Kho bạc Nhà nước: Hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ trong vận hành quản lý

Thứ tư, 22/09/2021 14:54
(ĐCSVN) – Thời gian qua , hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai vận hành nhiều hệ thống công nghệ thông tin lớn như: hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng, phối hợp thu với ngân hàng; kho dữ liệu; ứng dụng tra cứu số dư và trạng thái hồ sơ chi điện tử trên thiết bị di động… qua đó giúp đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng hiệu quả quản lý vận hành của hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: M.P) 

Tăng cường công nghệ hoá

Thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã tập trung xây dựng Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020. Trong giai đoạn tới đây, 2021-2030, hệ thống Kho bạc Nhà nước chuyển sang một giai đoạn mới, đó là giai đoạn xây dựng kho bạc số. 

Vì vậy trong giai đoạn tới là hoàn thiện các ứng dụng đã có nhằm củng cố hoàn thiện kho bạc điện tử và xây dựng các bài toán nhằm hướng đến hình thành kho bạc số.

Theo KBNN, để thực hiện mục tiêu hoàn thiện ứng dụng nhằm củng cố kho bạc điện tử, KBNN sẽ xây dựng triển khai bài toán liên thông giữa dịch vụ công trực tuyến với TABMIS và thanh toán điện tử với ngân hàng và xây dựng và triển khai bài toán kiểm soát chi đầu tư qua Kho bạc. Đồng thời, KBNN cũng sẽ xây dựng, triển khai dịch vụ công cấp độ 4 còn lại (đối chiếu số dư tài khoản hàng tháng, cam kết chi ngân sách nhà nước) và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Ngoài ra, một số nhiệm vụ trọng điểm của KBNN trong thời gian tới là: tích hợp module thanh toán liên ngân hàng độc lập vào hệ thống thanh toán điện tử song phương; cổng dữ liệu kết nối thanh toán với các nhà cung cấp điện, nước, viễn thông; cổng dữ liệu kết nối bảng thanh toán lương với các ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản thanh toán; nhận diện khuôn mặt trên một số ứng dụng phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước; xây dựng và triển khai dịch vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN và tích hợp với dịch vụ công trực tuyến và chương trình quản lý kiểm soát chi đầu tư...

Để xây dựng các bài toán nhằm hình thành kho bạc số, trong giai đoạn 2021 đến 2025, KBNN sẽ tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu. Mục tiêu của giai đoạn này là xây dựng kho bạc dựa trên dữ liệu số.

Còn với giai đoạn 2026 đến 2030, KBNN sẽ tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành Kho bạc số đầy đủ.

Từ đầu năm đến nay, hệ thống KBNN tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách tốt hơn nữa. Đến nay, hơn 98% giao dịch chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến, tăng mạnh so với đầu năm 2020. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch, qua đó, đã nâng cao hiệu quả kiểm soát chi và sử dụng vốn ngân sách, góp phần cùng cả nước ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. 

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Một bước cải cách mang tính đột phá để đưa KBNN tiến nhanh đến Kho bạc điện tử chính là Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).  Đến nay thành công trong việc phủ sóng dịch vụ công trực tuyến không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố mà còn đến tận cấp huyện, xã là dấu ấn nổi bật của hệ thống KBNN. Vượt qua rất nhiều khó khăn, dịch vụ công trực tuyến đã được KBNN triển khai theo đúng lộ trình đặt ra với mục tiêu “tất cả vì khách hàng”. Ngay từ cuối năm 2020, hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ lượng giao dịch chi NSNN qua dịch vụ công trực tuyến đạt 98%.

Theo đánh giá của rất nhiều đơn vị sử dụng ngân sách, việc tham gia dịch vụ công trực tuyến qua Kho bạc đã mang lại rất nhiều tiện ích như: tiết kiệm được thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động (văn phòng phẩm, in ấn…). Bên cạnh đó, việc ký phê duyệt và gửi chứng từ đến KBNN bằng chữ ký số là một biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch trực tuyến, chống được việc giả mạo chữ ký, con dấu cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Vai trò và ý nghĩa của dịch vụ công trực tuyến càng rõ nét khi đất nước trải qua những rủi ro dịch bệnh, thiên tai. Đặc biệt tại thời điểm này, dịch vụ công trực tuyến càng chứng tỏ được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt của hệ thống Kho bạc khi đất nước trải qua biến cố chưa từng có bởi đại dịch COVID-19. Dù rất nhiều tỉnh, thành đang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về giãn cách theo chỉ thị 15, 16 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhưng dòng chảy ngân sách không vì thế mà ách tắc. Các khoản chi ngân sách, chi an sinh xã hội, chi phòng, chống dịch COVID-19 vẫn luôn được các đơn vị KBNN trên cả nước đảm bảo thông suốt, không để chậm trễ.

Có thể thấy, chưa bao giờ vai trò của DVCTT được nhận diện rõ ràng như hiện nay. Với hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng, một lần nữa, vai trò của công nghệ đã được khẳng định, không chỉ bảo đảm tính minh bạch, công khai mà còn bảo đảm được tính liên tục của các dịch vụ công trong tình huống thiên tai, dịch bệnh bất ngờ.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực