là 14.706 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ các doanh nghiệp là 181,535 tỷ đồng, đóng góp của cộng đồng dân cư là 267,976 tỷ đồng. Cuối năm 2014 có 10/94 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 10,6% tổng số xã), 05/94 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (chiếm 5,3% tổng số xã), 31/94 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (chiếm 33% tổng số xã), 44/94 xã đạt từ 05 - 09 tiêu chí (chiếm 46,8% tổng số xã); 04/94 xã đạt dưới 05 tiêu chí, giảm 32 xã so với năm 2011; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung của toàn tỉnh là 9,9 tiêu chí/xã, so với tháng 7/2011 tăng bình quân 4,47 tiêu chí/xã. Đến cuối năm 2015 có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình phát triển hệ thống đô thị giai đoạn 2011-2015 được huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện. Tổng kinh phí đã giải ngân để thực hiện các dự án của Chương trình tại các địa phương là 11.571 tỷ đồng. Đã hoàn thành 25 đồ án quy hoạch trên địa bàn toàn tỉnh với kinh phí đầu tư 65,659 tỷ đồng. Ngoài sử dụng nguồn vốn ngân sách để lập quy hoạch xây dựng các đô thị, việc huy động nguồn vốn của doanh nghiệp đã được quan tâm triển khai như: Tổ chức cuộc thi quốc tế về ý tưởng Quy hoạch Khu trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài  chính - Du lịch Nha Trang (238 ha), Quy hoạch Khu đô thị và trung tâm hành chính của tỉnh (khoảng 700 ha), Quy hoạch Khu đô thị dọc đường Nha Trang – Diên Khánh (557 ha), Quy hoạch khu đô thị ven biển vịnh Cam Ranh (1.422 ha)... Đã tổ chức cuộc thi ý tưởng Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị hành chính của tỉnh với quy mô khoảng 126 ha, trong đó Khu trung tâm hành chính khoảng 40 ha.

Đã xây dựng hoàn thành 41 dự án hạ tầng kỹ thuật với kinh phí 5.010 tỷ đồng, gồm một số công trình trọng điểm như: hệ thống thoát nước thải và nhà máy xử lý chất thải rắn tại thành phố Cam Ranh với khối lượng đã thực hiện 160 tỷ và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại thị xã Ninh Hòa với khối lượng thực hiện khoảng 115 tỷ... Một số dự án xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao đã hoàn thành như: Bệnh viện mắt Thái Thành Nam với khối lượng thực hiện khoảng 64 tỷ, Trường THPT Ischool với khối lượng đã thực hiện khoảng 10 tỷ; hồ bơi Yết Kiêu; Bệnh viện đa khoa Tâm Trí...Về phát triển nhà ở và khu dân cư, đã có một số dự án hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và chuyển sang khai thác, kinh doanh như: Khu dân cư Vĩnh Điềm Trung 36,86 ha, Khu đô thị mới Phước Long 48,2 ha, Khu đô thị Mỹ Gia 181,96 ha, Chung cư cao cấp Bãi Dương với 162 căn hộ. Một số dự án nhà ở xã hội cũng đã hoàn thiện đưa vào sử dụng như Chung cư An Thịnh - Vĩnh Hải 120 căn hộ, Chung cư An Bình - Vĩnh Nguyên 136 căn hộ, Ký túc xá sinh viên Nha Trang 980 sinh viên.

Chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020 được tỉnh quan tâm triển khai. Nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý giai đoạn 2011 - 2015 đã bố trí 1.293,2 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho cấp huyện là 601,1 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất theo chương trình được phê duyệt; sử dụng nguồn chi sự nghiệp để đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, viên chức nên bước đầu cơ bản giải quyết đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và cơ cấu trình độ, ngành, nghề phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh. Đã hỗ trợ đào tạo cho các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên một số ngành, nghề như sư phạm, chăm sóc sức khỏe, phát triển nguồn lợi thủy sản. Bước đầu xây dựng đội ngũ nhân lực có sức khoẻ tốt, phát triển toàn diện, có tri thức và kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội, Khánh Hoà xác định trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Kiện toàn, nâng cao năng lực ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và bộ phận giúp việc các cấp, thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình trên địa bàn nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tiếp tục giữ vững và nâng cao mức độ đạt chuẩn tiêu chí đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nhằm nâng cao diện mạo nông thôn Khánh Hòa so với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. 

Chương trình phát triển đô thị, tập trung công tác quy hoạch, trong đó bổ sung quy hoạch cấp nước, thoát nước thải đối với các địa phương chưa có quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị - hành chính của tỉnh để sớm đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn theo quy định về điều kiện kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở để nâng cấp quản lý toàn huyện Diên Khánh và huyện Vạn Ninh thành thị xã vào năm 2017 - 2018; hoàn thành Đề án chia tách thị xã Ninh Hòa thành 2 đơn vị hành chính cấp huyện; hoàn thành và đưa vào vận hành các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và các nghĩa trang xây dựng mới… để đáp ứng các tiêu chí về môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục rà soát các quy định, chính sách về đầu tư, kinh doanh để kiến nghị sửa đổi các nội dung không đồng bộ, các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh (nếu có) thuộc lĩnh vực phát triển đô thị; cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp; xây dựng công trình phúc lợi, nhà ở phục vụ người lao động làm việc ở các khu công nghiệp.

Chương trình phát triển nguồn nhân lực, tập trung thực hiện các giải pháp có hiệu quả, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định đối với cán bộ trong hệ thống chính trị từ cấp xã đến cấp tỉnh. Có các chính sách phù hợp và làm đầu mối thống nhất quy chế phối hợp, liên kết giữa các trường, viện, các địa phương trong vùng; mở rộng liên kết với các đối tác nước ngoài; đồng thời tạo điều kiện để các trường, viện gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học - công nghệ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu lao động, đặc biệt ở các thị trường có yêu cầu lao động chất lượng cao.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, gắn kết với việc xây dựng, tập huấn kỹ thuật, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, ý thức trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia thực hiện chương trình, chính sách trên địa bàn miền núi. Xác định cơ cấu, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với năng lực nhận thức của đồng bào và thế mạnh của từng địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng đội ngũ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông; các nhóm cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã miền núi tích cực hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phương tiện phục vụ cho phát triển sản xuất như giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, kỹ năng, phương pháp, ứng dụng các mô hình phát triển sản xuất. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình giao thông gắn kết với vùng sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực