|
Ảnh minh họa. (Ảnh: PĐ) |
Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư nhằm phù hợp với thực tiễn hoạt động vận tải đường thủy nội địa, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, phù hợp với Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Giao dịch điện tử, với Đề án 06 của Chính phủ và phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Đáng chú ý, tại dự thảo Thông tư mới bổ sung nhiều quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các chủ phương tiện. Cụ thể, bổ sung quy định trong thời hạn 30 ngày, chủ phương tiện phải hoàn thành thủ tục kê khai để xóa tên phương tiện, hoặc hoàn thành thủ tục đăng ký lại phương tiện kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thay đổi tính năng kỹ thuật.
Khi đến nhận giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa hoặc giấy chứng nhận xóa tên phương tiện thủy nội địa, chủ phương tiện phải xuất trình giấy hẹn và một trong các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân; căn cước công dân; thẻ căn cước; số định danh cá nhân, giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền.
Theo Bộ GTVT, việc quy định cụ thể về thời gian thực hiện đăng ký lại phương tiện và xóa tên phương tiện để thể hiện về trách nhiệm của chủ phương tiện với quy định của pháp luật, tránh kéo dài hoặc không thực hiện. Trong khi, việc xóa tên hoặc đăng ký lại cần phải có thời gian dài để chủ phương tiện có đủ thời gian để thực hiện. Đồng thời, chủ phương tiện còn thực hiện các quy định khác như nộp thuế... Mặt khác, điều này sẽ làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về đăng ký phương tiện thủy nội địa. Cùng với đó tạo thuận lợi, chính xác trong tổng hợp, thống kê công tác đăng ký phương tiện, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Để tăng cường trách nhiệm của Cục Đường thuỷ nội địa VN và các cơ quan liên quan, dự thảo Thông tư cũng đề xuất vai trò của Cục Đường thuỷ nội địa VN gồm thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác đăng ký phương tiện thủy nội địa trong phạm vi cả nước, cũng như chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý phương tiện thủy nội địa.
Với cơ quan đăng ký phương tiện cần tổ chức thực hiện Thông tư này theo phạm vi trách nhiệm, thường xuyên cập nhật dữ liệu phương tiện vào cơ sở dữ liệu của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Ngoài ra, lập Sổ đăng ký phương tiện thủy nội địa bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, lưu trữ và quản lý hồ sơ đăng ký phương tiện theo quy định. Định kỳ hàng tháng, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kết quả đăng ký phương tiện.