Lào Cai: Nỗ lực thúc đẩy các giải pháp phát triển kinh tế dưới tán rừng

Thứ hai, 17/01/2022 12:07
(ĐCSVN) - Thời gian qua, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng tại tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị từ lĩnh vực này, địa phương sẽ tập trung hỗ trợ phát triển cây dược liệu gắn với xây dựng chuỗi giá trị theo hướng OCOP, organic; thúc đẩy du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng gắn với các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh,

Góp phần tích cực trong nâng cao thu nhập cho người dân

Theo UBND tỉnh Lào Cai, trong thời gian qua, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, về phát triển lâm sản ngoài gỗ, Lào Cai tập trung phát triển rừng trồng bằng các loài cây đa mục đích, cho thu hoạch sản phẩm phụ, có giá trị kinh tế cao. Cơ cấu cây trồng được lựa chọn phù hợp với mục đích kinh doanh rừng và vùng sinh thái như: tại các xã vùng cao trồng chủ yếu là các loài cây: thông, sơn tra, vối thuốc, sa mộc...; ở các xã vùng vùng thấp trồng những đa mục đích, đa tác dụng, cây gỗ lớn nhanh, cho năng suất cao, như: quế, bồ đề, keo lai, bạch đàn, xoan ta,…

Đối với cây dược liệu, tổng diện tích trên địa bàn tỉnh đạt 3.704,2 ha (chưa kể 40.200 ha quế, thảo quả), gồm một số loài dược liệu giá trị như: chè dây, tam thất, thất diệp nhất chi hoa...Liên kết trong sản xuất dược liệu từng bước được hình thành. Các vùng sản xuất dược liệu đã được tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm do các công ty liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu hướng dẫn áp dụng kỹ thuật. Đầu ra cho sản phẩm dược liệu về cơ bản ổn định. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tư nhân tham gia liên kết sản xuất thu mua sản phẩm dược liệu. Một số các cơ sở chế biến tiêu thụ dược liệu lớn đã xây dựng được thương hiệu của tỉnh.

Đáng chú ý, về dịch vụ môi trường rừng, những năm vừa qua, tiền dịch vụ môi trường rừng thu hàng năm ủy thác thông qua Quỹ dịch vụ môi trường rừng đạt trung bình trên 120 tỷ đồng. Số tiền được chi trả cho các chủ rừng nằm trong lưu vực trên địa bàn tỉnh vào khoảng 110 tỷ đồng. Số còn lại phần lớn được đầu tư cho các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Diện tích rừng nằm trong lưu vực được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng của tỉnh đạt 228.284 ha, chiếm 61,8% diện tích rừng hiện có của tỉnh, với đơn giá trung bình 475.000 đồng/ha/năm. Một số lưu vực được hưởng đơn giá lên tới 600.000 đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, hiện nay, du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, du lịch sinh thái vườn rừng tại Lào Cai đã dần định hình, đi vào hoạt động và được du khách đến tỉnh ưa chuộng, lựa chọn. Một số điểm du lịch sinh thái nổi tiếng có lượng khách du lịch lớn tham quan hàng năm như: Vườn Quốc gia Hoàng Liên, khu du lịch sinh thái Hàm Rồng - Sa Pa, rừng già Y Tý - Bát Xát,... Cùng với đó, mô hình du lịch sinh thái vườn rừng kết hợp homstay đã và đang gặt hái kết quả khả quan, như: homstay rừng quế tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; Thác mơ, xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng…

Ngoài ra, hiện nay, tỉnh Lào Cai có gần 60 trạng trại nông - lâm kết hợp, gắn với phát triển các loại cây trồng sản phẩm chủ lực của tỉnh. Một số mô hình nông lâm kết hợp điển hình như: mô hình nuôi ong của người cựu chiến binh Phạm Thanh Xuân ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên; mô hình nuôi gà đen dưới tán rừng trồng; mô hình trồng thảo dược nuôi lợn tại huyện Bảo Thắng, TP. Lào Cai…Thông các qua mô hình đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai trên địa bàn.

Nhìn chung, những năm vừa qua, với tư duy đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhận thức của người dân về phát triển kinh tế hộ từ nghề rừng có sự chuyển biến tích cực. Hàng năm, các chỉ tiêu về trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ (dược liệu) đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cơ bản những diện tích trồng mới được áp dụng các biện pháp thâm canh; năng suất chất lượng, giá trị rừng trồng ngày càng tăng; các nhà máy chế biến lâm sản được đầu tư xây dựng gắn với việc hình thành phát triển vùng nguyên liệu tập trung.

Với nhiều nỗ lực, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của Lào Cai giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân trên 12% năm, từ 1.422 tỷ đồng năm 2016, lên 2.355 tỷ đồng năm 2020; tạo việc làm trung bình cho trên 25.000 lao động của tỉnh, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng, đặc biệt đối với người đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. 

leftcenterrightdel
 Trồng và chăm sóc cây tam thất hoang tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Nguồn ảnh: baolaocai.vn)

Tập trung phát triển cây dược liệu theo hướng chuỗi giá trị

Theo UBND tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới, Lào Cai sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng để tiếp tục nâng cao giá trị mang lại. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển cây dược liệu gắn với xây dựng chuỗi giá trị theo hướng OCOP, organic; thúc đẩy du lịch sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng trong rừng gắn với các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh như: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch môi trường rừng, bán tín chỉ các bon rừng...

Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các khâu từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến để nâng cao năng lực sản xuất và giá trị lâm sản trên một đơn vị canh tác.

Địa phương sẽ ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu các sản phẩm lâm sản của tỉnh, đặc biệt huy động nguồn lực xây dựng thương hiệu sản phẩm Quế, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm lâm sản chủ lực.

Cùng với các giải pháp trên, Lào Cai sẽ huy động tối đa, lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương,…hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vào đầu tư, phát triển sản xuất lâm nghiệp. Tăng cường hợp tác đa phương, song phương với các quốc gia trên thế giới nhằm kêu gọi vốn đầu tư FDI, mở rộng thị trường tiêu thụ...Vận động các thành phần kinh tế tích cực đầu tư và tham gia vào bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, chế biến, xuất khẩu và thương mại lâm sản.

Ngoài ra, hỗ trợ thành lập các tổ, nhóm sản xuất theo từng mặt hàng sản phẩm, thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị sản phẩm, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - người dân trong sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp làm cơ sở cho việc xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), chứng nhận sản phẩm hữu cơ.../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực