Liên kết các doanh nghiệp xi măng trong nước để gia tăng sức cạnh tranh trong hội nhập

Thứ năm, 30/04/2015 09:28

(ĐCSVN) – Theo Bộ Xây dựng, năm 2014, khối lượng xuất khẩu xi măng đạt khoảng 20 triệu tấn, giá trị xuất khẩu xấp xỉ 1 tỷ USD (năm 2014). Việt Nam từ nước nhập khẩu thành nước đứng đầu khu vực ASEAN về xuất khẩu xi măng, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể yên tâm đẩy mạnh hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu khi chưa có một định hướng phát triển ngành rõ ràng.

Thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, hết quý I/2015, ngành xi măng đã xuất khẩu gần 4,6 triệu tấn sản phẩm, đạt trị giá 200 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2014, thì xuất khẩu giảm cả về lượng và giá trị, với mức giảm tương đương là 28,6% và 26,8%. Nhưng, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, việc suy giảm xuất khẩu trong quý I là không đáng lo ngại do thời gian này có nhiều ngày nghỉ. 

Bộ Xây dựng đánh giá nguồn nguyên liệu sản xuất xi măng Việt Nam rất lớn, có chất lượng tốt, trữ lượng đá vôi cả nước ước tính trên 32 tỷ tấn, đất sét xi măng trên 4,6 tỷ tấn, phụ gia làm xi măng trên 3,6 tỷ tấn. Trong đó, lượng đá vôi đã khảo sát, cấp phép khai thác đưa vào sản xuất xi măng theo quy hoạch đến năm 2020 trên 12 tỷ tấn.

 

 Xi măng Phúc Sơn, Hải Dương (Ảnh: VT)


Với trữ lượng như vậy, Việt Nam có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất xi măng hàng trăm năm. Hơn nữa, sản xuất xi măng là chế biến sâu khoáng sản, sản phẩm xi măng là kết quả của một chuỗi giá trị gia tăng. Nên giá trị gia tăng măng lại từ hoạt động xuất khẩu rất cao. Chi phí đá vôi hiện nay khoảng 2 - 3 USD/tấn, trong khi giá trị xuất khẩu xi măng đạt 50 - 55 USD/tấn xi măng, xuất khẩu clinker khoảng 40 USD/tấn.

Xuất khẩu xi măng Việt Nam đi sau các nước ASEAN, nhưng ngành công nghiệp xi măng phát triển mạnh hơn, đến nay Việt Nam đã đứng đầu ASEAN về xuất khẩu xi măng.

Theo quy hoạch phát triển ngành xi măng, hiện cả nước có 74 dây chuyền sản xuất xi măng đang vận hành, tổng công suất thiết kế hơn 77 triệu tấn. Đến 2020 công suất sản xuất các nhà máy xi măng trên cả nước sẽ cán ngưỡng 100 triệu tấn/năm. Trong khi đó, lượng tiêu thụ xi măng trong nước hiện nay chỉ khoảng trên 50 triệu tấn/năm. Xuất khẩu đang là một kênh tiêu thụ góp phần điều tiết thị trường xi măng trong nước.

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, việc tìm ra được giải pháp phát triển ngành xi măng Việt Nam không phải tăng về khối lượng và sản lượng xi măng xuất khẩu mà cần phải được đánh giá kỹ lưỡng.

Hoạt động xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam cần được đánh giá một cách cẩn trọng cũng như làm một cách toàn diện và gắn với thực tế của Việt Nam. Trên thực tế xuất khẩu là việc cần thiết vì trong vòng 4 năm nay, công suất sản xuất thực tế của xi măng Việt Nam đã vượt xa so với nhu cầu tiêu dùng nội địa. Với thực tế như vậy thì giải pháp đặt ra đối với việc tiêu thụ xi măng hàng năm bắt buộc phải tính đến yếu tố xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Trước mắt việc xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng như thời gian vừa qua và gắn với việc giá cả trên thị trường thế giới ổn định. Vì vậy, có thể nói trước mắt mặt hàng xi măng chưa phải là mặt hàng trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam, tuy đã có vị thế nhất định và quan trọng hơn cả là đã góp phần đưa ra giải pháp cho việc tiêu thụ đối với ngành xi măng của Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động xuất khẩu xi măng đang vướng ba vấn đề, thứ nhất là các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau theo hướng hạ giá thành chứ không cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, tiếp thị, thương hiệu, mở rộng thị trường. Thứ hai xi măng là vật liệu xây dựng rất nặng nhưng lại đang thiếu một hệ thống logistics kho bãi, cầu cảng và tàu vận chuyển chuyên dụng. Thứ ba chưa chủ động tìm kiếm thị trường mới, xuất khẩu xi măng hiện nay phần lớn là do các nhà nhập khẩu.

Do đó, rất cần một định hướng cụ thể, rõ ràng hơn để ngành thực sự phát triển bền vững. Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, để xuất khẩu xi măng được bền vững, cần giải quyết ngay câu chuyện xuất khẩu phân tán, mạnh ai nấy làm, liên kết các doanh nghiệp thành đầu mối đủ mạnh, gia tăng tính cạnh tranh và lợi thế về giá cho xi măng xuất khẩu. Chỉ khi các doanh nghiệp liên kết và thống nhất cách làm, thì sẽ gia tăng sức mạnh, hạn chế được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chèn ép giá để có đơn hàng xuất khẩu, quan trọng hơn, khi xuất khẩu bền vững, sẽ tạo điều kiện để ngành xi măng giảm áp lực về tồn kho.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực