Không chỉ là “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, Phú Quốc phải là một thành phố đảo đáng sống

* Hội thảo "Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới"
Thứ năm, 11/08/2022 13:56
(ĐCSVN) - Phú Quốc không chỉ là nơi đón khách du lịch, mà phải trở thành đô thị lưu giữ cư dân sinh sống và làm việc lâu dài. Khi đó, diện mạo đô thị sẽ có sự thay đổi ngoạn mục. Có như vậy, mới phát huy hết giá trị bền vững và tạo ra cơ hội cho Phú Quốc bứt phá.

Đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới với không gian đô thị Phú Quốc

Sáng 11/8, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Reatimes và VIRES phối hợp cùng Meyland tổ chức Hội thảo "Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới".

Chủ trì Hội thảo (Ảnh: HNV) 

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, UBND TP. Phú Quốc, các chuyên gia kinh tế - tài chính, bất động sản, kiến trúc - quy hoạch hàng đầu Việt Nam, cùng đại diện các doanh nghiệp phát triển dự án tại Phú Quốc.

Phát biểu khai mạc, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam nhận định, khác hẳn với hình dung về một “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, nơi có những công trình kỳ vỹ hoà mình cùng thiên nhiên, trong tương lai gần, thành phố đảo Phú Quốc không chỉ và không thể mãi chỉ là một “điểm đến” mà phải trở thành một thành phố đảo đáng sống, một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới.

Tại Hội thảo, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chủ trương đã được quyết định là quy hoạch Phú Quốc trở thành một thành phố đóng vai trò trọng yếu về phát triển kinh tế trong nước, đồng thời là trung tâm phát triển của khu vực và quốc tế. “Phú Quốc được định hướng phát triển để trở thành một điểm sáng trên bản đồ khu vực và thế giới về du lịch, dịch vụ tài chính, khoa học chuyên ngành, giao thông quốc tế và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Để thực hiện tham vọng này, Phú Quốc với tiềm năng địa kinh tế và hoàn cảnh cụ thể của mình hoàn toàn có thể đạt được trong một thời gian không dài. Vấn đề đặt ra là tìm bước đi cụ thể với việc xác định những điểm khác biệt cụ thể đối với từng mặt phát triển cụ thể để từng bước đạt được tổng thể mọi mục tiêu của hoài bão” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ nói.

 Các chuyên gia, diễn giả tham dự Hội thảo (Ảnh: HNV)

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đánh giá, từ ưu thế về vị trí địa lý, quy mô và lợi thế đi tắt đón đầu, hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định có thể phát triển Phú Quốc thành đô thị biển đảo tầm vóc thế giới. Tuy nhiên, về quy hoạch, cần có tầm nhìn xa để quy hoạch một cách bài bản, khoa học để sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất, không gian biển… một cách hiệu quả, trong đó có bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng. Trên cơ sở đó, Phú Quốc sẽ lấy du lịch làm trọng tâm, chú trọng đến du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe công nghệ cao nhưng đồng thời cũng đóng vai trò đầu mối giao thông và tập trung vào không gian sống có chất lượng theo xu hướng sống xanh.

TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nêu rõ, Thành phố Phú Quốc đang có cơ hội trở thành điểm sáng phát triển trong tư duy chiến lược Quốc gia. Triển vọng phát triển không gian đô thị Phú Quốc đến năm 2040 sẽ góp phần xây dựng Phú Quốc sớm trở thành đô thị biển - đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; một khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế...

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập TP. Phú Quốc - thành phố biển đảo duy nhất hiện nay. Do đó, trong quy hoạch Phú Quốc, cần phải chú trọng tới 4 trụ cột chính: công nghiệp giải trí; du lịch nghỉ dưỡng; xây dựng Phú Quốc thành trung tâm tài chính mới của khu vực; là thành phố biển đảo đặc sắc, có trung tâm kinh tế biển theo hướng bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đáng chú ý, việc phát triển đô thị, đầu tư bất động sản trở thành mục tiêu quan trọng nhưng phải phù hợp với sự phát triển 40 - 50 năm sau của thành phố thông minh và phát triển công nghệ cao.

Hội thảo diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: HNV) 

TS. KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, ngoài du lịch, Phú Quốc nên phát triển dân cư với những mô hình, định hướng chiến lược để thiết lập các dự án đô thị kiểu mẫu, đảm bảo thu hút lượng lớn người nước ngoài và Việt Nam nhập cư vào Phú Quốc. Có thể tham khảo khái niệm “thành phố 15 phút” được đưa ra vào năm 2016 tại Pháp và ngày càng chứng minh tính hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh. “Do đó, mô hình phát triển của Phú Quốc không nên chỉ gói gọn là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà phải là thành phố định cư đúng nghĩa, một đô thị hoàn chỉnh, có hoạt động sống, phát triển kinh tế”- TS.KTS Trần Minh Tùng gợi ý.

PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam chia sẻ một số đề xuất để phát triển Phú Quốc theo hướng xanh và bền vững và tập trung vào 3 thành tố, gồm: Môi trường, văn hoá và kinh tế.

Đồng quan điểm trên, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định: Theo chủ trương hiện nay, Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam nhưng tầm nhìn phát triển thì còn cả lộ trình để triển khai, do đó, cần có cách thức thực hiện an toàn và quy hoạch bám sát vào đó để điều chỉnh sao cho linh hoạt.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đồng tình với quan điểm “Phú Quốc là một viên ngọc và ngọc thì càng mài càng sáng” nhưng ông cũng cảnh báo “nếu mài không cẩn thận, ngọc cũng sẽ "tối", không phát huy được giá trị vốn có”. Vì lẽ đó, cần đặt ra tư duy cho các nhà làm quy hoạch, không xây dựng một cách vô tội vạ, thay vào đó cần bảo tồn các yếu tố cũ và xây dựng yếu tố mới một cách đúng hướng.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nêu rõ, bất động sản du lịch Phú Quốc phát triển mạnh từ xưa đến nay với đa dạng các sản phẩm du lịch, góp phần tăng sức hút của Phú Quốc đối với du khách. TS Đính dự báo, thị trường bất động sản Phú Quốc giai đoạn sắp tới chắc chắn sẽ có sự phân lọc mạnh trong lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp. Những dự án chất lượng kém, khả năng kinh doanh thấp sẽ khó thu hút các nhà đầu tư tham gia. Ở phân khúc bất động sản đô thị và nhà ở, do tính khan hiếm và có tiềm năng phát triển nên bất động sản nhà ở Phú Quốc vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên cả nước, đặc biệt là những sản phẩm được cung cấp bởi các dự án chính thống, chất lượng hạ tầng tốt, cảnh quan đẹp, có khả năng khai thác kinh doanh hiệu quả, đơn cử như dự án của Tân Á Đại Thành tại Phú Quốc.

 Cần một sự quy hoạch tổng thể và bền vững cho phát triển Phú Quốc (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Dịp này, ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã giới thiệu, với vị thế là trung tâm kinh tế - văn hóa - tài chính mới của Phú Quốc, Meyhomes Capital Phú Quốc sẽ là một đô thị sống năng động, nơi làm việc, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng và kinh doanh hiệu quả bậc nhất thành phố Đảo.

Theo ông Trịnh Ngọc Thái, Giám đốc Vận hành Khu đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc khi vận hành một khu đô thị để trở thành nơi đáng sống với cư dân thì cần ba yếu tố: an ninh an toàn cho cư dân; cảm giác được an cư lạc nghiệp với các chỉ số từ môi trường, dịch vụ, giáo dục… đáp ứng chất lượng cuộc sống cao và phát triển đô thị thông minh (smart city) với tất cả tiện ích, hiệu suất sử dụng căn nhà, quản lý... đều được thực hiện qua apps.

Có thể thấy, sự dịch chuyển của thị trường bất động sản Phú Quốc đang diễn ra là quy luật tất yếu của sự phát triển, đồng thời cũng là thời cơ cho các nhà đầu tư nhưng cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho các nhà quản lý để thị trường bất động sản Phú Quốc phát triển đúng hướng và hiệu quả.

Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích khoảng 589,23km² (xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore thập niên 1960). Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120km và cách thị xã Hà Tiên 45km. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tiềm năng du lịch Phú Quốc có thể so sánh với Maldives, Phuket (Thailand), Bali (Indonesia), Jeju (Hàn Quốc)…

Ngày 11/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 (Quyết định số 633/QĐ-TTg) và ngày 17/6/2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 868/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030... Tuy nhiên sau khi thành phố Phú Quốc được thành lập, việc lập quy hoạch chung thành phố là cần thiết và cấp bách. Bởi vậy, tại Quyết định 767/QĐ-TTg ngày 23/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, với các tính chất nổi trội: Đô thị biển - đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; Là khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế; Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; Là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; Có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực